Thời của các nữ thiết kế

11/10/2013 07:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Say mê và tỉnh rụi, mạnh mẽ và tinh vi tuổi hậu teen, kẻ khoái thầy đẹp trai vẽ giỏi, người buồn vì thầy thần tượng đi… lấy vợ. Đó là Lê Hàng Bảo Trân, và Nguyễn Minh Hải, hai nữ designer (họa sĩ thiết kế) thủ khoa, và á khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kiến trúc TP.HCM vừa qua…

Cảm xúc "Múp Míp"

Rạp xiếc rực rỡ đầy ắp món ăn, ngôi làng biếc xanh lau nhau đám bạn, và gian nhà tranh ấm nồng của cụ bà làm bánh phúc hậu, là 3 tầng không gian nhà của bác bếp trưởng Múp Míp. Chuyến phiêu lưu giữa các tầng thần tiên đã cuốn hút Cúc cu, một cậu bé biếng ăn, lanh chanh vào những chuyện lạ lùng, để rồi cậu biết trồng rau, làm bánh, quý yêu lao động. Cùng với các bài học, Cúc cu đã được bếp trưởng Múp Míp trao tặng huy hiệu trưởng thành.

Quên mình trong tâm tính thiếu thời, Bảo Trân đã sống với các nhân vật, hình ảnh hóa nên một thế giới thần tiên sắc màu náo nhiệt, trong veo và mê ly. Hình ảnh các Cô Mì, cậu Cá, bé Đùi gà, chị bếp phó, bà làm bánh, bác Múp Míp… nếu có mặt trên các quầy sách, hẳn sẽ làm các bé thêm vui tung tăng hớn hở.

Thầy giáo trẻ “xì tai” Phan Vũ Linh, giáo viên hướng dẫn đồ án truyện tranh Ngôi nhà của bếp trưởng Múp Mípnhận xét: "Bảo Trân gây bất ngờ cho tôi, không phải chỉ vì độ hoàn chỉnh, tính thẩm mỹ, mà cả ở phong cách làm việc chuyên nghiệp và sự chuyên tâm của đồ án, điều mà đa số sinh viên ngành nghệ thuật chưa làm được. Chỉnh chu từ phần phác thảo đến thể hiện hoàn chỉnh, đồ án được Hội đồng đánh giá xuất sắc, đã phản ánh đúng năng lực của em. Giữ vững phong độ này, Bảo Trân sẽ sớm trở thành một gương mặt nổi bật tiếp theo trong giới minh hoạ Việt Nam". Bảo Trân thì sao? "Tôi rất thích truyện tranh, yêu vẻ nghịch ngợm của thiếu nhi, và đã vẽ thỏa thích nhất trong đồ án, để thử một lần. Nhưng tôi không định theo đuổi nó!"

Tỏ ra có tư chất quen thuộc của một nghệ sĩ độc lập - tự sáng tác, không muốn bị áp đặt - nhưng Bảo Trân lại muốn trở thành nhà thiết kế trải nghiệm người tiêu dùng (User Experience Design - một ngành thiết kế tương tác đang phát triển nhanh), thiết kế app cho điện thoại thông minh, hay game - lĩnh vực thiết kếđang trở nên thời thượng.

Đồ án truyện tranh đầy hồn nhiên Ngôi nhà của bếp trưởng Múp Míp đã làm nên một họa sĩ, thủ khoa ngành đồ họa Lê Hàng Bảo Trân như vậy.


Bảo Trân và tác phẩm Ngôi nhà của bếp Múp Míp
Trí tuệ "Song tử"

Những sinh viên từng theo học tạo hình ở đây khó quên người thầy vững nghề và tận tình, cầu toàn và sắc cạnh có tên Nguyễn Huy Khôi. "Từ trường" mà người thầy này tạo ra khiến sinh viên chịu áp lực hơn mức thường lệ. Nhưng điều này lại khích những ai yêu sáng tạo đích thực say máu nghề hơn.

Nguyễn Minh Hải là ví dụ mới nhất. Cô thú nhận: "Tôi từng nghĩ rằng, thực ra tôi vẽ truyện tranh này cho… thầy Khôi, vì dạo đầu, quá căng thẳng, làm kịch bản nào thầy cũng không chịu!"

Vật vã, cuối cùng mới bước qua "Song tử". Đó là một câu chuyện thơ tự sự, ước lệ lạ lùng, trong bối cảnh liên kết một đôi anh em song sinh, bày tỏ thái độ sống làm người. Hình ảnh và tính cách của Song tử, từ các khác biệt ban đầu, ở các trang đơn, bùng nổ xung khắc mạnh mẽ, tràn ra các trang đôi. Làm nền các cuộc đối thoại quyết liệt dương tính ấy, là một thứ màu âm, u ẩn tha thiết, với mở đầu, và kết thúc, đều bằng hình tượng âm dương. Pha trộn logic của kịch bản thông thường với dạng thức truyền tải tâm trạng, tinh thần truyện hoà quyện với không khí tranh, tạo nên ấn tượng huyền ảo khó phai.

Tình huống sáng tạo lấp lánh trí tuệ như truyện và tranh "Song tử" này, chính giảng viên hướng dẫn "lâu lắm rồi mới gặp". "Mọi thứ đều có thể kể chuyện được", Á khoa đồ họa Nguyễn Minh Hải, từ đồ án truyện tranh "Song tử" của mình, có niềm tin như thế. Còn hoạ sĩ Nguyễn Huy Khôi

Thì nhận xét về học trò của mình : “Bài tốt nghiệp của Minh Hải được toàn thể Hội đồng đánh giá cao (9,5 điểm), xứng đáng được nhắc đến như một ví dụ cho cách đặt vấn đề dám nghĩ dám làm đáng khen của SV mỹ thuật hiện nay, trong bối cảnh mà đa số SV chỉ chú trọng đến những cách đặt vấn đề an toàn theo những lối mòn thực dụng thiên về kỹ năng mà ít đụng chạm đến học thuật”.

Khi Bảo Trân và Minh Hải chào đời, truyện tranh Việt đã vuột qua thời vang bóng. Hai mươi năm rồi, các tiếp biến văn hóa ầm ào, đã khiến thị trường truyện tranh Việt hội nhập hơn cả ước mong, theo nghĩa không chờ đợi. Hôm nay, thật khó để gọi tên bản sắc, khi các trường chưa mở ngành minh họa chuyên biệt, người trẻ học vẽ chỉ dùng tay, và thật tiếc, khi họ ham học ở muôn nơi, trừ nơi chốn sinh ra chính mình.

Hai nữ họa sĩ xinh tươi kia ơi : ngay và luôn - hãy biết khác, không thì… kỳ quá ?


Minh Hải và tác phẩm Song tử

Thủ khoa thiết kế toàn nữ

Cùng với sự ngày càng nóng lên của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, thu hút rất đông các bạn trẻ đam mê lĩnh vực thiết kế. Có một tổng kết thú vị là hầu hết các khoá học đều có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam. Thủ khoa và á khoa khoá tốt nghiệp năm nay toàn nữ ! “Theo tôi, trong sự phát triển của xã hội hiện đại, phái nữ đang tìm thấy lĩnh vực thiết kế như một cơ hội để bộc lộ năng lực bản thân công bằng nhất so với nam giới”- trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (cũng là nữ !) nhận định. “Xét về những yêu cầu của việc đào tạo để trở thành một nhà thiết kế, ngoài năng khiếu thẩm mỹ, khả năng sáng tạo là những điểm chủ chốt mà cả hai phái đều có thể ngang nhau, các bạn nữ có thêm thế mạnh ở sự cẩn thận, tinh tế, nhạy cảm, biết quan sát và khả năng đồng cảm tốt”.

Hoạ sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, theo học ngành thiết kế đồ hoạ tại Đức, từng là giám đốc sáng tạo cho nhiều tập đoàn quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam, nguyên giảng viên đồ hoạ tại các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Hồng Bàng, ĐH Tôn Đức Thắng. Hiện sống và làm thiết kế tại Texas, Mỹ. Hình : Chân dung 2 nữ thiết kế và cùng hai phong cách thiết kế riêng biệt của họ


Nguyễn Tri Phương Đông
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm