Xem phim Vòng Nguyệt Quế: Khập khiễng, thiếu thực tế

16/07/2008 12:45 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Trong phim có đủ nhà văn, nhà thơ, người làm sách, dịch giả, nhà báo và hình ảnh các cây bút trẻ. Nhưng không có hình ảnh nào trọn vẹn, cũng không có nhân vật nào đủ sức thuyết phục.

Bộ phim Vòng nguyệt quế (dài 25 tập, đạo diễn Mai Hồng Phong, đang phát sóng trên kênh VTV1) từ đầu đã được người xem chú ý vì khai thác đề tài về văn nghệ sĩ. Nhưng những gì thể hiện suốt hơn 10 tập phim đã khiến khán giả thất vọng.

Nhân vật được tôn vinh thái quá

Cảnh trong phim Vòng nguyệt quế
Cô nhà văn trẻ Hân – bút danh Đông Bích (diễn viên Bích Huyền đóng) - ngay từ đầu đã là một cây bút có tên tuổi trên văn đàn, được nhiều người vị nể. Và chính bản thân cô cũng tự mãn, kiêu căng và xem mình là trên hết.

Hân được tôn vinh thái quá cả về nhan sắc lẫn tài năng, còn những nhân vật khác thì bị hạ bệ không thương tiếc. Gần như đi đến đâu, Hân cũng được tán tỉnh. Một anh nhà báo hẹn phỏng vấn nhưng suốt buổi chỉ thấy tán nhăng tán cuội, luôn tìm mọi cách chạm vào thân thể cô nhà văn trẻ. Một giáo sư đại học gặp cô học trò Hân trên hành lang cũng sỗ sàng “hôm nào đến nhà thầy chơi, thầy ở nhà một mình” (!). Một nhà phê bình văn học lớn tuổi gặp Hân cũng buông lời bỡn cợt, khó nghe... Gần như những người trí thức - văn nghệ sĩ khi gặp Hân đều bỗng dưng trở thành những kẻ có “máu ba lăm”, trơ trẽn.

Không thấy nhà văn Đông Bích lao động nghệ thuật, đi tìm vốn sống, tư liệu để viết văn; cũng không thấy cô dành thời gian chăm chút cho tác phẩm. Khán giả chỉ thấy nhân vật này đi phô diễn, tự mãn với tài năng đã được mặc định của mình rồi luẩn quẩn trong mối quan hệ không biết là tình yêu hay lợi dụng với dịch giả Phan Long. Là người có học thức, suy nghĩ thấu đáo mọi việc nhưng Hân lại có kiểu nói chuyện hết sức ngỗ ngược, xấc láo với bố mẹ. Thêm vào đó, những mâu thuẫn, ganh ghét giữa cô và nhà báo Hạ Liên cũng khiến người xem mệt mỏi. Kiểu trả thù “bút chiến” bêu xấu, hạ bệ nhau giữa nhà văn và nhà báo tạo nên những luồng ý kiến, những diễn đàn bình luận sôi nổi chắc chỉ trên phim mới có!

Vô lý, hời hợt

Những gì thể hiện trên phim khiến người xem có cảm giác người viết kịch bản không am hiểu gì về đời sống văn học. Nhà văn, dịch giả bị gán cho những ngôn từ, những lời nhận xét về văn học rất ngây ngô.

Trong một hội thảo, dịch giả tên tuổi Phan Long phát biểu rằng những nhà văn lớn bây giờ đang “nằm ở xích lô, ba gác hay bơm xe đâu đó ngoài đường”, để rồi sau đó bị Đông Bích phản bác lại và Phan Long bắt đầu “vị nể” cô nhà văn trẻ này (?). Chưa hết, các đại biểu dự hội thảo – là những người trí thức- nghe vậy lại cười rộ lên, vẻ thích thú và đồng tình. Kiểu trao đổi ngô nghê, nhận xét tùy tiện như vậy chỉ khiến người xem khó chịu. Trong buổi họp báo giới thiệu tác phẩm mới của Đông Bích, một vị học giả đã hỏi cô về... bản sắc dân tộc trong tác phẩm – câu hỏi tưởng chừng “đao to búa lớn” nhưng chẳng thấy ăn nhập gì với hoàn cảnh diễn ra. Những bài thơ mà Thái (Công Dũng) ngâm ngợi trong phim nghe thoáng qua ngỡ là đầy tâm trạng nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy ngôn ngữ thơ nhạt nhẽo, hời hợt và vô nghĩa (trong khi nhân vật Thái được xây dựng là một nhà thơ trẻ có tên tuổi trên văn đàn).

Một cảnh trong phim

Phim còn có rất nhiều tình tiết thiếu thực tế. Làm gì có chuyện cảnh sát bắt anh nhà thơ phạm luật rồi buộc Thái phải “tức cảnh sinh tình” chứng minh mình là nhà thơ thì sẽ được tha? Anh cảnh sát sau đó đã đứng ngẩn ngơ khi nghe thơ của Thái! Buồn cười nhất là hình ảnh Thái bị bà chủ sạp báo “gí đầu xuống” buộc phải mua tập thơ của một tác giả khác mà theo bà là thơ như vậy mới là thơ! Chưa kể, một đài truyền hình nào đó lại có chuyên mục diễn đàn văn học có thể hạ nhục tên tuổi của nhà văn bằng chính tiết mục phỏng vấn với họ (?)...

Những mắt xích liên kết cho phim là mối quan hệ tình cảm lằng nhằng giữa các nhân vật. Hàng loạt mâu thuẫn, xung đột xảy ra như là những vệ tinh xoay quanh nhân vật chính – cô nhà văn Đông Bích. Nhưng câu chuyện lại được xây dựng trên cái nền của hàng loạt tình tiết vô lý, khó chấp nhận khiến cho mỗi bước đi của nhân vật trở nên khập khiễng. Thành công quá sớm của Hân, sự sa ngã của Thái và kiểu trả thù cá nhân ích kỷ và vô duyên của cô nhà báo Hạ Liên không thể cho khán giả nhìn thấy “thế giới của những người cầm bút” đúng và đầy đủ ý nghĩa nhất.

Các nhân vật trên phim hội đủ giới văn nghệ sĩ: nhà văn, nhà thơ, người làm sách, dịch giả, nhà báo và hình ảnh các cây bút trẻ. Nhưng không có hình ảnh nào trọn vẹn, cũng không có nhân vật nào đủ sức thuyết phục. Hân và Thái - hai nhân vật được xem là đại diện cho thế hệ cầm bút 8X - cũng khiến người xem thất vọng vì thái độ sống và cách hành xử của họ.

Bộ phim đã không thể tải nổi sức nặng từ chiều sâu trong cuộc sống của giới cầm bút.

Tiểu Quyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm