TIẾT LỘ: Guardiola dùng chiến thuật những năm 1950 để đá với M.U!

10/04/2014 17:00 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn) - Bayern Munich không cần dùng đến một chiến thuật gây bất ngờ để đánh bại một đội Man United thường thường bậc trung. Guardiola thường xuyên làm mới đội bóng, gắn kết các cầu thủ và thử nghiệm những chiến thuật mới để buộc đối thủ phải đau đầu.

Trước Man United, ông cho Bayern Munich xuất phát với đội hình lạ lùng nhất mà người ta từng thấy trong bóng đá Châu Âu mùa này. Thậm chí, chiến thuật này khiến chính các cầu thủ Munich gặp vấn đề nhiều hơn là đối thủ của họ.

Trên lý thuyết Guardiola đã đẩy Lahm trở lại vị trí hậu vệ phải quen thuộc thay vì để anh đá tiền vệ trung tâm, vị trí anh thường chơi trong mùa giải này. Tuy nhiên, ngay từ đầu Lahm đã chơi tiền vệ trung tâm. Thế ai chơi hậu vệ phải? Không ai cả. Nhiệm vụ của Lahm là bao quát luôn vị trí ấy, đảm nhiệm cùng lúc... hai vai trò. Pep đánh giá Lahm là cầu thủ thông minh nhất mà ông từng huấn luyện, nhưng tuyển thủ Đức cũng cảm thấy lúng túng với nhiệm vụ đặc biệt này.

Tương tự, David Alaba cũng đảm nhiệm vai trò kép ở cánh đối diện dù anh phải đối mặt với Valencia, một chuyên gia chạy cánh. Trong những trường hợp hiếm hoi mà United cầm bóng, cả Alaba và Lahm lại dạt ra cánh phòng ngự như những hậu vệ cánh truyền thống. Nhưng khi Bayern cầm bóng, họ biến thành những tiền vệ bổ sung cho đội bóng Đức, đảm bảo cho Munich làm chủ trung tuyến với chiến thuật hình hai chữ W giống đội hình của những năm 1950: 2-3-2-3. 

Chiến thuật này không hiệu quả. Do Bayern có quá nhiều tiền vệ trung tâm chiếm hết khoảng trống giữa sân nên Robben và Ribery buộc phải bám biên. Điều này khiến các cầu thủ đá cánh của Munich không phát huy được nhiều phẩm chất của họ vì họ nguy hiểm nhất là khi đi bóng từ biên cắt vào trong và dứt điểm. Nhưng vì Bayern không có các hậu vệ biên chồng cánh nên việc này rất khó thực hiện.



Cho tới khi tỷ số trận đấu là 1-1, Pep cho Munich đá theo sơ đồ hình 2 chữ W: 2-3-2-3

Chiến thuật lạ lùng này cũng làm cho United dễ đá hơn. Đội bóng Anh chơi phản công và họ có rất nhiều khoảng trống để xâm nhập do các trung vệ của Munich không nhận được sự hỗ trợ từ các hậu vệ biên. Danny Welbeck có nhiều pha xâm nhập nguy hiểm và Wayne Rooney cũng tìm được khoảng trống sau những pha tấn công trực diện.

Sau khi hai đội lần lượt ghi bàn để cân bằng tỷ số trận lượt về là 1-1 và chung cuộc là 2-2, Bayern mới tìm lại sức mạnh sau khi Guardiola chuyển qua dùng chiến thuật truyền thống, với Rafinha đá hậu vệ phải, thay thế Mario Goetze và Lahm trở lại trung tâm hàng tiền vệ. Lúc đó Bayern đá 4-2-3-1.

Sơ đồ này không thực sự đúng với kế hoạch ban đầu của Guardiola nhưng chính là chiến thuật đã giúp Bayern của Jupp Heynckes giành cú ăn ba mùa trước. Thomas Mueller đá nhô cao hơn và đã ghi bàn thắng thứ 2 cho Munich trong khi Robben và Ribery được phép cắt từ biên vào trong nhiều hơn và Robben đã ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 cho Munich.

Không nghi ngờ gì nữa, Guardiola là một HLV cực kỳ thông minh nhưng đôi khi ông cách tân lối chơi của đội bóng hơi quá đà, làm ảnh hưởng tới hiệu quả thi đấu chung. Bayern Munich không cần dùng một chiến thuật quá mới mẻ để đánh bại một đội Man United tầm tầm và trận tứ kết lượt về này lẽ ra đã không khó khăn đến thế đối với các nhà vô địch Châu Âu.

HT

Theo Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm