Hiệp "gà" - Ngày về

09/09/2008 16:18 GMT+7 | Văn hoá

Trong hơn 1.000 phạm nhân được giảm án, tha tù dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, tại 2 trại giam của Hà Nội có 79 phạm nhân được tha tù trước thời hạn. Dương Đức Hiệp mà người ta vẫn quen gọi là Hiệp “gà”, một gương mặt đình đám trong làng giải trí, từng đắt sô nhất nhì miền Bắc mấy năm trước là một người trong số này.

Tôi muốn tìm hiểu sâu Hiệp “gà” bởi oái ăm ở chỗ người từng giúp thiên hạ mua vui như Hiệp “gà” lại không thể giấu nổi dòng nước mắt khi kể về cuộc sống của mình trong những ngày qua.

Nổi danh từ... “chân đất mắt toét”

Hiệp “gà” đang kiểm tra thiết bị âm thanh để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhân Lễ công bố giảm án, tha tù đợt 2-9.
Trong giới nghệ sĩ, Hiệp tự nhận mình thuộc loại “chân đất mắt toét”, chứ không phải hàng “con ông cháu cha” gì. Người đầu tiên có ảnh hưởng đến nghiệp sân khấu sau này của Hiệp là bố đẻ - ông Dương Đức Hiền - lại vốn là một người lính, từng xông pha chiến trận B2 tại miền Nam từ năm 1966. Sau năm 1975, ông Hiền trở về quê (thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, Hưng Yên) với cái giấy Chứng nhận thương binh loại 4/4. Mất 60% sức khỏe, ông Hiền tham gia nhì nhằng vào công việc địa phương. Sau này ông cưới một cô gái làng là bà Trịnh Thị Mơ. Năm 1977 hai ông bà sinh con trai đầu lòng là Dương Đức Hiệp. Dưới Hiệp còn có hai em trai.

Cả bố mẹ Hiệp đều xuất thân con nhà nghèo. Rồi đẻ 3 đứa con trai, mà như các cụ dạy “tam nam bất phú”, nên dường như cái sự nghèo khó lại càng tệ hại hơn. Ba anh em Hiệp từ nhỏ đã sống trong vất vả, nhọc nhằn, phải thay nhau đánh dậm, chăn bò, thả trâu, nuôi tằm, cày cấy. Hai vợ chồng ông Hiền thì đầu tắt mặt tối ngoài ruộng rau để còn có cái mà ngày ngày mang ra chợ bán, phụ thêm vào bữa cơm... Sau này, khi ba anh em Hiệp lớn lên, hai ông bà rau cháo qua ngày, quyết dành dụm tiền cho các con học hành bằng bạn bằng bè, những mong đổi đời.

Chắc chắn ông Hiền không thể ngờ được thằng Hiệp con ông sau này nổi danh trên sân khấu mà xuất phát điểm chỉ từ lòng yêu thích khi lén xem trộm những buổi ông tập văn nghệ với đoàn thanh niên trong xóm. Hiệp không quên điều đó khi kể về con đường đến với nghệ thuật của mình. Nhưng khi tôi về thăm nhà Hiệp thì ông Hiền lại chẳng thể nhớ nổi điều gì bởi bệnh tình chiến tranh để lại. Ông Hiền cứ nói trước, quên sau, duy chỉ có điều nhắc đến tên Hiệp là dòng lệ trên khuôn mặt khắc khổ của ông lại không kìm nén được. Ngồi trước mặt tôi, giọng Hiệp lạc hẳn đi : “Bố em dạo này yếu lắm...” Thế mà để cho Hiệp có thể lên Hà Nội theo học mấy năm trời đằng đẵng, cặp vợ chồng khốn khổ ở quê ấy đã phải chấp nhận đi vay ngân hàng mà tới giờ vẫn chưa trả hết nợ.

Anh biết không? - Hiệp kể : “Ngày em xuống Hà Nội học, bố mẹ cố gắng lắm chỉ gửi xuống được 100.000đ mỗi tháng, có tháng còn chả có tiền. Ngày ấy ngoài thời gian học, em còn đi làm thêm, bốc vác xi-măng, phân đạm để kiếm vài chục nghìn đồng tiền công mỗi xe ô tô. Nhiều lúc, bọn bạn trong lớp ở Hà Nội đến ký túc xá tán gái, em tranh thủ mượn xe máy, chạy ra ngoài cổng trường làm mấy cuốc xe ôm... Sau đó buổi tối em còn đi hát ngoài quán cà phê, làm MC, dịp nghỉ hè thì đi phụ, làm lon ton cho mấy đoàn làm phim để người ta sai vặt...

Hiệp học được 2 năm thì đứa em trai kế sau cũng thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Để hai anh em có thể trọ học tại Hà Nội, Hiệp đã phải cố gắng nhiều lắm. Cho đến khi đứa em út học xong phổ thông, hai anh em Hiệp đã phải về quê mấy ngày để vận động cậu em gác lại chuyện bút nghiên, chịu khó vào quân ngũ rèn luyện, hết hạn nghĩa vụ quân sự hai năm thì về nhà sẽ liệu. Và giờ này, khi Hiệp sống gần trọn 17 tháng trong trại giam thì cũng là lúc đứa em út đã tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa. Phải thừa nhận mấy anh em nhà Hiệp khá có chí và Hiệp cũng góp phần không nhỏ trong việc cùng gia đình lo chuyện ăn học cho các em.

Từ một học sinh “quê một cục”, học xong trường làng, trường huyện rồi lên Hà Nội, tốt nghiệp đại học, bươn chải kiếm sống và trụ lại nổi cũng không phải là đơn giản. Một “thành tích” nữa tuy chẳng vẻ vang gì, nhưng một kẻ “chân đất mắt toét” như Hiệp đã làm được, đó là trước khi bị bắt, từng có thời gian mỗi ngày Hiệp phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng dành cho việc mua ma túy sử dụng.

“May mắn của tôi là được sống trong trại giam”

Thời gian ở trong trại, Hiệp “gà” đã nhận được hàng trăm bức thư của người hâm mộ.
Nghe Hiệp nói vậy, có lẽ không riêng tôi mà rất nhiều người sẽ lầm tưởng nhân vật này nói hài hước, hay đang tập lời thoại cho một kịch bản nào đó. Nhưng không, Hiệp thổ lộ rất thật lòng. Hiệp luôn nói với tôi là cuộc đời đã mang lại cho Hiệp nhiều điều may mắn mà Hiệp vẫn cho đó là cơ hội không phải ai cũng có được.

Ngày học xong trường cấp 3 Kim Động, Hiệp đăng ký dự thi Sân khấu Điện ảnh. Hiệp thú nhận, lúc đó chỉ nghĩ dự thi cho vui chứ chả hy vọng đỗ đạt gì. Cả khóa ấy lấy có 12 người, tức là tỷ lệ 1 phải chọi với khoảng 500. Mang theo phong cách “hương đồng gió nội” ấy lên để “đánh đu” với “cậu ấm, cô chiêu” thành phố, Hiệp chỉ nghĩ cứ thi đại cho xong rồi về, đằng nào cũng bõ cái công lặn lội lên Hà Nội. Thật không ngờ, run rủi thế nào, Hiệp lại lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo. Sau này vào học, như thầy Ngô Xuân Huyền vẫn trêu là cậu trò “xấu nhất miền Bắc” mà Hiệp hiểu ưu thế, khả năng của mình phù hợp với những vai nào. “Vâng, vẫn chỉ là những vai quê quê thôi mà !” - Hiệp nhỏ nhẹ. Đó là cái may mắn đầu tiên khi đến với nghề của Hiệp.

Những năm tháng ở trường, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng Hiệp chỉ quanh quẩn kiếm ăn vớ vẩn, còn lại hoàn toàn chuyên tâm vào học tập, không hề bỏ bê để lao ra ngoài ký hợp đồng đóng chỗ này, diễn chỗ khác như nhiều người. Vậy nên, được học tập một cách nghiêm túc, cơ bản, với Hiệp là cái may mắn thứ hai.

Cái may mắn thứ ba là khi ra trường, Hiệp là người duy nhất trong khóa học được nhận về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Nên nhớ rằng, hồi đó đơn vị nghệ thuật tiếng tăm này kén người lắm, mấy đứa quê mùa như Hiệp có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ mình có được chỗ đứng ở đó...

Hiệp còn kể ra hàng loạt những điều may mắn khác để đi tới kết luận cuối cùng: Được vào sống trong trại giam cũng là một điều may mắn. Hiệp tâm sự thế này: “Khi chưa bị bắt, đã có lúc tôi từng ước mình bị bắt. Nếu cứ ở ngoài đời, có lẽ mình không thể cai được. Nhưng vào tù rồi mới thấy rằng đời đã dạy mình nhiều điều, nhưng không bằng một ngày ở tù”. Theo Hiệp, nếu còn nghiện ma túy, thì mình có làm được tiền núi, tiền giời, tiền đất... có nổi tiếng đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng chả thấm tháp gì.

Đếm từng giờ, chờ từng ngày đoàn tụ

Thượng tá Bùi Ngọc Bình, Phó Giám thị trại giam số II cho biết: Ngày 27-9 này Dương Đức Hiệp sẽ được trả lại quyền công dân trước thời hạn 7 tháng. Có nghĩa rằng, tới thời điểm ấy, Hiệp “gà” tròn 17 tháng thụ án. Thời gian sống trong trại cải tạo, Hiệp “gà” không những là bếp trưởng mà còn là “bầu sô” giỏi của nhóm “ca sĩ áo kẻ sọc to”. Ở nơi đây, giữa sân khấu cuộc đời của một góc xã hội thu nhỏ - một xã hội đặc biệt bởi mỗi thành viên đều là những con người từng lầm lỡ - Hiệp đã dàn dựng được 9 chương trình, đưa ra “công diễn” được 3 tiểu phẩm và ấp ủ hoàn thiện 2 kịch bản trong những ngày còn lại... Cũng nhờ có Hiệp mà không gian của trại giam dường như ấm áp, thân thiện hơn, khơi dậy trong sâu thẳm đáy lòng từng con người phần thiện để họ tu dưỡng, cải tạo vươn lên làm lại cuộc đời.
 
Vợ chồng Hiệp "gà" trong ngày đặc xá

Thời điểm này Hiệp không chỉ đếm từng ngày mà nhẩm tính từng giờ, chờ ngày về đoàn tụ với gia đình. Con người là vậy. Nếu những ngày đầu vào trại, hầu như không đêm nào Hiệp có thể ngủ trọn vẹn, nhìn trần nhà và bốn bức tường để ngẫm về những gì đã qua và những điều đang chờ đợi ở phía trước, thì đến giờ này Hiệp cũng lại mất ngủ bởi những tâm trạng rất khó tả trong lòng khi chuẩn bị chia tay nơi đã gắn bó với mình gần một năm rưỡi qua.

Nhớ ngày Hiệp mới bị bắt, tôi đã từng lọ mọ đến những nơi vợ chồng Hiệp đã thuê trọ để tìm hiểu về con người này. Có thể nói trong những “sao” của sân khấu hài mà tôi có dịp biết, chưa ai có đời sống vật chất khó khăn như Hiệp. Điều đó có lẽ một phần là do phải đỡ đần gia đình, phần khác là do phải “nuôi” những cơn nghiện không thể “đói” thuốc. Không biết vợ chồng Hiệp đã thuê bao nhiêu nơi để ở trọ nhưng hai nơi tôi biết, một nằm trong ngõ Hào Nam, còn một thì ở tổ 23 phường Phương Liên, đều là những nơi ẩm thấp, tạm bợ, nằm sâu hút trong các con ngõ vốn dân lao động ngoại tỉnh hay cánh sinh viên nghèo thường thuê. Vậy mà Hiệp không chỉ là diễn viên đơn thuần mà còn từng là bầu sô, mở hẳn một công ty tổ chức biểu diễn riêng. Hiệp cay đắng kể : “Nghĩ lại chua xót lắm, hồi có đồng ra đồng vào, vợ em bảo dành dụm mua cái nhà, to nhỏ gì thì cũng có cái chỗ chui ra, chui vào. Vậy mà em không nghe. Để đến bây giờ, tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.

Hiệp có một cái may mắn hơn nhiều người là sau khi bị bắt, nhận án cải tạo, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả người hâm mộ nữa, tất cả đều không quay lưng lại với Hiệp. Nhưng người mà Hiệp cảm thấy có lỗi lớn nhất là người bạn đời tên Nguyễn Thanh Quý, cô gái quê gốc Quảng Ninh. Đến giờ Hiệp lấy vợ đã được hơn bốn năm, cô con gái đầu lòng cũng đã được gần 4 tuổi, nhưng Hiệp vẫn luôn ân hận bởi mình đã mắc nợ Quý quá nhiều. Như Hiệp thừa nhận, vợ tôi lấy tôi đúng là quá khổ, nặng gánh nhà chồng, lại quá vất vả vì mình. Quý đã từ bỏ tất cả để theo Hiệp về Hà Nội dù cô có hẳn một cửa hàng thẩm mỹ khá khá ở Quảng Ninh với hơn chục nhân viên. Nhượng lại cửa hàng, bao nhiêu vốn liếng cô dồn cả cho chồng để mở công ty. Vậy mà sau này, Quý chưa có nổi một ngày được thanh thản.

Ngày Hiệp bị bắt, gia đình Hiệp càng thêm khó khăn khi trụ cột kinh tế gặp chuyện gửi con gái về quê, nhờ ông bà nội trông rồi bám lại ở Hà Nội để tiện chăm sóc, thăm nom chồng. Quý hiện đang làm nhân viên tiếp thị cho một công ty, đồng lương được tính theo sản phẩm bán ra nên rất “phập phù”. Thu nhập của cô tháng cao nhất mới được khoảng 2-3 triệu đồng (dù cô tình nguyện làm cả 2 ca). Ngoài chuyện lo tiếp tế những thứ cần thiết cho Hiệp ở trong trại, cô phải tự trang trải cho cuộc sống của mình và gửi một chút ít về quê phụ cùng ông bà nội nuôi cô con gái nhỏ. Hiệp rưng rưng kể rằng, có những thời gian Quý chỉ ăn mỳ tôm triền miên hết ngày này qua ngày khác, bởi trong nhà cũng chẳng còn đồng nào...

Tôi gặp Quý, cô hiện đang thuê một căn nhà nhỏ ngoài bãi sông Hồng. Quý cũng vừa ốm dậy, nghỉ làm mấy ngày nên người rộc đi và còn xanh xao lắm. Tuy vậy cô không giấu nổi niềm vui khi Hiệp cải tạo tốt, được giảm án và sắp trở về nhà. Quý ríu rít kể chuyện vào thăm chồng cứ như hai người còn đang trong “giai đoạn tìm hiểu”... Hỏi Quý sau khi Hiệp ra trại cô có dự định gì, Quý chỉ bẽn lẽn : “Hai vợ chồng em sẽ cố mua bằng được một chiếc xe đạp cho cô con gái. Hôm trước em về thăm cháu, thấy con gái cứ lũn cũn chạy theo một cô bé đạp chiếc xe trong làng mà không cầm được nước mắt”. Còn với Hiệp “gà”, sau quãng đời vấp ngã chàng nghệ sĩ hài này có nhiều dự định lắm. Hiệp cũng đã tâm sự với tôi vài chuyện, nhưng anh bảo biết để đấy thôi, chuyện “làm ăn” còn phải giữ “bí mật” nữa. Nhưng như Hiệp nói, chắc chắn sau ngày 27 tháng này, khi ra khỏi cánh cửa sắt của trại giam, hai vợ chồng Hiệp sẽ tắt máy điện thoại để dành một khoảng... lặng cho gia đình và cho... nhau. Hiệp nhờ tôi chuyển đến người hâm mộ rằng, trong một ngày không xa Hiệp “gà” sẽ trở lại sân khấu để mang lại cho cuộc đời đầy ắp những tiếng cười, chắc chắn mọi người sẽ được chứng kiến một Hiệp “gà” của ngày hôm nay bản lĩnh, tự tin và vững vàng hơn sau lần vấp ngã của quá khứ.

Theo HNM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm