Thưởng Tết chênh lệch 3.500 lần

27/12/2011 08:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cứ đến những ngày cuối năm, chuyện thưởng Tết lại nóng lên. Hôm qua, 26/12, các Sở LĐTB&XH địa phương đã chính thức báo cáo tình hình thưởng Tết của các doanh nghiệp. Năm nay mức cao nhất lên tới 700 triệu đồng, gấp 3.500 lần so với mức thấp nhất (200 ngàn đồng).

Cũng như mọi năm, chuyện thưởng Tết như một bức tranh đa sắc màu, đủ cung bậc cảm xúc, pha lẫn buồn vui, có người hoan hỉ nhận hàng trăm triệu đồng, nhưng có người đón Tết với số tiền thưởng vài trăm nghìn đồng.

TP.HCM: Cao nhất 700 triệu

Theo báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH TP.HCM, mức thưởng “kỷ lục” thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho biết: “Nhìn chung, người lao động được thưởng trong dịp Tết 2012 với mức trung bình là 1 tháng lương”.

Kết quả tổng hợp cho thấy, mức thưởng cao nhất rơi vào doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa, kinh doanh địa ốc. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động trong ngành giày da có mức thưởng tương đối thấp.

Nếu tính theo ngành nghề, năm nay ngành may mặc dẫn đầu với mức thưởng cao nhất hơn 77 triệu đồng, tiếp theo là ngành điện - điện tử khoảng 55 triệu, cơ khí 50,1 triệu và cuối cùng là ngành thực phẩm 50 triệu. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất năm 2012 thuộc về một doanh nghiệp FDI với mức 700 triệu đồng/ người và mức thưởng Tết thấp nhất hơn 600 ngàn đồng/ người, mức bình quân chung là 3,89 triệu đồng/ người. Mức thưởng ở dịp Tết Nhâm Thìn trong loại hình doanh nghiệp FDI cũng lên đến 400 triệu đồng/ người và thấp nhất là vào khoảng 2 triệu đồng/ người. Tính bình quân khoảng 3,4 triệu đồng/ người.

Người lao động trông chờ vào tiền thưởng Tết cuối năm để có một cái Tết vui

Sau loại hình doanh nghiệp FDI là loại hình doanh nghiệp có Nhà nước góp vốn có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất lên đến 89 triệu đồng (so với năm 2011 thì tăng 15,58%). Tuy nhiên mức thấp nhất chỉ có 453 ngàn đồng và mức bình quân là khoảng 2,5 triệu đồng/ người. Còn loại hình doanh nghiệp dân doanh, với mức thưởng cao nhất là hơn 88 triệu đồng/ người và mức thấp nhất là 910 ngàn đồng/ người.

Về thưởng Tết Âm lịch của 3 loại hình doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước có mức thưởng cao nhất 356 triệu đồng, dân doanh 135 triệu đồng và 100% vốn Nhà nước là 130 triệu đồng/ người.

Ông Lê Thành Tâm cũng cho biết thêm: Trong số 958 doanh nghiệp ngoài KCX - KCN, thì có 88 doanh nghiệp, chiếm 9,18% đã có những hỗ trợ như: tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu xe… ngoài việc đảm bảo trả thưởng cho người lao động. Thời gian nghỉ Tết từ 10 - 14 ngày và một số doanh nghiệp đã linh hoạt bố trí nghỉ phép năm cho người lao động để có đủ thời gian về thăm gia đình.

Hà Nội: Cao nhất 67,3 triệu đồng

Theo báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất năm 2011 của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 67,3 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, khối doanh nghiệp tư nhân đang có mức thưởng cao nhất là 67,343 triệu đồng/người, thấp nhất là 450 ngàn đồng/người.

Ở khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết giảm so với năm ngoái, mức thưởng bình quân của doanh nghiệp khối này trên 4,2 triệu đồng/người; mức cao nhất gần 60 triệu đồng/người và thấp nhất là 200 ngàn đồng.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng Tết bình quân hơn 3,7 triệu đồng/người, tăng 4,5% so với năm 2010. Mức thưởng cao nhất là trên 22 triệu đồng/người và thấp nhất là 300 ngàn đồng/người.

Mức thưởng Tết của các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp cao nhất trên 67 triệu đồng/người.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố này có hơn 117.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 97.000 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp FDI. Hiện các doanh nghiệp FDI đang áp dụng mức lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, nhìn chung mức thưởng năm nay có giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, từ 1/10, Chính phủ quyết định nâng mức lương tối thiểu lên 2 triệu đồng đối với vùng 1, do vậy, mức lương bình quân của người lao động đã được tăng đáng kể.

Có thể nói, thưởng Tết, không chỉ là nguồn thu nhập cuối năm mà người lao động trông chờ mà nó còn là một mặt phản ánh của hiện thực sản xuất kinh doanh trong nước. Đồng thời, qua đó có thể thấy khoảng cách  về thu nhập và đời sống của những người lao động trong xã hội ngày càng dãn ra. Như mức thưởng Tết năm nay, mức “đỉnh” 700 triệu đồng so với mức “đáy” 200 ngàn đồng, mức chênh lệch lên tới 3.500 lần cũng là điều đáng suy ngẫm.

Anh Đức - Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm