Biển Nha Trang xuống hạng tệ nhất: Thiên nhiên không có lỗi!

30/11/2010 07:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nha Trang chỉ một bước chân là chạm biển. Sống ở Nha Trang, dù nơi nào cũng có thể nghe tiếng biển. Từ lâu, ai cũng tin rằng vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của biển xanh, cát trắng, nắng vàng... đã làm nên tính cách chan hòa, thân hữu của người Nha Trang. Thế nên tôi không dám tin ngày bãi biển hữu tình này có thể rơi xuống đáy (bottom rased) trong bảng xếp hạng của một tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về địa lý du lịch. Và cho dù, Tạp chí National Geographic cùng 340 nhà khoa học tham gia cuộc bầu chọn 99 bãi biển nổi tiếng thế giới đều ở bên kia trái đất, thì kết quả ấy cũng khiến không chỉ người dân thành phố biển mình - tỉnh táo. Vì sao nên nỗi? Với tư cách một công dân Nha Trang làm nghề báo, tôi vẫn lặng lẽ dạo quanh bãi biển, nhiệt tình ghi chép nhận xét của mọi người, rằng: "Thiên nhiên không có lỗi!"

Ngày ấy, bây giờ

Trong ký ức của tất thảy những người từng gắn bó với vùng vịnh, xóm Cồn là nơi phát tích đô thị cổ Nha Trang. Ngày 29/7/1891, một con tàu Viễn đông trên đường khám phá vùng biển Việt Nam đã tình cờ ngang qua đây. Biển xanh nguyên sơ và tươi đẹp đã hút hồn chàng thanh niên 28 tuổi người Pháp, gốc Thụy sĩ - A.Yersin. Một mình lên bờ, dừng chân ở xóm Cồn, trò chuyện với những cư dân hiền như đất..., bấy giờ, chắc hẳn bác sĩ Yersin không ngờ đó là bước khởi đầu quá trình hình thành một đô thị ven biển đẹp như thơ bên bờ Thái Bình Dương lộng gió.


Biển Nha Trang ô nhiễm nặng nề

Sử sách chép rằng vùng đất Khánh Hòa hình thành từ thế kỷ XVII, nhưng mãi đến đầu thế kỷ XX, đô thị Nha Trang mới chính thức ra đời. Ngày 7/5/1937, toàn quyền Đông Dương ký quyết định nâng thị trấn Nha Trang thành thị xã. Trải bao thăng trầm của thời gian và chiến tranh, mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 10/3/1977, Nha Trang mới được Hội đồng Chính phủ phê duyệt quyết định công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Sau hơn 2 thập niên xây dựng và phát triển, Nha Trang vươn dần từ đô thị loại 3 lên đô thị loại 2 (năm 1999) và đúng 10 năm sau, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định "thăng hạng" Nha Trang là đô thị loại 1.


Nha Trang vươn dài theo biển, mặt tiền hiện hữu của thành phố y hệt nửa vầng trăng viền quanh mép nước - điểm đầu là Bãi Tiên và điểm cuối là khu phố trẻ An Viên.

Còn nhớ ngày này 29 năm trước, du khách dạo chơi trên đường Trần Phú thường ngẩn ngơ ngắm nhìn những cây bàng cổ thụ thay lá mà bâng khuâng cất giữ kỷ niệm mùa Thu Nha Trang. Ngày ấy, dọc theo bờ biển chỉ có vài tòa nhà cao 3-4 tầng, mãi đến giữa năm 1990 mới xuất hiện tòa nhà cao tầng đầu tiên là khách sạn Nha Trang Lodge, rồi từ "điểm nhấn" ấy, không gian kiến trúc Nha Trang thay đổi... đồ sộ đến bất ngờ.

Công bằng mà nói, sau 20 năm đổi mới và tăng tốc phát triển, diện mạo đô thị Nha Trang khang trang, hiện đại hơn - nhiều công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư cải tạo, nâng cấp và nhiều khu phố mới hình thành, tô đẹp bức tranh phố biển.

Xóm Cồn ngày ấy, bây giờ đã và đang được cải tạo thành phố biển. Đứng trước làng chài, người Nha Trang có thể tự hào giới thiệu với du khách bốn phương rằng mảnh đất đầu tiên in dấu chân nhà khoa học lừng danh Yersin hiện là công viên biển mang tên ông.

Thiên nhiên không có lỗi

Với tổng diện tích khoảng 507km2 bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất rộng 3.250 ha và Hòn Nọc là đảo nhỏ nhất chỉ khoảng 4 ha, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới.

Giữ trong mình những giá trị và tiềm năng lớn về tự nhiên - nhiều dải cát ven bờ, mặt nước biển, các khu rặng san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hang yến, các hòn đảo với rừng cây xanh phủ... và nhân văn - những làng chài đông đúc dân cư sống ven bờ và trên đảo với đời sống vật chất, văn hóa phi vật thể còn nhiều giá trị tiềm ẩn; năm 2003 Nha Trang đã được kết nạp vào CLB Vịnh biển đẹp nhất thế giới và năm 2005 được công nhận là danh thắng quốc gia.


Cao ốc Nha Trang Plaza mọc lên ngạo nghễ

Thập niên gần đây, khi lãnh đạo chính quyền địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, cũng là lúc ở Nha Trang nở rộ phong trào “nhà nhà làm du lịch”. Tỉnh Khánh Hòa đã và đang thống nhất chỉ đạo, phải tận dụng lợi thế cảnh quan tuyệt đẹp ven bờ biển và những vị trí thuận tiện trên đảo để phát triển du lịch. Đáng tiếc, khái niệm phát triển du lịch đã được hiểu và vận dụng theo nghĩa hẹp là xây dựng buồng, phòng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, mua sắm… càng nhiều, càng cao đẹp, càng tốt.


Tăng tốc xây dựng đô thị gắn với đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ du lịch khi chưa hình thành đồ án quy hoạch chung xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, hệ lụy tất yếu là các cấp, các ngành và cả thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa luôn phải giải quyết tình huống: duyệt đồ án thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư trước khi thông qua quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khi chưa có quy hoạch phân khu chức năng...

Theo nhận định của các chuyên gia quản lý quy hoạch đô thị, do điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, năng lực chuyên môn còn hạn chế và sự can thiệp tùy tiện của nhiều tổ chức cơ quan tới quá trình lập đồ án quy hoạch, cũng như các yếu tố khác; đồ án quy hoạch chung hiện nay của Nha Trang nói riêng và của các đô thị trong cả nước nói chung đang là công cụ cho việc hợp thức hóa việc chuyển đổi đất sai mục đích hoặc chưa đủ các cơ sở nghiên cứu đánh giá một cách chính xác và khoa học.

Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Trương Kỉnh nhận xét: “Nội dung đồ án quy hoạch chung mà tôi được biết là phép cộng đơn giản các báo cáo đồ án quy hoạch ngành, trong đó chú trọng mục tiêu quy hoạch xây dựng hơn là coi trọng mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vịnh Nha Trang”. Và, Gám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, Lê Văn Dẽ bức xúc thừa nhận: “Đường bờ biển Nha Trang giờ đây sắp bị vây kín bởi những khối nhà bê tông chọc trời. Nếu UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt các dự án cao 30 tầng liền kề nhau thì những tuyến đường Đông - Tây không đủ sức thông gió cho các khu dân cư trong thành phố.”

Trước xu hướng ngày càng nhiều du khách sẵn lòng bỏ ra tiền triệu và vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số, thậm chí cả nửa vòng trái đất đến những bãi biển hoang sơ chỉ để ngắm phong cảnh thiên nhiên nguyên vẹn; ngành du lịch nước ta đã và đang khai thác lợi thế hơn 3.200 cây số chiều dài bờ biển để xúc tiến quảng bá “vẻ đẹp tiềm ẩn” biển, đảo Việt Nam.

Ngày nay, ai cũng hiểu du lịch không phải là ngành công nghiệp không khói. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang bối rối tìm cách giải quyết hậu quả do phát triển nóng du lịch. Ông Bùi Mau, Chủ tịch CLB vinh biển Nha Trang cho biết: “Trong thập niên gần đây, CLB các vịnh biển đẹp nhất thế giới đã khai trừ 3-4 thành viên, vì những lý do liên quan đến ảnh hưởng của hoạt động du lịch và đô thị hóa.”

Tôi hiểu, danh tiếng sẽ biến mất khi con người quá say sưa ca tụng giá trị của thiên nhiên mà quên đi nghĩa vụ bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, môi trường… Vâng, không ít bãi biển nổi tiếng trên thế giới đã bị con người khai thác triệt để và rồi chính con người lại nhanh chóng từ bỏ, lãng quên! Xin nói thêm, hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Muốn phát triển bền vững, cần có sự nỗ lực đóng góp của toàn xã hội, kể cả thái độ ứng xử của người dân, mà trong đó văn hóa và du lịch luôn luôn quan hệ gắn bó song hành.

Bảo Chân (từ Nha Trang)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm