Truyền hình thực tế ở Việt Nam: Thách thức và tương lai

13/01/2009 09:40 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Trên thế giới, truyền hình thực tế (THTT) đã có những show thu hút hàng triệu khán giả, trong khi đó ở Việt Nam, nhiều chương trình đã phải sớm chia tay khán giả sau một thời gian ngắn. Đâu là thách thức của THTT? THTT liệu có thể “sống” ở Việt Nam? Những người trực tiếp tham gia thực hiện một số chương trình THTT ở Việt Nam đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
 

* Nhà báo Bùi Thu Thủy, Phó trưởng Ban Thể thao - Giải trí và Thông tin Kinh tế (Đài THVN): 5 “cái khó” của THTT

 Nhà báo Bùi Thu Thủy
So với game show, sự “lấn chiếm” sóng truyền hình của thể loại này không “ngoạn mục”, sôi nổi. Nếu so với việc lập tức đứng trong top ten các chương trình truyền hình được yêu thích sau 3-4 năm xuất hiện của gameshow và những game show nặng ký thu hút lượng người xem khổng lồ sau này thì THTT chưa có sức hút mạnh mẽ như vậy.

Có lẽ trước hết là tâm lý khán giả chưa thật quen với thể loại mới. Thứ hai, có thể những chương trình THTT của chúng ta làm chưa thật xuất sắc. Thứ ba, những chương trình ngoại nhập có thể chưa thật khai thác đúng điểm mạnh của người tham dự. Thứ tư, khi xem các sê-ri chương trình THTT, đòi hỏi khán giả phải theo dõi liên tục, so với từng tập riêng biệt như game show, có thể phải bỏ nhiều công sức hơn. Trong khi khán giả truyền hình bây giờ rất bận rộn, việc theo dõi này không phải đơn giản. Thứ năm và rất quan trọng là chi phí sản xuất cũng như nhân lực đầu tư cho một chương trình THTT quá lớn, trong khi chúng tôi đang phải tiết kiệm, cắt giảm chi phí sản xuất thì không dễ khi đầu tư cho những chương trình này.

Tuy nhiên, khi nhìn lại những chương trình THTT của VTV và của các Đài truyền hình địa phương khác sản xuất, tôi cũng thấy nhiều điểm thú vị. Khởi nghiệp là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên phát trên VTV3 được làm khá chắc tay. Với sê-ri Phụ nữ thế kỷ 21 của công ty BHD sản xuất phát trên VTV3 cũng tạo được dấu ấn nhất định. HTV (thành phố Hồ Chí Minh) với hành trình theo chân các nhà leo núi Việt Nam lên đỉnh vinh quang Everest hoặc chương trình Hành trình kết nối những trái tim hiện nay khi theo dõi tôi thấy cũng khá tốt. Đặc biệt là chương trình Chinh phục Everest. Bất kỳ một phóng viên truyền hình nào cũng ao ước được tham dự những chương trình như thế.

* Ông Đặng Hoàng, đại diện ê-kíp thực hiện chương trình Hành trình kết nối những trái tim: Phải có những chương trình không bị đào thải.

Trên thế giới các chương trình THTT đang rất được yêu thích, tuy nhiên không có nghĩa là chương trình nào cũng được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam. Bởi THTT chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, mà đã không ít chương trình bị phê phán gay gắt bởi sự thái quá, lố bịch và nhảm nhí… Vấn đề là phải chọn những chương trình nào của nước ngoài thật sự phù hợp hoặc phải thay đổi kịch bản sao cho tương ứng với nền văn hóa Á đông. Chương trình Hành trình kết nối những trái tim là một ví dụ kết nối cộng đồng, bản thân chương trình không mang tính giải trí thuần túy, mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn... Sở dĩ kịch bản gốc của Hành trình kết nối những trái tim thuyết phục được chúng tôi mang nó về VN bởi chương trình vừa như một bộ phim truyền hình nhiều tập, vừa như một bộ phim tài liệu vì tính chân thực của nó… Theo tôi, đây chính là điểm hấp dẫn của thể loại này!

Các chương trình THTT ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai gần. Nhưng chỉ có cách sáng tạo để có được những chương trình chất lượng được khán giả đón nhận mới không bị đào thải như một vài chương trình THTT đã xuất hiện gần đây theo trào lưu.

* BTV Thu Nga (kênh VTV6): Ở VN, THTT có cách thích nghi

THTT mô tả một cách chân thực cảm xúc của con người, không có quy tắc và cho phép người sản xuất tự do sáng tạo rất cao. THTT phải tạo ra tình huống để lột tả chân thật cảm xúc của con người và tạo tình huống để đối tượng thể hiện cảm xúc. Tôi nói vậy để không nên so sánh những chương trình không phải THTT với THTT.

Cái khó của THTT là chỉ quay một lần không thể quay lại lần thứ hai. Vì thế quy mô thực hiện lớn, có khi cùng lúc phải huy động 10 máy quay, tốn kém tiền của và thời gian. Dựng một phóng sự 30 phút có thể chỉ mất 2 ngày, nhưng với một chương trình THTT, chúng tôi mất 10 - 12 ngày… Tuy nhiên, THTT là xu hướng tất yếu không thể bỏ được vì cái mới của nó trong nhận thức, cách xem… Thế giới chuyển động chúng ta không thể nằm ở ngoài được. Hiện tại, nhiều nhóm phóng viên của Đài THVN đã áp dụng kỹ năng THTT để thực hiện các phóng sự. Cách thức thực hiện của THTT đem lại cho phóng sự ấy những giá trị như sự chân thực, một cách tiếp cận mới. Trong chương trình Nối vòng tay lớn có phóng sự Phép thử lòng tốt mà với tư cách khán giả tôi cũng rất thích thú. Đó là câu chuyện về bạn trẻ lên trường học khó khăn ở vùng cao và mượn dây buộc tóc của một học sinh ở đó. Sau bạn trẻ này thực hiện cuộc hành trình đi khắp cả nước, gặp một cầu thủ nổi tiếng, một nghệ sĩ nổi tiếng, một số bạn trẻ, một cô hoa hậu… và qua mỗi cuộc gặp, chiếc dây buộc tóc lại được đổi thành thỏi son, thành chiếc đồng hồ… và sau cùng là bức tranh do một nhà báo vẽ được bán cho một doanh nghiệp với giá 500 triệu đồng. Như vậy một chiếc dây chun buộc tóc đã trở nên có giá trị 500 triệu đồng dành ủng hộ người nghèo. Việc đi gặp người này người kia chính là tình huống… Những người thực hiện phóng sự đã áp dụng cách thức, phương pháp của THTT. Chương trình này tạo ấn tượng với người xem. Đây chính là một minh chứng để tôi khẳng định rằng, THTT hoàn toàn có thể “sống” ở Việt Nam chỉ có điều, tùy điều kiện, hoàn cảnh để có cách thích nghi khác nhau.

Trên kênh VTV3 hiện phát sóng Hành trình 2468km, dưới góc nhìn của tôi, đây là một chương trình tốt, tuân thủ quy trình của THTT. Một số chuyên gia Pháp đã nói với tôi rằng, họ không đồng tình với thể loại THTT, vì nhiều chương trình lạm dụng cảm xúc của con người, có nhiều chương trình vi phạm tính đạo đức. Ở Nga có chương trình Đổi vợ chồng với giải thưởng cao. Chương trình khiến khán giả tò mò, ở VN chương trình kiểu thế này không phù hợp. Nhưng tôi vẫn tin THTT phù hợp với khán giả vì trong đó có sự chân thực.

* Ông Nguyễn Phan Quang Bình (đạo diễn các chương trình THTT của công ty BHD: Phụ nữ thế kỷ 21, Hành trình 2468…): Không nên gắng gượng, nếu…

THTT vốn dĩ là một thể loại rất khó làm, khi luôn đòi hỏi kinh phí cao và đội ngũ làm nghề thật chuyên nghiệp! Theo tôi, nếu không hội tụ được những yếu tố cơ bản ấy thì cũng không nên gắng gượng lao vào sản xuất những chương trình THTT.

Các chương trình THTT đều có lợi thế là nội dung sinh động, hấp dẫn. Trước đây, các chương trình THTT đều phải mua format nước ngoài, và điều chỉnh lại nhằm phù hợp với thị hiếu khán giả màn ảnh nhỏ VN. Với Nốt nhạc ngôi sao (dự kiến phát sóng tập đầu tiên từ 03/02/2009 trên kênh HTV7), chúng tôi không phải mua bản quyền nữa. Nhóm thực hiện đã “hệ thống” và viết format của Nốt nhạc ngôi sao thành một chương trình khá tương thích với tình hình sản xuất, cũng như với văn hóa Việt. Nốt nhạc ngôi sao có thể là chương trình THTT dài hơi nhất không những của BHD trong năm 2009, mà còn với nhiều chương trình cùng thể loại từ trước đến giờ. Nó có 52 số tập phát sóng, trong khi các chương trình cùng thể loại này thông thường cũng chỉ có khoảng 13 hoặc 26 tập. Điểm mạnh của chương trình này còn là sự tích hợp của nhiều thể loại trong một, vừa có định dạng Reality show, lại cũng là Music Game, rồi cuối cùng là Movie nữa. Chưa kể là sau đó còn có thể làm một Live show về chương trình, như một sự tổng kết. Đơn giản vì với qui mô chương trình đầy tính phức hợp như thế, nó sẽ “ngốn” một nguồn kinh phí thuộc hàng “khủng” khi thực hiện sản xuất!
 
Bên cạnh đó, với qui trình làm việc của ngành công nghiệp giải trí truyền hình ở các nước, ê-kíp thực hiện luôn luôn đòi hỏi những “chuẩn” làm việc mà nhà sản xuất sẽ khó lòng đáp ứng- nếu với “tầm” của những chương trình kiểu này! Trong khi tại Việt Nam, người làm nghề và nhà sản xuất một khi đã tìm được “tiếng nói chung” thì hoàn toàn có thể tìm ra phương cách thực hiện tốt. Có thể gọi nó là kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Giống như trong việc làm phim, nhiều đoàn chuyên gia của nước ngoài đến Việt Nam đều phải ngạc nhiên vì sao nhiều phim Việt vẫn có thể được làm với mức kinh phí “khiêm tốn”, mà vẫn gây được sự chú ý ít nhiều tại các LHP khu vực và quốc tế. Nó lạ lùng thế đấy, khi có nhiều cái ở Việt Nam làm được mà nước ngoài lại không thể làm được!.
 
Hoàng Lê - Tùng Sơn (ghi)
 
Đón đọc bài cuối: Nhìn ra thế giới - Truyền hình thực tế đi về đâu?

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm