Kim Clijsters vô địch đơn nữ Mỹ mở rộng 2009: Chuyện thần tiên ở New York

15/09/2009 10:20 GMT+7 | Tennis

(TT&VH) - Enchanted (Chuyện thần tiên ở New York) là bộ phim ca nhạc của đạo diễn Kevin Lima, được công chiếu năm 2007, kể về một nàng công chúa của thế giới hoạt hình lạc vào thế giới thực. Hai năm sau, cũng tại New York, Kim Clijsters đã viết nên một câu chuyện thần tiên thực sự.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của Kim Clijsters, bạn mới thực sự cảm nhận được hương vị ngọt ngào của chiến thắng. Trở lại với quần vợt chuyên nghiệp sau hơn 2 năm vắng bóng, Kim đã khiến các khán giả cũng như giới chuyên môn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hành trình kỳ diệu của tay vợt người Bỉ được đánh dấu bằng kỳ tích hạ gục cả hai chị em nhà Williams, những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch đơn nữ. Và hôm qua, cô đã hoàn tất câu chuyện cổ tích của mình với chiến thắng 7-5, 6-3 trước tài năng trẻ Wozniacki (9) ở trận chung kết.

Tại sân Arthur Ashe, Kim Clijsters đã có một khởi đầu như mơ khi dẫn trước 2-0 bằng một lối chơi tấn công, dồn ép đối thủ liên tục với những cú điều bóng hiểm hóc sang 2 cánh. Mặc dù vậy, đây là một set đấu không hề êm ả cho Kim khi Wozniacki khao khát chứng tỏ rằng việc cô lọt vào tới chung kết hoàn toàn không nhờ vào may mắn. Tài năng trẻ người Đan Mạch đã thắng liên tiếp 4 game sau đó để dẫn ngược 4-2. Kể cả khi bị gỡ hòa 4-4, Wozniacki vẫn biết cách tạo lợi thế cho mình khi giành break ở game thứ 9 để dẫn 5-4. Song thật đáng tiếc, cô gái 19 tuổi này đã không thể tận dụng lợi thế cầm giao bóng ở game thứ 10. Trái lại, Kim đã tỏa sáng đúng lúc khi giành 2 break trong 3 game còn lại để lội ngược dòng với tỷ số 7-5.

Clijsters là bà mẹ đầu tiên vô địch Grand Slam sau 29 năm
 
Nhìn Kim thi đấu ở Mỹ mở rộng năm nay, không ai nghĩ rằng bà mẹ của bé gái 18 tháng tuổi này lại có thể sung đến thế. Sang set thứ hai, khác biệt về đẳng cấp và kinh nghiệm giữa cô và Wozniacki đã được bộc lộ rõ. Vẫn là những pha tấn công từ cuối sân, nhưng đã được gia cố thêm độ hiểm hóc và khiến Wozniacki phải rơi vào thế bị động hoàn toàn. Kim dẫn trước 5-2 trước khi giành chiến thắng 6-3. Ở set này, dù vẫn đánh hỏng nhiều hơn (14-6), song Kim đã khiến Wozniacki phải tâm phục khẩu phục khi ăn điểm (winner) gấp… 10 lần đối phương (20-2).

Từ một con số 0…

Năm 2005, Kim Clijsters không được đánh giá cao khi tham dự Mỹ mở rộng. Thế nhưng, cô đã giành được Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, sau khi đánh bại đàn chị người Pháp Mary Pierce 6-3, 6-1 ở trận chung kết. 4 năm sau, chiến thắng của Kim còn kỳ diệu hơn vì cô bước vào giải với một con số 0 tròn trĩnh. Trước Mỹ mở rộng, tay vợt này mới thi đấu 2 giải WTA nên không đủ điều kiện để có mặt trên BXH WTA. Khi trao suất đặc cách cho Kim, Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) không ngờ rằng họ đã gián tiếp phá tan giấc mộng của hai tay vợt con cưng nước chủ nhà, Venus và Serena, và giúp Kim lập nên một thành tích vô tiền khoáng hậu.

Không chỉ là tay vợt nhận suất đặc cách (wild-card) đầu tiên trong lịch sử vô địch Mỹ mở rộng, Kim Clijsters còn trở thành bà mẹ đầu tiên sau gần 3 thập kỷ đăng quang ở Grand Slam. Người gần nhất lập được kỳ tích ấy là Evonne Goolagong Cawley ở Wimbledon 1980. Trong trận chung kết vừa qua, bé gái Jada – 18 tháng tuổi, cũng ở trên khán đài cổ vũ cho mẹ, và sau đó được xuống sân để cùng ăn mừng trong thời khắc vinh quang. Hình ảnh đó khiến nhiều người liên tưởng đến Davenport sau khi tái xuất với cậu con trai.

Danh hiệu thứ 35 trong sự nghiệp của Kim đã giúp cô thăng tiến mạnh mẽ trên BXH thế giới. Từ một con số 0 tròn trĩnh, tay vợt người Bỉ này đã lọt vào tốp 20 thế giới (vị trí thứ 19). Và nếu cứ giữ vững phong độ như thế này thì việc trở lại tốp 10 cũng không phải nhiệm vụ khó khăn lắm đối với Kim. Còn đối với Wozniacki, vị trí á quân đã là một thành tích hết sức đáng nhớ, và nó giúp cho tay vợt người Đan Mạch này leo 2 bậc lên vị trí thứ 6 thế giới. Wozniacki mới 19 tuổi và cô còn có cả một tương lai trước mắt.

Án phạt nặng cho Serena

Trước khi Mỹ mở rộng khởi tranh, Serena là ứng cử viên số một cho chức vô địch. Kết thúc giải, cô trở thành nỗi thất vọng lớn nhất, với hành vi phản thể thao ở trận bán kết với Kim Clijsters. LĐQV quốc tế (ITF) đã quyết định phạt Serena 10.500 USD. Mức phạt cao nhất của ITF chỉ là 10.000 USD, nhưng tay vợt này bị phạt thêm 500 USD vì hành vi đập vợt ở cuối set thứ nhất.

Đó là án phạt nặng nhất đối với một tay vợt mắc lỗi hành vi kể từ năm 1990 tới nay. Nhưng điều đáng lo với Serena là cô có thể còn phải nhận án phạt nặng hơn thế. ITF cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra thêm về thái độ “dằn mặt” trọng tài của cô trong trận đấu đó. Tay vợt nước chủ nhà đã không giữ được bình tĩnh khi xỉa xói trọng tài biên sau khi bị phạt lỗi di chuyển chân “Bà không biết tôi là ai à? Tôi muốn tống quả bóng này vào họng bà”. Bất lợi rõ ràng thuộc về Serena vì mọi cử chỉ hành động thiếu kiềm chế của cô đã được thu hết vào băng hình.

ITF vẫn chưa công bố chính thức mức phạt kế tiếp mà Serena có thể phải nhận, song tay vợt người Mỹ này đang đứng trước nguy cơ bị tước toàn bộ số tiền thưởng kiếm được ở giải đấu này, thậm chí có thể bị cấm thi đấu. Theo điều 5 của quy định Grand Slam, thì án phạt như trên có thể áp dụng với “cá nhân nào có hành động phi thể thao một cách trắng trợn và ảnh hưởng đến sự thành công của giải đấu”. Ở giải này, Serena đã kiếm được 455.000 USD tiền thưởng từ hai nội dung đơn và đôi nữ.

Phát biểu về trường hợp này, CEO của WTA, bà Stacey Allaster khẳng định hành vi của Serena là sai trái và thiếu tính chuyên nghiệp. Về phần mình, Serena đã có lời xin lỗi, song vẫn cho rằng trọng tài đã xử ép cô “Giờ là lúc tôi có thể lấy lại bình tĩnh, song tôi vẫn không ý với quyết định của trọng tài biên. Khi đó, trận đấu diễn ra khá căng thẳng, nên tôi đã để cảm xúc lấn át lý trí”.
 
Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm