30/06/2013 19:09 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Bất cứ khi nào Shakhtar Donetsk ghi bàn, CLB lại cho chơi một bài hát từ quốc gia của cầu thủ ghi bàn. Vì lẽ đó, các CĐV của đội bóng Ukraina đã trở nên rất quen thuộc với âm nhạc Armenia trên sân nhà Donbass Arena.
Mkhitaryan là mục tiêu theo đuổi của Liverpool, Dortmund và Tottenham
Mùa tới, đến lượt CĐV Liverpool, khi Henrikh Mkhitaryan nhiều khả năng gia nhập đội bóng chủ sân Anfield?
Những bản nhạc Armenia ở Donbass
Mùa trước, sân bóng này đã trở thành nơi độc diễn cho bản nhạc Sabre Dance của nhà soạn nhạc vĩ đại người Armenia thời Xô Viết, Aram Khachaturian. Chân sút hàng đầu của Shakhtar là Henrikh Mkhitaryan với 25 bàn ở giải vô địch Ukraina. Anh còn lập nên một kỳ tích âm nhạc khác. Gaitana, ngôi sao nhạc pop hàng đầu Ukraina, đã hứa sẽ hát bài truyền thống của Shakhtar bằng tiền Armenia nếu Mkhitaryan đạt tới con số đó.
Có lẽ Liverpool nên bắt đầu tính chuyện để một ca sĩ thể hiện bản “You Never Walk Alone” trứ danh của họ bằng tiếng Armenia tại Anfield là vừa. Hiện giờ, cuộc đua tranh giành chữ ký của Mkhitaryan có 3 cái tên chính, Liverpool, Borussia Dortmund và Tottenham, với đội bóng áo đỏ được cho là đang dẫn trước.
Dù là đội nào có anh, họ sẽ phải hết sức chú ý tới nguồn gốc của cầu thủ này, một trong hiếm hoi những người Armenia tỏa sáng ở sân chơi đẳng cấp thế giới. Mkhitaryan luôn tự hào về nguồn gốc của anh, nhất là khi được đưa vào những danh sách như 100 cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh, danh sách đầu tay của tờ báo Anh rất uy tín Guardian.
“Tôi rất hạnh phúc vì điều đó”, Mkhitaryan nói. “Không chỉ vì tôi còn trẻ (anh 24 tuổi-TT&VH) mà còn vì tôi là người Armenia. Không dễ để một người Armenia vào được những danh sách như thế”. Tuy nhiên, Mkhitaryan có lợi thế hơn hầu hết những người Armenia khác trong bóng đá. Bố anh, Hamlet, là một tiền đạo trứ danh. Không phải là hoàng tử Đan Mạch, như cái tên đậm màu Shakespeare của ông, nhưng Hamlet cũng dẫn đầu một đạo quân lừng danh vào những năm 1980, Ararat Yerevan, đội bóng thành công nhất lịch sử Armenia thời Liên Xô, từng vào tứ kết Cúp C1 năm 1975.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã và Armenia mắc kẹt trong cuộc chiến tranh với Azerbaijan do tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh, Hamlet sang chơi bóng ở Pháp. Gia đình trẻ của ông đi theo và chứng kiến ông chơi bóng ở ASOA Valence, trong một cộng đồng người Armenia chạy nạn vì cuộc chiến. Hamlet sau này cũng có hai lần khoác áo đội tuyển quốc gia Armenia mới ra đời.
"Vì bố tôi không còn nữa"
“Tôi có nhiều ký ức đẹp về thời đó vì bố tôi giờ không còn nữa”, Henrikh nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với báo Ý La Gazzetta dello Sport trước trận vòng bảng Champions League mùa vừa rồi của Shakhtar tặp Juventus. “Ông ấy dẫn tôi tới sân tập. Tôi nhớ tôi sẽ đứng ở cửa, đợi bố đi qua và ra hiệu rằng chúng tôi sẽ lên đường”.
Tại Pháp, Hamlet bị chẩn đoán có khối u trong não. Năm 1996, gia đình Mkhitaryan trở về Armenia. Một năm sau, Hamlet qua đời, năm đó ông mới 33 tuổi, còn cậu con trai 7 tuổi. “Tôi đã xem lại các băng video sau này. Ông ấy ghi rất nhiều bàn ở giải vô địch Liên Xô và ở Pháp”, Henrikh nhớ lại. “Bạn bè ông ấy nói với tôi ông ấy là một cầu thủ lớn, chơi đẹp mắt và là một người rất dễ mến”.
Henrikh cũng muốn thành cầu thủ, điều hết sức tự nhiên. Anh nhận mọi cảm hứng từ người cha. Nhưng con đường anh lựa chọn không hề bình thường. Sau những năm sống ở Pháp và Armenia, Mkhitaryan tới… Brazil, gia nhập một trại tập huấn tại Sao Paulo. “Đó là nơi hoàn toàn khác biệt so với châu Âu, họ chỉ tập trung vào kỹ thuật, tôi cải thiện rất nhiều khả năng đi bóng và học được tiếng BĐN, một ngôn ngữ tuyệt vời”. Điều đó rất có ích sau này khi anh chơi cho Shakhtar, một đội bóng có khá nhiều cầu thủ Brazil.
Những bước đường lưu lạc đã khiến Henrikh hết sức coi trọng các giá trị gia đình. Mãi đến gần đây, đại diện chính thức của anh vẫn là người mẹ, cũng là một quan chức của LĐBĐ Armenia. “Bất cứ khi nào tôi hỏi cậu ta chuyện gì”, HLV Shakhtar Mircea Lucescu kể, “là cậu ấy đáp: để tôi hỏi mẹ đã”. Nhưng giờ đây danh tiếng của Henrikh đã vượt khỏi tầm bà mẹ, anh cần một người đại diện chuyên nghiệp hơn, và đã chọn Mino Raiola, cũng là người đại diện của Zlatan Ibrahimovic, Mario Balotelli, Robinho và Paul Pogba.
Nhưng về tương lai của mình thì Mkhitaryan vẫn hoàn toàn để ngỏ, dù anh cũng úp mở một số gợi ý trong cuộc phỏng vấn với La Gazzetta dello Sport. Khi được hỏi anh thích phong cách bóng đá nào nhất, Mkhitaryan đáp: “Premier League. Họ chơi bóng đá tốc độ cao rất hấp dẫn”.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
92 Mkhitaryan ghi tổng cộng 92 bàn trong 176 trận chơi ở các giải vô địch quốc gia Armenia (cho Pyunik Yerevan) và Ukraina (cho Metalurg Donetsk và Shakhtar Donetsk). 25 Mkhitaryan ghi 25 bàn trong 28 trận ở giải vô địch quốc gia Ukraina mùa trước cho Shakhtar Donetsk. 5 Mkhitaryan nói thành thạo 5 thứ tiếng, Armenia, Nga, Anh, Pháp và BĐN. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất