Tẩu vi thượng sách

29/03/2011 11:30 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Nhìn lại những bức hình chụp cảnh trọng tài (TT) Nguyễn Quốc Hùng bị cầu thủ HN.ACB rượt đuổi phải bỏ chạy tưng bừng trên sân Nha Trang sau trận đấu, thấy có gì đó ngao ngán cho cái uy của vua sân cỏ.

Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi cũng thừa nhận đấy là hình ảnh yếm thế, khó chấp nhận. Hôm qua, điện thoại cho TT Nguyễn Quốc Hùng, ông bảo rằng lúc ấy “mấy anh công an và bảo vệ nắm tay kéo tôi và bảo tôi hãy chạy nhanh đi. Thế là tôi chạy”. Trả lời về tình huống thổi phạt đền, ông Hùng đoan chắc: “Tôi đứng quá gần, vị trí quan sát tốt nên tự tin quyết định mình đúng. Thế thì tôi thổi, đâu sợ gì áp lực”.

Cảnh tượng TT Nguyễn Quốc Hùng bị đám đông cầu thủ HN.ACB

rượt đuổi trông rất phản cảm. Ảnh: Hồng Lĩnh


Ông Hùng là TT trẻ, mới thổi V-League một năm nên có thể hiểu rằng cái độ lỳ chưa tới nên tâm khí trước sau chưa đồng nhất. Thế nên, dù dí HN.ACB quả phạt đền phút 88 rất dũng cảm, nhưng sau đó bản năng sinh tồn đã khiến ông phải bỏ chạy khi cầu thủ HN.ACB lao đến như những võ sỹ.

Nhưng nếu bạn là TT Hùng, bạn có chạy không?

Năm 2003, trên sân Quy Nhơn, TT Từ Minh Đăng cũng đã bỏ chạy khi bị cầu thủ Hàng không Việt Nam truy đuổi. Lý do, ông Đăng cũng đã “tặng” cho Bình Định quả phạt đền ở phút bù giờ giúp đội bóng đất võ thắng 2-1.

Hình ảnh TT Đăng bỏ chạy trên sân Quy Nhơn năm đó khiến BTC cũng giận sôi lên, kiểu như chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi bây giờ. Nguyên trưởng BTC giải Trần Duy Ly còn hùng hồn: “Trọng tài nếu bị rượt đánh cứ đứng lại, không chết đâu mà sợ. Còn cầu thủ và lãnh đội sẽ lãnh đủ”.

Mấy hôm sau, TT Từ Minh Đăng ra Đà Nẵng, hỏi ông sao chạy, nhận được trả lời kèm theo cử chỉ ngượng nghịu: “Không chạy bọn nó đánh chết à. Ai nuôi vợ con anh”?

Xa hơn nữa, nhớ lại trận đấu giữa Vĩnh Long và Đồng Tháp tại giải VĐQG mùa bóng 1999-2000, lần đó nếu ông Toàn không bỏ chạy thì chắc không thành tật cũng bị thương.

Trở lại câu chuyện TT Quốc Hùng, đấy là may trường hợp đội khách rượt. Nếu phạt đền chủ nhà, bị cầu thủ Nha Trang đuổi đánh thì e rằng TT khó mà tránh được bị hành hung. Cơ sở đầu tiên, lực lượng an ninh sân nhà khó mà có thiện chí và nhảy vào sân một cách tích cực bảo vệ ông TT đã thổi đội mình như thế. Đơn giản bởi họ cũng là người của đội nhà, có nghĩa cũng phẫn nộ quyết định của “vua”, dù có thể cú toét ấy là đúng luật. “Nước sông, công lính”, thù lao cho một trận bảo vệ sân chẳng bõ bèn gì. Đấy cũng là lý giải tại sao tình trạng an ninh sân bãi trên cả nước rất kém, mỗi lần xảy ra sự cố phản ứng ngang với tốc độ rùa bò. TT bỏ chạy do đó là cách bảo vệ mình tốt nhất, khi cánh TT thường than họ luôn ở thế “trên đe, dưới bua, xung quanh là mìn”.

Nếu để ý, có thể dễ dàng thấy một hiện tượng, hoặc là luật bất thành văn, các TT VN rất ngại phải đưa ra những quyết định bất lợi cho đội nhà. TT trẻ lại càng triệt để phát huy phương châm đó. Đấy là phương thức hữu hiệu nhất để bảo toàn cái nghề TT, vốn bị định kiến gay gắt ở bóng đá VN. Ngay cả TT có tay nghề cao như Võ Minh Trí cũng phải chấp nhận công nhận bàn thắng gỡ hòa 1-1 vô lý của chủ nhà Thanh Hóa năm 2007 để cứu mình và cứu giải. Kết quả Thanh Hóa vẫn bị xử thua 0-3, ông Trí “cào” thì vô can. Còn ông Dương Văn Hiền, thổi phạt đền đúng luật làm Thanh Hóa thua SLNA, khiến đang đêm hôm phải trả gấp khách sạn vì bị dọa giết, rồi nhờ công an áp tải ra tận Bỉm Sơn, cách sân Thanh 30 km. Khổ chưa?

Thế mới có câu: TT giỏi mà không rành “luật 18” khó tồn tại và có thành tựu. “Tẩu vi thượng sách” do đó không nên hiểu đơn giản là cầu thủ rượt thì phải lo mà bỏ chạy.

Bỏ chạy chỉ là một trong nhiều hình ảnh phổ biến nói lên sự yếm thế và yếu thế của đội ngũ cầm cân nảy mực ở bóng đá VN. Thế nên việc TT Quốc Hùng bỏ của chạy lấy người có gì lạ đâu.

NGỌC HÒA


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm