Serie A 2011-2012 hạ màn: Những điểm nhấn của mùa giải

14/05/2012 21:03 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH Online) – Vậy là Serie A 2011-2012 đã khép lại với Scudetto cực kỳ ấn tượng của Juventus. Chúng ta cùng nhìn lại những điểm nhấn của mùa bóng vừa kết thúc.

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa



Juve VĐ Serie A 2011-2012 - Ảnh Getty

Nụ cười Juve, nụ cười Udinese

Serie A nhuộm màu đen trắng khi Juventus và Udinese chiếm lĩnh 2/3 vị trí cao nhất BXH vào cuối mùa. Họ cùng có chung sắc áo, cùng mang một biệt danh (Bianconeri) và cùng nở nụ cười sau 9 tháng dài tranh đấu. Juve vô địch và họ xứng đáng với danh hiệu đó.  Đơn giản là họ mạnh hơn phần còn lại của Serie A. Bất bại cả mùa không phải là kỳ tích độc nhất vô nhị của đội bóng miền Bắc Italia cho tới lúc này vì Milan của Capello cũng từng làm được điều đó trong lịch sử. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không bao giờ có đội bóng nào làm được tốt hơn Juve của Conte trong tương lai. Đó mới là điều khiến cho mùa giải bất bại này của họ trở nên đặc biệt.

Kỳ tích bất bại của Juve ở Serie A mùa này cùng lắm cũng chỉ có thể được một đội bóng nào đó lặp lại chứ không thể vượt qua trong tương lai bởi họ bất bại sau 38 vòng đấu (giải có 20 đội tham gia). Mà việc lặp lại được thành tích bất bại cả mùa của Juve  là điều vô cùng khó với bất kỳ đội bóng nào. Ngay chính Juventus cũng cực khó có thể tái hiện được mùa giải bất bại này của họ trong tương lai gần. Milan của Capello bất bại ở mùa 1991-1992 nhưng họ chỉ trải qua 34 trận không thua vì khi đó Serie A chỉ có 18 đội tham dự.

Nếu Juve lại thắng Napoli và đoạt cúp Italia sau đây 1 tuần thì mùa giải bất bại của họ càng trở nên hoàn hảo. Giành cú đúp danh hiệu trong một mùa bóng không phải là kỳ tích nhưng vừa đoạt cú đúp danh hiệu, vừa bất bại trong tất cả các trận đấu chính thức của mùa giải thì phải nói là phi thường. Trong lịch sử bóng đá Italia cho tới lúc này, chưa có đội nào đoạt danh hiệu kép VĐQG và giành cúp QG mà lại trải qua cả mùa giải không thua một trận đấu chính thức nào. Juve chỉ còn cách thành tích vô song đó một…Napoli nữa mà thôi. Với đội ngũ cầu thủ có chất lượng và đồng đều, một HLV tài năng cộng thêm những viện binh mới có đẳng cấp sẽ đến Turin trong thời gian tới, Juve hứa hẹn sẽ mở ra một chu kỳ thành công mới mà Scudetto 2011-2012 chỉ là sự khởi đầu.

Không có danh hiệu và cũng không chơi xuất sắc như Juve nhưng Udinese cũng có một mùa giải thành công ngoài mong đợi. Đứng thứ 3 Serie A và giành quyền dự Champions League mùa tới là một thành tích đáng tự hào với đội bóng của HLV Guidolin. Thành tích đó càng trở nên đặc biệt nếu người ta biết rằng Udinese bước vào mùa giải này mà không có hai trụ cột là Alexis Sanchez và Gokhan Inler. Tiền đạo săn bàn hàng đầu và chuyên gia “dọn dẹp” ở trung tuyến đều bị họ bán đi lấy tiền nhưng Udinese không hề suy yếu mà vẫn duy trì được sức mạnh và sự ổn định đáng khâm phục. Nếu như những gì Juventus làm được ở mùa giải này là cực kỳ xuất sắc thì thành tích mà một đội bóng không thuộc hàng “đại gia” như Udinese đạt được cũng xứng đáng được tụng ca.

Milan, Inter, Roma: Thay máu là mệnh lệnh

Mùa giải 2011-2011 đã khép lại trong nỗi thất vọng tràn trề với Milan, Inter và Roma. Chiến lược nhân sự  quá tồi là nguyên nhân sâu sa khiến Milan trắng tay. Hai vấn đề nổi cộm của đội bóng sọc đỏ đen là có quá nhiều cầu thủ già nua và dính phải quá nhiều ca chấn thương trong suốt mùa giải. Tuy nhiên, họ lẽ ra đã có thể khắc phục được hai vấn đề đó nếu thực hiện ngay một chiến dịch chuyển nhượng có chiều sâu trong mùa Hè 2011. Milan có hàng chục cầu thủ cao tuổi ở cả 3 tuyến như Nesta, Yepes, Zambrotta, Seedorf, Ambrosini, Van Bommel, Gattuso, Inzaghi…nhưng họ chỉ bổ sung lực lượng một cách cầm chừng và quá chú trọng vào việc săn hàng miễn phí hoặc giá rẻ (trái ngược hẳn với cuộc cách mạng nhân sự mà Juventus tiến hành. Chi tiền mạnh tay, chiêu mộ nhiều tinh binh).

Chiến lược nhân sự như vậy là sai lầm vì Milan phải đá cùng lúc trên 2 mặt trận khó khăn là Champions League và Serie A. Thế nên, nhiều lúc Max Allegri không biết phải xoay sở thế nào để tránh cho cầu thủ Milan không bị kiệt sức hoặc duy trì sức mạnh của đội bóng trong bối cảnh có nhiều cầu thủ bị chấn thương. Đơn giản vì quân số của Milan chỉ có vậy và ông không thể xoay tua hay điều nhỉnh nhân sự như ý muốn được. Inter thì có vẻ đang trở lại thời kỳ mông muội từng khiến họ phải đợi tới gần 20 năm mới lại VĐ Italia. Sau khi Mourinho ra đi, Moratti không tìm được cho đội bóng của ông một HLV giỏi. Inter chuyển nhượng lại quá tồi khi Moratti và GĐKT Branca đã không làm hoặc không biết làm thế nào để xây dựng cho đội bóng này lực lượng kế cận những ngôi sao đã cao tuổi, suy giảm phong độ và không còn nhiều khát vọng chiến thắng sau thành công rực rỡ ở mùa giải lịch sử 2010. 

Các HLV họ đã dùng sau khi Mourinho ra đi từ Leonardo, Gasperini, Ranieri đều không phải là những nhà cầm quân giỏi. Ngay cả năng lực của Stramaccioni bây giờ cũng vẫn phải đặt dấu hỏi. Khác với hai đội bóng thành Milan, Roma đã chủ động và tích cực làm mới đội ngũ. Nhưng những lựa chọn của họ lại sai lầm. Khi Giallorossi thuộc quyền sở hữu của các ông chủ Mỹ, người ta đã cảm nhận thấy sự bất ổn vì những ông chủ người Mỹ của Roma có thể sẵn tiền nhưng lại không sẵn tình yêu và thấm nhuần những giá trị truyền thống của CLB.

Việc họ cho mời Luis Enrique về cầm quân cho thấy họ không hiểu gì (hoặc không quan tâm) về Roma nói riêng và bóng đá Italia nói chung. Hoặc là họ muốn mang vào Roma một thứ triết lý khác, xây dựng Roma theo mô hình khác. Nhưng chắc chắn là sai lầm và thất bại vì nó xa rời truyền thống của đội bóng áo bã trầu. Thứ bóng đá Luis Enrique theo đuổi không phù hợp với Serie A. Hệ quả là Roma kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7 và vắng bóng ở cúp Châu Âu mùa tới. Cũng như Milan và Inter, họ chắc chắn phải cải tổ mạnh mẽ trong mùa Hè này mới mong tìm lại sức mạnh ngày nào.

Mùa giải “thảm họa” trên băng ghế HLV

Hàng thập kỷ qua người ta không thấy mùa giải nào mà Serie A lại "sát" HLV như mùa này. Có tới 18 vụ sa thải HLV đã diễn ra ở hàng chục CLB. Có những đội bóng thay HLV tới 2 lần. Thậm chí Cagliari còn thay tướng đến 3 lần trong mùa giải này. Serie A 2011-2012 trở thành đất dữ đối với các HLV. Số phận các nhà cầm quân trở nên mong manh như ngọn nến trước gió.

Cagliari, Palermo, Bologna, Cesena, Lecce, Parma, Fiorentina, Novara, Inter Milan, Genoa...tất cả đều thay tướng và hầu hết các đội này đều chơi không thành công ngay cả sau khi họ có HLV mới. Những cái chết trên băng ghế nóng không chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu mùa hay giữa mùa mà thậm chí đến cuối mùa vẫn có đội thay HLV. Như Inter Milan sa thải Ranieri và thay bằng Stramaccioni vào tháng 3/2012. Genoa sa thải Marino vào tháng 4/2012 hay Fiorentina cắt hợp đồng với Delio Rossi vào tháng 4/2012.

Chỉ cần nhìn vào bản danh sách các nhà cầm quân mất việc trong mùa giải này là người ta sẽ thấy nghề HLV ẩn chứa nhiều rủi ro đến mức nào. Hãy xem những cái tên Donadoni (Cagliari), Pioli (Palermo), Gasperini (Inter), Bisoli (Bologna), Giampaolo (Cesena), Mihajlovic (Fiorentina), Ficcadenti (Cagliari), Di Francesco (Lecce), Mangia (Palermo), Malesani (Genoa), Colomba (Parma), Tesser (Novara), Arrigoni (Cesena), Mondonico (Novara), Ballardini (Cagliari), Ranieri (Inter Milan), Marino (Genoa) và Delio Rossi (Fiorentina). Tất cả họ đều bật bãi khỏi ghế nóng vì không chịu được "nhiệt" của nó.

HT


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm