Giải Man Booker 2019 'phá lệ' trao cho 2 người: Hai chiến thắng đều xứng đáng

16/10/2019 07:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi trong nội bộ cuộc thi đã bùng phát khi Ban giám khảo của giải thưởng năm nay quyết định trao phần thưởng danh giá cho 2 tác phẩm. Điều này đi ngược lại với quy tắc chỉ có 1 người chiến thắng chung cuộc của giải Man Booker.

Giải Man Booker Quốc tế 2019: Lần đầu tiên tiểu thuyết A Rập đoạt giải

Giải Man Booker Quốc tế 2019: Lần đầu tiên tiểu thuyết A Rập đoạt giải

Jokha Alharthi, nhà văn nữ Oman đầu tiên có tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh, đã đoạt giải Man Booker Quốc tế năm 2019 với cuốn truyện Celestial Bodies kèm theo số tiền thưởng 50.000 bảng.

Peter Florence, Chủ tịch Ban giám khảo năm nay đã tuyên bố một thông báo khá sốc với khán giả: “Chúng tôi thấy rằng có 2 cuốn tiểu thuyết mà Hội đồng giám khảo rất muốn họ giành được giải thưởng Man Booker 2019”. Hai nữ nhà văn Margaret Atwood và Bernardine Evaristo sẽ cùng về nhà và chia đôi phần thưởng 50.000 bảng Anh.

Một chiến thắng quá rõ ràng…

Việc tiểu thuyết The Testaments của nữ nhà văn người Canada Margaret Atwood được xướng tên chung cuộc là điều gần như chắc chắn. Việc cuốn sách lọt vào chung khảo giải Man Booker từ trước khi phát hành đủ để thấy kỳ vọng đặt vào đó lớn thế nào.

Chú thích ảnh
Margaret Atwood (trái) và Bernardine Evaristo - chủ nhân giải Man Booker 2019

Được giới thiệu là phần tiếp theo của “bom tấn” The Handmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ), The Testaments chắc chắn là cuốn tiểu thuyết được mong đợi nhất năm 2019 với hoạt động ra mắt rầm rộ có lẽ chỉ thua tập cuối Harry Potter cách đây một thập kỷ.

Serena Davies của tờ báo The Daily Telegraph nước Anh nhận định về tác phẩm này bằng những từ ngữ đầy xúc động: “Atwood đã mang đến cho chúng ta một bộ phim bom tấn nghẹt thở, gần như không thở nổi, với những tình tiết kịch tính được xếp chồng lên nhau. Xứng đáng là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc”.

Chú thích ảnh
Bìa sách “The Testaments” của Margaret Atwood

Bối cảnh của The Testaments diễn ra 15 năm sau các sự kiện trong The Handmaid’s Tale. Nó không hoàn toàn là ác mộng và chứa rất ít sự sợ hãi ngột ngạt mà tác giả Atwood rất giỏi dựng lên ở tập đầu. Ngược lại, nó tràn đầy hy vọng, rằng Gilead - một chế độ thần quyền hư cấu, được dựng lên trong tương lai tương ứng với vị trí của nước Mỹ, nơi phụ nữ có rất ít quyền lợi, thường bị coi là vật sinh sản và không được phép đọc, viết - sẽ bị hủy diệt bởi những cá nhân phi thường. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh 3 nhân vậy chính là dì Lydia - một nhân vật trong tiểu thuyết trước đó; Agnes - một phụ nữ trẻ sống ở Gilead và Daisy - một phụ nữ trẻ sống ở Canada.

Sự kỳ vọng dành cho tác phẩm này một phần đến từ thành công vang dội của series phim truyền hình chuyển thể Chuyện người tùy nữ gặt hái được rất nhiều thành công và đã đi ra ngoài câu chuyện gốc của Atwood. Vậy nên người hâm mộ của phần đầu cuốn tiểu thuyết đã rất mong chờ cái kết đến từ chính tác giả, chứ không phải từ các nhà biên kịch của Hollywood. Vậy nhưng, theo nhận định của người đọc, The Testaments khó có thể đạt đến đỉnh cao như phần truyện trước đó bởi thiếu tính thuyết phục.

Chú thích ảnh
Nữ nhà văn Margaret Atwood

The Handmaid’s Tale, đó là một người phụ nữ bình thường, không cố làm gì vĩ đại để sống sót, người phá tan ảo tưởng về siêu anh hùng và chính sự tầm thường này mang tới trọng lượng cho cuốn sách. Ngược lại, ở The Testaments có nhiều yếu tố phi thường, như thể Atwood đơn giản là quyết định thời của Gilead đã chấm dứt, hoặc có lẽ bởi bà quá yêu thích các nhân vật của mình đến mức không thể từ chối hạnh phúc của họ.

Dù vậy, đây vẫn là một tác phẩm thành công và để lại ấn tượng với Hội đồng giám khảo giải thưởng năm nay. Margaret Atwood đã “vuột mất” giải Nobel Văn học, nhưng bù lại là chiến thắng khá thuyết phục tại Man Booker 2019.

Chú thích ảnh
Nữ nhà văn Bernardine Evaristo

… và một chiến thắng bất ngờ

Việc nữ nhà văn Bernardine Evaristo cũng được xướng tên tại giải thưởng Man Booker năm nay là điều rất ít người nghĩ đến. Bà cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên giành chiếc cúp danh giá với tác phẩm Girl, Woman, Other (tạm dịch là Cô gái, phụ nữ, người khác).

Cuốn sách đã nhận được lời khen từ rất nhiều tác giả, nhà phê bình và nhà báo trên thế giới bởi cảm xúc vui buồn nhưng đầy tính chân thực về cuộc sống xuyên suốt tác phẩm. Tạp chí danh tiếng Elle nhận xét: “Đây là bài hát tình yêu thành công gửi đến những người phụ nữ da đen hiện đại ở Vương quốc Anh”.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Girl, Woman, Other”của Bernardine Evaristo

Evaristo cho biết việc giành được giải thưởng Man Booker là điều mà bà “cảm thấy rất khó đạt được trong nhiều thập kỷ”. Dù đã xuất bản bảy cuốn sách trước đây, nhưng nữ nhà văn Evaristo ít được công chúng biết đến hơn so với người đồng chiến thắng.

Cuốn sách là tập hợp gồm 12 truyện ngắn - kể về cuộc sống của 12 nhân vật đa số là người da màu đang sinh sống tại Anh quốc, tất cả họ đều được kết nối ở các mức độ khác nhau. Mỗi nhân vật trong số này là người kể chuyện về hành trình của riêng họ, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy họ qua con mắt của những người khác, khi đến lượt họ kể lại câu chuyện của mình.

Evaristo đã nói rằng lối viết kịch và sáng tác thơ của mình đã thấm vào tiểu thuyết, và Girl, Woman, Other được viết theo phong cách mà bà gọi là “tiểu thuyết hợp nhất”: trôi chảy, không bị ngắt quãng, với nhịp điệu tiếp cận chủ nghĩa trữ tình.

Thành tựu tuyệt vời của bà với cuốn sách này nằm trong những ý tưởng nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta phải vật lộn với ngày hôm nay. Trong khi The Testaments của Margaret Atwood phơi bày các cơ chế gia trưởng và khiến độc giả hiểu làm thế nào phụ nữ cũng có thể đồng lõa với sự áp bức, thì Evaristo lại là nhà phê bình tinh vi hơn. Bà khéo léo đan xen vào cuộc sống trừu tượng hàng ngày, tạo ra một thế giới ấm áp và chân thật, Evaristo đưa người đọc vào cuộc sống của những nhân vật này, cho đến khi họ dường như đang sống, thở, nói chuyện, tranh cãi và ăn uống cùng với độc giả.

Vài nét về Margaret Atwood

Margaret Atwood sinh ngày 18/11/1939 tại Canada.

Bà là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học, người viết tiểu luận, nhà phát minh, nhà giáo và nhà hoạt động vì môi trường.

Bà từng nhận giải thưởng Man Booker 2000 với tác phẩm The Blind Assassin (Sát thủ mù).

Các tác phẩm nổi bật: Chuyện người tùy nữ (1985), Mắt mèo (1988), Sát thủ mù (2000) … Tiểu thuyết Chuyện người tùy nữ đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập cùng tên, phát hành vào năm 2017.

Người da đen đầu tiên nhận giải

Bernardine Evaristo sinh năm 1959, là một nhà văn người Anh.

Các tác phẩm của bà bao gồm tiểu thuyết ngắn, kịch, thơ, tiểu luận, phê bình văn học, và các dự án cho sân khấu và đài phát thanh.

Hai cuốn sách The Emperor's Babe Hello Mum của bà đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Bernardine Evaristo hiện là Giáo sư tại Đại học Brunel London và Phó chủ tịch Hội Văn học Hoàng gia.

Bà cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên nhận giải thưởng Man Booker 2019.

Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm