Góc phố danh vọng của 9X

23/08/2012 15:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Diễn ra trong 4 đêm (13-16/8) ở một “góc phố” Tràng Tiền, Hà Nội (Trung tâm văn hóa Pháp), tác phẩm đầu tay của một đạo diễn thế hệ 9X cho người xem thấy một suy nghĩ độc lập, tươi mới của những người trẻ về “danh vọng” của nghệ thuật, thứ đang chờ họ ở phía trước.

1. Một câu chuyện cổ tích hiện đại đầy dấu ấn Walt Disney, Góc phố danh vọng, có cô diễn viên dễ thương xinh đẹp Roxanne, khát khao tên tuổi và một cuộc sống giàu sang dễ dãi, có anh thợ xây hiền lành Flint, vốn là một hoàng tử chịu thử thách của cuộc sống trần gian, đem lòng yêu Roxanne và được sống chung để phục vụ nàng. Có chú tuần lộc lưu manh Rudolf, với ước mơ đổi đời, biến thành người và kiếm được thật nhiều tiền để được yêu và lấy Roxanne làm vợ. Cốt truyện đơn giản này được thể hiện trong một vở diễn khá dài, gần 3 tiếng đồng hồ, đầy ắp chất hài hước trí tuệ, tình tiết vui nhộn, ngôn ngữ hiện đại, phong cách trẻ trung, và cũng có những triết lý nhẹ nhàng, gần gũi với những băn khoăn của giới trẻ trước những vấn đề của cuộc sống hiện nay.


Mặc dù chiến dịch quảng cáo cho vở diễn có sử dụng các logo, hình ảnh của những vở musicals lừng lẫy của sân khấu Broadway nhưng tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh không nhận vở diễn này là musical - nhạc kịch, mà chỉ là “âm nhạc và kể chuyện”. Có lẽ vở diễn chiếm được thiện cảm của khán giả ngay khi xem quyển chương trình và những lời giới thiệu và chia sẻ khiêm tốn ấy. Và mục tiêu ngay từ đầu của những người thực hiện là làm một chương trình giải trí có chất lượng dành cho những khán giả trẻ có lẽ đã hết sức thành công, bởi khán phòng đầy ắp tiếng cười và những tràng pháo tay cổ vũ, vở diễn đã hoàn toàn chinh phục được các khán giả của mình.

2. Là tác phẩm đầu tay gửi gắm nhiều tâm huyết, Phi Anh dường như hơi “tham”. Vở diễn quá dài trong khi câu chuyện không mấy kịch tính, và sau chừng một tiếng đầu tiên, cái hài hước cùng một kiểu nhấn nhá ngôn ngữ thoại của tất cả các nhân vật bắt đầu trở nên đơn điệu. Âm nhạc và các ca khúc được sử dụng tương đối tốt, phần đặt lời Việt hợp lý và khá hay, chỉ tiếc vẫn còn một hai ca khúc hát tiếng Anh, mặc dù các bạn hát tiếng Anh rất tốt. Được giới thiệu là do những người không chuyên làm, vở diễn đúng là có chất nghiệp dư. Sân khấu và trang phục sơ sài đơn giản là có thể chấp nhận được, nhưng âm nhạc thỉnh thoảng chênh phô, cả hát cả nhạc cụ, vũ đạo chưa tới tầm và còn kém hơn so với âm nhạc. Hơn nữa âm thanh quá ồn trong một khán phòng nhỏ không đòi hỏi phải tăng âm quá đáng, và ánh sáng thì có tính vũ trường nhiều hơn sân khấu. 


Nhưng những khán giả cho dù khó tính đến đâu cũng phải thấy được những giọt mồ hôi vất vả trên sàn tập của các bạn. Đặc biệt là cái tươi mới, cái thiêng liêng của lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu, và trên hết là sự duyên dáng hấp dẫn của không chỉ các nhân vật chính mà của tất cả tập thể diễn viên, không những bù đắp được hết những hạn chế mà còn làm cho cả tác phẩm có sức hấp dẫn và phải nói là chinh phục được kể cả những khán giả không còn trẻ mấy. Đó là chưa kể đến giá vé rất “mềm”, chỉ từ 150 đến 250 nghìn, kể cả với tài trợ, có thể thấy chi phí đầu tư không hề dư dả, và để làm được một vở diễn đầy đặn như vậy cũng là một thành công lớn cho “nhiệm vụ bất khả thi” của những người thực hiện.

3. Khán giả thường không mấy để ý đến công tác hậu cần của những buổi trình diễn. Nhưng nếu quan tâm tới cách thức đầu tư chuẩn bị thực hiện vở diễn này, bắt đầu từ khâu viết đề xuất ý tưởng để huy động tài trợ, xin tài trợ từ tinh thần đến vật chất, rồi công tác lôi cuốn, tập hợp và điều hành một ê-kíp diễn viên và tình nguyện viên, từ khi khởi động dự án, thử vai, chọn diễn viên và dàn dựng, cho đến khi công diễn, người ta sẽ quá ấn tượng trước núi công việc và sức ép mà những người thực hiện đã vượt qua. Đây có lẽ là một thành công không nhỏ chút nào đối với Nguyễn Phi Phi Anh và những người bạn 9X của mình, đặc biệt với một đạo diễn còn ngồi trên ghế giảng đường, mới tinh, làm một thứ nghệ thuật có thể gọi là “mới tinh”, mong muốn dựng một vở diễn cũng mới tinh, để chia sẻ đam mê với những khán giả cùng lứa với mình. 


Bên cạnh đó, phải thừa nhận thành công về mặt nghệ thuật của vở diễn. Làm musical không dễ, viết nhạc cho một vở musical để cho thật hấp dẫn cực kỳ khó, ở đây tác giả đã thông minh lựa chọn luôn những ca khúc thịnh hành, hoặc những đoạn nhạc “đắt” trong các musicals nổi tiếng, và do đó nghiễm nhiên đảm bảo sự lôi cuốn của âm nhạc trong vở diễn, một yếu tố quyết định thành công của bất cứ musical nào. Nhưng quan trọng hơn cả, mặc dù chưa nhận là đã ở tầm musical, nhưng cái có thể gọi là cơ bản nhất của nghệ thuật musical, là sự truyền năng lượng và nhiệt huyết của vở diễn qua âm nhạc và vũ đạo đến được với khán giả, Góc phố danh vọng đã làm được và làm rất tốt. Thành công của các bạn càng đáng được chú ý hơn trong bối cảnh hiện nay chúng ta không có một tác phẩm hay vở diễn nào đủ hấp dẫn giới trẻ một cách lành mạnh.

4. Vở diễn “mới tinh” này mang đến hy vọng. Tuy nhiên e rằng ảnh hưởng của nó đến đời sống sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô có lẽ cũng có giới hạn. Bởi sân khấu của chúng ta hiện đã quá “cũ mòn”, những vở “kinh điển” đã lâu lắm không còn xuất hiện, những vở mới thì chất lượng còn phải xem lại. Và nếu so sánh, thì sự khác nhau về văn hóa nền, đào tạo, tư tưởng, khả năng tiếp cận và thẩm thấu tinh hoa thế giới, và tinh thần tiên phong dám nghĩ dám làm của những người làm sân khấu hiện nay và những người trẻ như Nguyễn Phi Phi Anh là rất lớn. Tất nhiên sự so sánh này là quá khập khiễng, và những người trẻ bao giờ cũng hướng ngoại, “Tây” hóa và chưa chú trọng đào sâu tiếp cận được nền văn hóa nghệ thuật dân gian muôn đời của ông cha, một trong những điều kiện cần thiết để tác phẩm có thể có chiều sâu và sức sống lâu dài. 


Nhưng tác phẩm ra mắt của một sinh viên sân khấu năm thứ nhất này làm chúng tôi hết sức khâm phục tác giả. Và còn hâm mộ hơn khi anh không “nổ” như nhiều đạo diễn khác. Có thể anh còn quá trẻ và “chưa” kịp nổ, nhưng sự khiêm tốn trong lời giới thiệu, cái nghi ngờ về năng lực bản thân trong những chia sẻ của anh cho thấy một tinh thần biết mình, biết nhận thức những hạn chế và nỗ lực cố gắng đi đến cùng rất đáng trân trọng. Anh có chia sẻ về những kịch bản đã viết nhưng theo anh chưa đủ mức hoàn thiện để đưa ra dàn dựng, mong rằng anh cứ tiếp tục cầu kỳ (như vậy nhưng không nên thái quá). Và hy vọng kinh nghiệm làm Góc phố danh vọng và những thành công của nó sẽ giúp anh thêm thuận lợi trong những dự án mới. Bởi chúng tôi sẽ mong được xem, được chứng kiến những vở diễn mới của anh trong những mùa Hè tới

Nguyễn Phi Phi Anh đang học chuyên ngành đạo diễn sân khấu điện ảnh Đại học Hampshire (Mỹ). Vở diễn Góc phố danh vọng được Phi Anh cùng những người bạn bắt tay thực hiện tại Việt Nam từ tháng 6/2012, với hơn 30 diễn viên, nhạc công, vũ công, ca sĩ.


Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm