Trường Sa những ngày tháng Tư

27/04/2013 09:03 GMT+7 | Thế giới

Đến Trường Sa đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng 29/4, chúng tôi thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.

Tháng Tư ở Trường Sa thật đặc biệt, đây là thời điểm những cơn cuồng phong đã lắng dịu, trả lại cho mặt biển một khoảng lặng mênh mông, hiền hòa và dịu êm. Tháng Tư, hoa bàng vuông, hoa phong ba nở trắng trên các đảo nơi trùng khơi bốn bề sóng gió…

Chúng tôi ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng đoàn công tác số 7 của Quân chủng Hải quân. Hơn chục ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ 996, Hải quân Vùng 4 đưa đoàn đến 9 điểm đảo của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà và 2 Nhà giàn DK1/7, DK 1/8 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kẻ ở đất liền, người nơi biển khơi gặp nhau chân tình, cởi mở như những người thân lâu ngày gặp lại.
Đón đoàn ngay tại cầu cảng Trường Sa lớn có thiếu tá Lê Thành Nam, thiếu tá Đại Văn Quân… Bên ấm trà nóng hổi, câu chuyện về những tháng ngày khó khăn cùng chia sẻ từng hớp nước, từng mẩu lương khô khi tham gia xây dựng các công trình dân sinh, quân sự trên đảo cứ ùa về.
Thiếu tá Lê Thành Nam, từng là lính Trung đoàn công binh 131, kể về những ngày đầu bước chân lên các đảo; đó là những tháng, năm ròng những người lính đội nắng, dầm bão, vai rớm máu, tay nứt toác…, rồi cười mãn nguyện khi từng hòn đảo được định hình trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Đến hôm nay, sau ngần ấy năm, những công trình dân sinh và cầu cảng, âu tàu, trạm ra đa, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh… được dựng trên các đảo làm nên một Trường Sa vững vàng, kiêu hãnh trên biển Đông.
Thiếu tá Trần Thanh Phương, sĩ quan hải quân đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn chia sẻ: Tôi là người may mắn khi được đóng góp công sức của mình cho nhiều đảo ở huyện đảo Trường Sa; càng may mắn hơn khi có mặt tại Trường Sa lớn dự lễ kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo và cảm động khi chứng kiến Lễ trao tặng lá cờ Tổ quốc trên Trường Sa lớn năm 2011. Lá cờ Tổ quốc đã cùng các chiến sĩ đoàn tàu không số vượt qua mưa bom, bão đạn đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lá cờ đó hiện đang được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh trên đảo như minh chứng cho tinh thần bất diệt của một Việt Nam anh dũng, kiên cường.

Mỗi tháng Tư về, những người đã từng sống, chiến đấu tại Trường Sa đều mong muốn được trở lại, chứng kiến những đổi thay của trên đảo, thắp nén tâm nhang, nghiêng mình trước anh linh những anh hùng liệt sĩ đã tạo nên “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma năm 1988, những liệt sĩ đã nhường sự sống cho đồng đội, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng trên Nhà giàn DK1 những năm 90.

Huyện đảo Trường Sa đã được xây dựng khang trang hơn, kiên cố hơn nhiều so với trước. Nhiều công trình đa chức năng như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh… được xây dựng phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện cho quân, dân huyện đảo và ngư dân địa phương phát triển kinh tế. Đây cũng là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân từ đất liền tham gia đánh bắt hải sản trong vùng biển đảo Trường Sa. Chương trình xanh hóa cũng tạo cho các đảo ở Trường Sa sự bình yên, thân thiện và gần gũi.

Trong buổi lễ kỷ niệm ngày giải phóng đảo, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Nguyễn Viết Thuân thay mặt cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa hứa với Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước sẽ tiếp tục đoàn kết, xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, để Trường Sa mãi không xa trong lòng mỗi người dân nước Việt.

Tháng Tư ở Trường Sa, giữa biển trời bao la càng làm chúng ta nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử 38 năm về trước. Vang vọng đâu đây tiếng sóng vỗ mạn tầu cùng hình ảnh những con tàu HQ673, HQ674, HQ675…của Hải quân Việt Nam anh hùng đang thừa thắng tiến công, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn trong những ngày cuối tháng Tư năm ấy.

Mỹ Bình - TTXVN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm