(TT&VH) - Càng lao lực vất vả cuộc sống càng bần hàn; càng nheo nhóc trong cảnh gia đình thì những giằng xé nội tâm càng hành hạ con người tài hoa nhưng mâu thuẫn ấy. Ông đã dùng hai vai mình để vác đá. Mỗi ngày trên 5 tạ đá. Vị chi trong suốt 30 năm ông đã mang trên mình gần 5000 tấn đá. Một con số làm bất kì ai cũng phải giật mình. Nếu có một kỉ lục Người vác đá nhiều nhất Việt Nam có lẽ chẳng ai xứng đáng hơn ông
1. Con người từ nhỏ đã gánh nặng hai bồ chữ trên vai chẳng biết gì ngoài viết lách và làm thơ ấy, do mưu sinh đã tự biến mình thành người lao động chẳng khác gì khổ sai - đi thồ đá, vác đá ở núi Vân Hoàn - để nuôi 12 miệng ăn. Có lẽ câu tục ngữ bán mặt cho đất bán lưng cho trời còn chưa đủ để lột tả hết những tận cùng quẫn bách và u uẩn mà ông đã trải qua. Ông đã dùng hai vai mình để vác đá, mỗi ngày trên 5 tạ đá. Theo cách tính bình quân, trong suốt 30 năm ông đã mang trên mình gần 5000 tấn đá. Nhưng cái sức nặng nghìn cân ấy không làm ông đau bằng những ám ảnh nội tâm mà dư luận một thời bủa vây ông và gia đình. Ông kể đến đây thì bà bật khóc.
Ngồi nhà đơn sơ của nhà thơ Hữu Loan
Thôi thì cày thuê cuốc mướn, chở đá đốt vôi, đóng gạch, sửa xe, thợ rèn… ông đều phải xoay xở để nuôi đủ 12 miệng ăn. Có lần ông hàn được cái xe đạp tự chế từ sắt phế liệu để thồ đá nhưng lại không được phép sử dụng vì... không có đăng kí. Ông muốn mua một cái xe cút kít để kéo đá cũng không được. Con cái ông bà ai cũng học giỏi nhất, nhì lớp nhưng không thấy được giấy khen, mà lại phải học bổ túc. Bà nghẹn ngào kể cho tôi những kỉ niệm chua chát mà có lẽ cầm lòng tôi không thể nhắc đến ở đây bởi nó quá sức chịu đựng của con người.
Nhà thơ Hữu Loan ký hợp đồng bán bản quyền bài thơ "Màu tím hoa sim"
Bây giờ thì tất cả những nỗi cơ hàn ấy cũng đã là quá khứ. Cuộc sống của ông bà vẫn còn nhiều khó khăn, vợ chồng già chăm sóc nhau. Sau bao nhiêu năm sống trong căn lều lụp xụp dột nát, bạn yêu thơ cả nước đã gom tiền xây tặng ông bà một căn nhà ngói 3 gian chưa phải khang trang nhưng cũng có thẻ nói là tươm tất. Và câu chuyện bài thơ "Màu tím hoa sim" của ông được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng có thể nói là sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Hành động ấy cũng chính là sự đền đáp cho những hy sinh không đáng có mà ông đã phải chịu đựng. Khi nhắc lại câu chuyện này ông không nói gì chỉ tủm tỉm cười. Còn bà phân trần khoản tiền ấy ông bà đã chia cho con cái gần hết, chỉ để lại chút ít để dưỡng già, ngộ có cơ sự gì xảy ra. Nhà đông con nhiều cháu nên khoản tiền tưởng như to lớn ấy mà cả đời ông bà có nằm mơ cũng không thấy chẳng mấy chốc như muối bỏ biển. Chuyện bài thơ Màu tím hoa sim được công nhận một cách không chính thức là bài thơ tình hay nhất thế kỉ giờ đây đối với ông cũng chỉ là phù du.
Nhà thơ Hữu Loan trong bữa tiệc tại sân nhà trong dịp bản quyền “Màu tím hoa sim” được trả 100 triệu đồng. |
2. Chuyện cuối cùng mà nhà thơ còn canh cách bên lòng chẳng còn là miếng cơm manh áo hay chuyện sinh lão bệnh tử ở đời. Trước khi từ biệt ông bà ra về bà mới rơm rớm kể tôi nghe trăn trở cuối cùng của nhà thơ chiến sĩ kiên trung ấy. Bà bảo hôm ngày thơ Việt Nam hơn một năm trước bà nghe đài và biết những nhà thơ cùng thế hệ với ông một thời cũng được xem là "có vấn đề" như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần … đều đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Thế mà nghe mãi chẳng thấy tên ông. Bà kể ông nghe. Lâu lắm rồi ông mới bị xúc động đến thế vì chuyện thị phi ở đời. Bà bảo ông đã nhịn ăn suốt một ngày, chỉ ngồi uống rượu mà chảy nước mắt. Ông bảo không biết người ta đã quên ông thật sự hay sao?
Trước khi tạm biệt lão nhà thơ không hiểu sao những câu thơ trong bài thơ ít người biết đến của ông Những làng đi qua cứ văng vẳng bên tai.
Nước Việt Nam Rộng Bao nhiêu làng xanh Đường đuốc đẹp mít tinh Những làng Mới đổi tên từ tháng Tám Những làng Việt Nam Đang thay tập quán Điệu hát giết Tây Dặt dìu (…) Một làng xa nho nhỏ Đẹp như nơi hẹn hò Có đôi lòng gắn bó Nhưng lời chưa nói ra. |
Một con người yêu quê hương tha thiết đến thế chắc chắn sẽ không ai có thể lãng quên.
Trương Xuân Thiên