HA.GL: Nghĩ từ một chính sách

12/08/2010 12:40 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - HA.GL đang tụt dần xuống… “khu đèn đỏ” của bảng xếp hạng V-League 2010. Với một CLB từng có cái danh xưng mỹ miều “Dream Team”, vì đâu nên nỗi vậy?! Không có những vụ “áp-phe” động trời và chắc rằng, trong tương lai gần sẽ vẫn thế. Nó không đơn thuần là chuyện tiền nong với một ông bầu thuộc tốp những người giàu nhất VN (trên sàn chứng khoán) như Chủ tịch CLB Đoàn Nguyên Đức.

An toàn là trên hết

Ở các công trình xây dựng của HA.GL Group, người ta vẫn treo tấm bandrole lớn: “Safety First” hay “First Safe” (tức An toàn là trên hết, An toàn để lao động sản xuất). Và cảm giác như tiêu chí này đã thấm nhuần vào tư tưởng làm bóng đá của bầu Đức. Không có những gói kích cầu động trời (như vụ Kiatisuk hay hàng loạt các tên tuổi khác từng đến Pleiku trong quá khứ), những cú sốc tiền thưởng kiểu 50.000 USD/trận thắng (cuộc đối đầu với ĐT.LA, cách đây vài năm) nữa. Pleiku chọn hệ số an toàn làm mô tuýp chủ đạo.
HA.GL (phải) từng là lá cờ đầu của bóng đá VN thời kỳ mới chuyên nghiệp hóa,
nhưng giờ họ có thể thua cả những đội bóng như Navibank ngay trên sân nhà. Ảnh : Quang Nhựt
“Chúng tôi sẽ không đầu tư vào cầu thủ gốc Nghệ An (vốn đắt đỏ), cũng không đua tiền với các đội bóng khác trong việc mua sắm các ngôi sao. Hệ số an toàn thấp lắm và còn có thể mang điều tiếng không hay. Đội bóng cần duy trì sự ổn định, để hướng tới các mục tiêu tốt đẹp”, trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh từng rất nhiều lần khẳng định với TT&VH như thế. Nó cũng na ná như phát biểu của bầu Đức ở thời điểm mà “Gỗ” đang trong cơn khủng hoảng khu kỹ thuật, rằng HA.GL không cần HLV giỏi, mà chỉ cần người nói được các cầu thủ.

Thực ra, người HA.GL không phải không có lý. Họ chưa bao giờ phủ nhận chuyện làm thương hiệu, thông qua kênh bóng đá, nhưng bất cứ phi vụ nào cũng phải tính đến phản ứng phụ của nó. Cụ thế, HA.GL hoàn toàn có thể vung tiền tỷ cho các bản hợp đồng, nhưng họ ngại tâm lý ganh ghét trong nội bộ (giữa người mới và người cũ, giữa ngôi sao với cầu thủ bình thường), sẽ phá nát đội bóng. “Gỗ” hướng tới những cầu thủ lành tính, và có chuyên môn tốt. Chủ nghĩa địa phương (vùng miền) cũng được xem như một tiêu chí quan trọng.

Con chim nay sợ cành cong

Hòa XM.HP và V.NB trên sân khách, nhưng lại thua Navibank.SG, cũng như ĐT.LA ngay tại Pleiku…, đó là bộ mặt của HA.GL ở những lượt trận gần đây. Vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải, thì “Gỗ” lại hụt hơi và cho thấy sự thiếu ổn định. Họ bị đẩy xuống tốp cuối bảng xếp hạng và hiện chỉ hơn suất dự “play-off” của LS Thanh Hóa vỏn vẹn 2 điểm. Tức là chỉ cần thêm một trận thất bại nữa, trong khi đối thủ xếp phía dưới giành chiến thắng, khả năng xuống chơi hạng Nhất mùa giải tới là 50/50 với HA.GL. Một cái kết nằm ngoài tưởng tượng của nhiều người.

Thành tích của HA.GL ở giai đoạn lượt về năm nay xét về cơ bản khá hơn lượt đi rất nhiều (cụ thể, họ tìm được 19/33 điểm sau vòng 24, so với 14/33 điểm ở lượt đi), nhưng lãnh đạo HA.GL vẫn cứ lo. Họ đang nghe ngóng, lục lọi mọi nguồn tin, để chắc rằng V-League có thể chỉ có 1,5 suất phải xuống chơi hạng Nhất (khi các đội bóng ở giải đấu thấp không kịp hoặc không muốn cổ phần hóa để đạt chuẩn). Theo diễn tiến đó, nghiễm nhiên HA.GL trụ hạng an toàn, bởi suất dự “play-off” chắc chắn thuộc về Navibank.SG.

Biểu hiện của lãnh đội HA.GL nói thay cho sự thất bại toàn tập tại mùa giải năm nay (dù HA.GL có chiến thắng trong trận chung kết Cúp QG tới đây, cũng không thể là cứu cánh nếu họ xuống hạng V-League). Chưa bao giờ trong lịch sử, “Gỗ” phải ở trong cảnh ăn đong điểm số như hiện tại. Và đó là một sự xấu hổ với một đội bóng từng được xem là biểu tượng, là mô hình chuẩn để thiên hạ học theo. Thất bại khó nuốt, nhưng phải chấp nhận nó. Thay đổi chính sách (quan điểm làm bóng đá) hay tiếp tục phải “ngậm sâm” ở mùa giải tới, thời gian sẽ cho câu trả lời.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm