Hà Nội xây dựng quy hoạch tượng đài: Đừng làm với tư duy 'ban phát'

04/12/2014 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ý tưởng xây dựng hàng chục tượng đài trong thời gian tới với nhịp độ 2 tượng/năm của Hà Nội nhận được sự hưởng ứng khá  dè dặt từ giới chuyên môn.

Đây là phần nội dung chính trong cuộc họp  diễn ra sáng qua 3/12 với mục tiêu góp ý cho dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài tại Hà Nội đến 2020, định hướng tới 2030 (Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia thực hiện theo yêu cầu của Hà Nội).

Thiếu tượng đài hay thiếu tầm nhìn?

Rõ ràng con số 34 tượng đài hiện có tại Hà Nội là khá ít, nếu xét tới bề dày lịch sử, văn hóa của một thành phố rộng hơn 3000 km2 và có ngàn năm tuổi. Thế nhưng, theo các chuyên gia, khá nhiều trong số đó vẫn rơi vào một trong hai trường hợp: hoặc được xây dựng với chất lượng mỹ thuật không cao, hoặc chưa phát huy được đúng vai trò của mình.


Tượng đài Cảm tử quân Hà Nội phá vỡ cảnh quan gần đền Bà Kiệu

Bản thân hai tượng đài Cảm tử quân Hà Nội đã là ví dụ rõ nhất cho câu chuyện này. Tượng đài thứ nhất được xây dựng bằng xi măng từ khá lâu, nằm cạnh đền Bà Kiệu và được thực hiện theo mô hình cụm tượng nhưng lại rất thiếu liên kết giữa các mẫu nhân vật. Hình thức và quy mô của tượng đài này bị cho là không phù hợp với cảnh quan và phá vỡ nét nguyên sơ, cổ kính của không gian văn hóa cạnh đó. Ngược lại, tượng đài thứ hai xây dựng bằng đá đục, đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và được đánh giá khá cao về thiết kế. Tuy nhiên, nơi đặt tượng đài lại có diện tích quá bé (0,4 ha), mặc trước bị án ngữ bởi tháp nước Hàng Đậu, mặt sau bị lấn chiếm bởi nhà vệ sinh lưu động, nên không thể phát huy hiệu ứng thị giác như mong muốn.

"Tượng Quang Trung tại Đống Đa thật ra là một bức tượng đẹp, nhưng lại bị đặt khuất sau gò nên rất khó để người xem tiếp cận. Còn tượng đài Công Nhân lại bị đặt tụt vào khuôn viên Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, bị chắn đủ 4 hướng về tầm nhìn" – ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, nhận xét. "So với cách người Pháp đặt các tượng Yersin, tượng Pasteur, rõ ràng chúng ta gặp lỗi lớn về chọn vị trí".

Không thể ồ ạt xây mới

Theo phân tích tại dự thảo, hệ thống tượng đài của Hà Nội chủ yếu chỉ tập trung vào 4 quận nội thành (79%), thường có nội dung về danh nhân chính trị (64%) và sự kiện lịch sử (25%) mà thiếu đi rất nhiều trong mảng văn hóa nghệ thuật. Bởi vậy, bên cạnh việc chỉnh trang các tượng đài cũ, bản dự thảo đề xuất xây mới thêm 35 tượng đài để "bù" lại những gì còn đang thiếu.

Theo đó, lần lượt từ 2014- 2030, Hà Nội cần xây mới thêm 35 tượng đài đạt chất lượng cao. Vị trí của các tượng đài (hoặc phù điêu) này sẽ được phân bố khá đều tại mọi quận, huyện của Hà Nội mở rộng, đồng thời có đủ ở 5 cửa ô dẫn vào thành phố. Trước mắt, một số tượng đài đề nghị được ưu tiên xây dựng như tượng đài An Dương Vương (Đông Anh), tượng đài Chu Văn An (Thanh Trì), một tượng đài danh nhân văn hóa tại Bảo tàng Hà Nội, 5 tượng đài danh nhân văn hóa tại các đô thị vệ tinh.Số vốn đầu tư cho các tượng đài này cần được tính toán để có thể kêu gọi từ nhiều nguồn.

Tuy nhiên, ý tưởng xây tượng đài với mật độ 2 công trình/năm như vậy đã gặp phản ứng từ khá nhiều chuyên gia. Theo đó, với sự thiếu vắng kinh nghiệm hiện có, Hà Nội nên nghiên cứu và tiếp cận câu chuyện này một cách khoa học và cầu thị, để tránh lặp lại những sai lầm cũ. "Tôi thấy đây là sự vội vàng. Hãy xác định đặc thù về lịch sử, cấu trúc đô thị, cảnh quan xây dựng... tại những địa điểm đặt tượng đài đã. Khi tính toán kỹ và đưa ra được biện pháp để đo hiệu quả xã hội của từng tương đài rồi, chúng ta từng bước xây cũng chưa muộn" – KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm