'La Grande Bellezza' đoạt giải Quả cầu Vàng: Chiến thắng của 'vẻ đẹp Italy'

14/01/2014 09:11 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh châu Âu năm 2013 có rất nhiều tác phẩm hay, tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là Blue Is The Warmest Color của điện ảnh Pháp và La Grande Bellezza (The Great Beauty) của điện ảnh Italia, tác phẩm vừa đoạt giải Quả cầu Vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Quả thực trong năm qua, điện ảnh châu Âu có 2 phim trên chia nhau thống trị hàng loạt giải thưởng danh giá.

Bức tranh tuyệt đẹp

Nếu như Blue Is The Warmest Color đánh bại hàng loạt đối thủ cực mạnh khác để đoạt giải Cành cọ vàng thì ở nửa cuối năm, The Great Beauty vượt hẳn lên và giành được sự quan tâm đặc biệt của giới phê bình.

Cũng giống với những nền điện ảnh lâu đời khác, điện ảnh Italia năm nào cũng có phim hay. Gần đây có thể kể đến Gomorra, Il Divo, Caesar Must Die, The Best Offer. Thế nhưng, đã lâu lắm rồi, khán giả mới được thưởng thức một tác phẩm đặc sắc, đầy “chất nghệ”, xen lẫn giữa hiện thực và siêu thực như The Great Beauty.

Là một nhà văn thành công với cuốn sách duy nhất ra đời cách đây đã 40 năm, Jep Gambadella (Toni Sorvillo) nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, thượng lưu của thành Rome. Ông và những người bạn tụ tập, đàn đúm, kể chuyện đời bất cứ khi nào có thể. Cuộc sống của Jep Gambadella đi từ cuộc vui thâu đêm này tới cuộc vui thâu đêm khác, đến nỗi buổi sáng giống như một thứ gì đó quá xa lạ với ông.


Cảnh trong The Great Beauty

 Sau buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 65, do nhiều chuyện xảy đến và nhất là một cú sốc từ quá khứ trở lại, Jep Gambadella bắt đầu thay đổi cách nhìn về hiện tại. Khán giả dõi theo bước chân của ông đi qua khắp mọi ngóc nghách trong thành phố Rome, nơi đến đâu cũng đầy những di tích đẹp tuyệt vời.

Ông quan sát, dõi theo, lướt qua nhiều người, hồi tưởng lại quá khứ, về mối tình đầu và dần cảm nhận dư vị của sự không toại nguyện khi đã già, đôi khi chỉ là tự vấn về những việc xảy ra chung quanh. Cuộc dạo chơi của Jep Gambadella đã vẽ lên một bức tranh với đủ mọi màu sắc, sống động đầy quyến rũ, chẳng khác gì một chai vang đỏ nổi tiếng của Italia.

Có thể nói The Great Beauty của đạo diễn Paolo Sorrentino rất đẹp, đẹp đến khó cưỡng. Đẹp từ nhân vật, từ từng khung cảnh tới phục trang. Đẹp đến cả lời thoại, thậm chí ngay cả cách giễu nhại, mỉa mai lối sống tha hóa, lố bịch của giới nghệ sĩ, thượng lưu cũng đẹp. Chỉ một mẩu đối thoại đơn giản thế này thôi, ta cũng thấy được nét đẹp trong The Great Beauty:“Cô làm nghề gì?”. “Tôi á? Tôi giàu có”. “Ồ, nghề tuyệt thật”. Có lẽ vậy, chẳng ai sống được ở Rome, ngoại trừ du khách.

Đứng đầu châu Âu

Khi xem xong The Great Beauty, ắt hẳn sẽ có nhiều khán giả nghĩ rằng đạo diễn của bộ phim phải là một người đàn ông đã đủ trưởng thành, đủ chiêm nghiệm về cuộc sống, thời thế. Ấy vậy mà Paolo Sorrentino năm nay mới 44 tuổi.

Không phải bây giờ Paolo mới nổi tiếng. Cách đây một thập kỷ, ông đã gây ấn tượng với The Consequences Of Love rồi lên tới đỉnh cao với Il Divo: La Spettacolare Vita Di Giulio Andreotti (2008). Bộ phim đã mang về cho Paolo Sorrentino giải thưởng của ban giám khảo tại LHP Cannes.

Và đến năm nay, Paolo Sorrentino còn thành công hơn nữa với The Great Beauty. Chỉ trong khoảng thời gian đúng một tháng, phim đã chiến thắng tại 2 giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới.

Vào giữa tháng 12/2013, The Great Beauty đoạt 4 hạng mục giải quan trọng của Giải thưởng phim châu Âu, gồm phim xuất sắc nhất, đạo diễn, diễn viên nam chính (cho Toni Servillo) và dựng phim. Trong khi đó Blue Is The Warmest Color thậm chí phải ra về trắng tay.

Đây không phải là lần đầu tiên Paolo Sorrentino làm việc ăn ý với nam diễn viên Toni Servillo. Trước đây, Toni Servillo từng vào vai cựu thủ tướng Italia Giulio Andreotti, trong bộ phim tiểu sử Il Divo và tham gia trong cả The Consequences Of Love của Paolo Sorrentino.

Trong lễ trao giải Quả cầu Vàng 71, Paolo Sorrentino đã đoạt giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phải hơn 2 thập kỷ sau khi Cinema Paradiso (1989) của đạo diễn lừng danh Giuseppe Tornatore đoạt giải Quả cầu vàng, điện ảnh Italia mới có một tác phẩm lặp lại được kỳ tích này.

Vượt qua The Wind Rises của Nhật Bản, The Past của Iran, The Hunt của Đan Mạch và Blue Is The Warmest Color của Pháp, “Vẻ đẹp Ý” đã giành chiến thắng hoàn toàn xứng đáng. Một chiến thắng tuyệt đẹp.



Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm