Động đất Nepal (CẬP NHẬT): Sau 6 ngày mắc kẹt, nhiều khách Việt sẽ bay về nước hôm nay

02/05/2015 01:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trừ 12 người chưa thể liên lạc được, đa số người Việt bị kẹt tại Nepal sau trận động đất đã an toàn ở Kathmandu. Nhiều người dự kiến sẽ trở về Việt Nam trong hôm nay.

Cụ thể, ít nhất 35 người đang có mặt tại Kathmandu đã đến khách sạn Hyatt để chờ về Việt Nam bằng máy bay miễn phí do Công ty AIG thuê, dự kiến rời Kathmandu vào sáng 2/5, quá cảnh tại sân bay New Delhi, sau đó bay tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số 35 người này có nhóm của Nguyễn Hà Cẩm Tú, Cao Thị Hồng Nhung, Nguyễn Quốc Huy và Đoàn Ngọc Tiến; nhóm 10 khách hàng của AIG gồm Trần Đức Hùng, Trần Thị Thiên Hương, Trần Thúy Hiền, Lê Đức Bảo, Ngô Xuân Trường, Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Lâm Thắng và Huỳnh Phước Thọ. Riêng chị Nguyễn Hà Cẩm Tú muốn ở lại thêm một ngày để hoàn thành công việc cá nhân và sẽ về Việt Nam ngày 3/5.

 Nhóm 8 người của Quách Thị Linh, Trần Hồng Ngọc, Hiếu Hà Trung, Nguyễn Thị Bích Ly, Đoàn Quỳnh Mai, Hoài Anh, Đoàn Quốc Hưng và Phạm Thị Duyên Mới đã về khách sạn tại Kathmandu an toàn. Quách Thị Linh, Phạm Thị Duyên Mới, Trần Hồng Ngọc, Đoàn Quỳnh Mai và Hoài Anh dự kiến sẽ rời Kathamandu vào tối 2/5; Hiếu Hà Trung dự kiến về Việt Nam 3/5; còn Nguyễn Thị Bích Ly chưa định về ngay.

Nhóm 5 người bị kẹt trên núi Namche (Nam-chê) gồm Nguyễn Thị Minh Châu, Lợi Hồng Thanh, Đoàn Thị Diễm Chi, Nguyễn Đình Tấn Vũ, Lưu Lê Minh Khải đã tới Kathmandu trưa 1/5, sẽ rời Nepal lúc 23 giờ 30' cùng ngày bằng máy bay của hãng Southern China Airlines, dự kiến có mặt tại Việt Nam vào trưa 2/5.

Nhóm 6 người của Phan Vũ Quỳnh Nga, Hoàng Lê Gia, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Việt Công, Đỗ Lê Thư, Hoàng Yến đang an toàn tại Pokhara, sẽ về Kathmandu ngày 2/5 để từ đó về Việt Nam ngày 3/5 theo vé đã đặt sẵn.

Nhóm của Phan Thu Giang (không rõ số người) được gia đình thông báo đã an toàn và đang tìm cách trở về Việt Nam.

Trước đó, các cơ quan chức năng cũng xác nhận có 16 người Việt đã rời Nepal an toàn.

* Sau đây là diễn biến động đất ở Nepal
- Trung tâm cứu trợ khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC) ngày 1/5 thông báo số người chết trong trận động đất mạnh 7,9 độ ríchte hôm 25/4 ở nước này đã tăng lên tới 6.204 người. Trận động đất cũng làm hơn 100 người ở các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc thiệt mạng.
Trong khi đó theo Sở chỉ huy cảnh sát Nepal, thảm họa này còn làm 13.932 người bị thương, 148.329 ngôi nhà bị phá hủy và 136.582 ngôi nhà khác bị hư hại

- Tính tới ngày 30/4, Chính phủ Nepal xác nhận đã có tới 5.844 người chết và 11.175 người bị thương trong thảm họa động đất. Trong khi hoạt động cứu hộ sắp phải kết thúc vì hết hy vọng tìm được người sống sót, thì bất ngờ cứu sống được cậu bé 15 tuổi bị kẹt suốt 5 ngày trong đống đổ nát.

 Con số thương vong trên được Bộ Nội vụ Nepal công bố trên trang mạng Twitter chính thức. Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ngày 25/4 và các dư chấn sau đó đã ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu người dân Nepal.

Cũng trong ngày 30/4, lực lượng cứu hộ động đất tại Nepal đã giải cứu thành công Pema Lama, một thiếu niên 15 tuổi, ra khỏi đống đổ nát của khách sạn Hilton tại thủ đô Kathmandu. Cậu bé bị mắc kẹt trong suốt 5 ngày kể từ khi xảy ra thảm họa động đất nhưng vẫn tỉnh táo tại thời điểm được cứu.

Trước đó họ cũng cứu được một người đàn ông bị kẹt trong đống đổ nát suốt 82 giờ, phải uống nước tiểu của mình để sống.

- Sáng ngày 30/4, các đội cứu hộ tại Nepal đang vật lộn với những trận mưa lớn ở thủ đô Kathmandu để tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau thảm họa động đất kinh hoàng hôm 24/5.

Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết cơ hội tìm thêm người sống sót không nhiều. Hiện số người thiệt mạng đã lên tới gần 5.500 người.

Giám đốc Trung tâm xử lý thiên tai thuộc Bộ Nội vụ Nepal, ông Rameshwor Dandal cho biết mưa lớn khiến máy bay không thể cất cánh tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Theo ông Dandal, các đội cứu hộ nước ngoài đã thông báo công tác cứu hộ sắp kết thúc và ít cơ hội tìm thêm người sống sót.

Trước đó, Thủ tướng Sushil Koirala cho biết số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000 người, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất lịch sử năm 1934.

Người dân tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu ngày 28/4. Ảnh: AFP/TTXVN

- Hôm 29/4, người đứng đầu Cục quản lý thiên tai quốc gia Nepal, Rameshwor Dangal, cho hay số người bị thương trong thảm họa thiên tai này cũng đã lên tới 10.915 người. Ngoài ra, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter này cũng đã phá hủy nhiều ngôi nhà khiến gần 500.000 người dân Nepal phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất". Cùng ngày, Chính phủ Nepal thông báo để quốc tang 3 ngày nhằm tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ động đất tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua tại quốc gia Nam Á này.

Liên hợp quốc (LHQ) cho biết cuộc sống của 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ngày 25/4 tại Nepal và quốc gia Nam Á này cần được cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp từ nước sạch, tới xà phòng và thuốc men.

- Thống kê mới nhất ngày 28/4 của Bộ Nội vụ Nepal cho thấy số người thiệt mạng do động đất ở nước này đã lên tới 4.438 người, trong đó gần 100 người thiệt mạng ở các nước láng giềng, và có tới hơn 8.500 người bị thương.

Tại Thung lũng Kathmandu, hàng nghìn người vẫn đang phải ngủ trên các vỉa hè, công viên và trên các khu đất trống trong thời tiết giá lạnh do lo sợ các khu nhà tiếp tục đổ sập. Hiện có khoảng 21 trại cứu trợ đang được dựng lên tại các khu đất trống xung quanh thủ đô Kathmandu.

Trước đó, Ấn Độ phải cử máy bay không người lái để quan sát hiện trạng ở những khu vực khó tiếp cận, nhằm tìm kiếm những ngôi nhà đổ nát có thể còn người bị kẹt ở bên trong. Như vậy con số thương vong do động đất vẫn còn là một ẩn số.

Theo đánh giá mới nhất của Văn phòng Điều phối viên LHQ, 8 triệu người sinh sống tại 39 khu vực đã bị ảnh hưởng, trong đó có 2 triệu người sinh sống tại 11 khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết việc cung cấp thức ăn và nước uống đang bị giảm dần ở Nepal. Các cửa hàng tạp hoá nhỏ đã mở cửa trở lại ngày 27/4 song các cửa hàng lớn vẫn đóng cửa. Các ngân hàng vẫn chưa hoạt động trở lại, chỉ có các máy rút tiền tự động hoạt động, song không được bổ sung tiền.

- Tối 27/4, Bộ Ngoại giao Nepal xác nhận số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ngày 25/4 đã lên tới 3.815 người và hơn 7.000 người bị thương.

Con số thống kê mới nhất do Bộ Nội vụ Nepal công bố chiều 27/4 cho biết ít nhất 3.726 người đã thiệt mạng, trong đó riêng tại thung lũng Kathmandu là 1.302 người, và 6.515 người bị thương.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 27/4 cho biết khoảng 1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ khẩn cấp sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ngày 25/4 ở Nepal.

Trong một tuyên bố, UNICEF cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tật khi hàng nghìn trẻ em đang phải sống tạm trong những khu đất trống ở thủ đô Kathmandu sau khi nhiều nhà cửa bị phá hủy trong trận động đất. Tổ chức này nêu rõ do khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh hạn chế, trẻ em ở Nepal đang có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong khi rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, không có gia đình. UNICEF đã huy động nhân viên và triển khai 2 máy bay chở 120 tấn hàng cứu trợ, trong đó có thuốc men và các trang thiết bị y tế, chăn màn và lều bạt, đến Nepal.

Chính phủ Nepal cho biết, đến trưa ngày 27/4 đã có 3.218 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương trong trận động đất kinh hoàng ở nước này hai ngày trước đó.

Thông tin trên do Giám đốc Cơ quan Quản lý thiên tai thuộc Bộ Nội vụ Nepal công bố. Trận động đất này cũng đã làm chết 90 người tại các nước láng giềng trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nước trên thế giới đang tăng cường các nỗ lực trợ giúp Nepal khắc phục hậu quả thảm khốc trong thiên tai này. Ngày 26/4, Mỹ thông báo 70 nhân viên cứu trợ Mỹ mang theo 45 tấn hàng hóa, chủ yếu là thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, đang trên đường tới Nepal bằng máy bay vận tải quân sự, dự kiến đến trong ngày 27/4. Ngoài ra, Mỹ đang chuẩn bị và trong vài ngày tới sẽ gửi thêm nguyên vật liệu khẩn cấp phục vụ các cơ sở trú ẩn của người dân Nepal sau thiên tai.

Đội cứu hộ Đức tại sân bay Frankfurt trước khi tới Nepal tham gia các hoạt động tìm kiếm nạn nhân động đất. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cùng ngày cho biết hai máy bay Nga chở đội cứu hộ gồm hơn 90 chuyên gia, cùng thiết bị và hàng hóa cứu trợ đã đến Nepal.
Các nước Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Algeria, Singapore, Israel đều đã cử lực lượng cứu hộ giúp Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất lịch sử. Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Nepal với 60-80 giường bệnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hiện đã sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến Nepal giúp chính phủ nước này đánh giá các tác động của trận động đất đến tình hình kinh tế và xác định các nhu cầu tài chính.

Ủy ban châu Âu ngày 26/4 đã giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu euro (3,25 triệu USD) cho Nepal. Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Justine Greening thông báo Anh đã chi 5 triệu bảng (7,6 triệu USD) hỗ trợ giải quyết hậu quả trận động đất ở Nepal. Các nước Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy cũng đã cam kết viện trợ cho Nepal.

Tính tới tối 26/4,  số nạn nhân thiệt mạng do động đất đã tăng lên 2.152 người và 4.629 người bị thương

Tính tới sáng ngày 26/4, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại Nepal đã lên tới 1.800 người và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, theo thông tin của Reuters

Lúc 23h45, theo thông tin cập nhật trên Abcnews, cảnh sát Nepal cho biết số người chết trong trận động đất đã lên đến 1.457 người.

Đến 22h30,
giờ Việt Nam, cảnh sát Nepal cập nhật số người thiệt mạng do động đất lên hơn 1.130 người, trong đó hơn 630 người thiệt mạng ở thung lũng Kathmandu.

Tính đến 20h30 ngày 25/4 con số thiệt mạng trong trận động đất 7,9 độ Richter ở Nepal đã lên đến 876 người, trong đó có 467 người ở Thung lũng Kathmandu, khu vực đông dân cư nhất nằm dưới dãy núi Himalaya.



Theo Bộ trưởng Nội vụ Nepal Laxmi Dhakal, dựa vào mức độ phá hủy của động đất, số thương vong được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Chỉ trong vòng vài giờ, các bệnh viện ở Nepal đã chật cứng người, chủ yếu tập trung về bệnh viện trung tâm thủ đô Kathmandu.

Trận động đất cũng phá hủy nhiều di tích văn hóa-lịch sử được UNESCO công nhận, chẳng hạn 2 ngôi đền ở Quảng trường Basantapur Durbar và tòa tháp Dharara đều nằm ở trung tâm thủ đô Kathmandu.

Trước đó, Bộ Nội vụ Nepal ngày 25/4 thông báo số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại nước này ngày hôm nay đã lên tới 688 người, trong đó số người thiệt mạng chủ yếu ở Thung lũng Kathmandu.

Đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Nepal trong hơn 80 năm qua. Tất cả các khu vực của Nepal, trừ phần cực Tây, đều có người thiệt mạng, trong đó riêng tại thủ đô Kathmandu số người thiệt mạng đã lên tới 181 người.

Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân sau động đất tại Kathmandu ngày 25/4. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vụ động đất khủng khiếp đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà, nhiều ngôi đền và các công trình kiến trúc cổ ở thủ đô Kathmandu và gây ra lở đất trên núi Everest. Nhà chức trách Nepal thông báo cũng đã tìm thấy thi thể của 8 người leo núi bị thiệt mạng do lở đất ở núi Everest.

Chính quyền Nepal đã huy động toàn bộ binh lính quân đội và cảnh sát để tham gia công tác cứu hộ.

Trận động đất cũng kéo theo nhiều dư chấn làm rung chuyển các nước láng giềng và làm chết ít nhất 20 người tại Ấn Độ, 6 người tại Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc), hai người ở Bangladesh, ngoài ra có 2 công dân Trung Quốc thiệt mạng ở gần biên giới Nepal-Trung Quốc.

Hiện Ấn Độ cam kết sẽ cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ khẩn cấp cho Nepal. Hiện New Delhi đã điều 2 máy bay quân sự tới Nepal để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ.

Chuyển thi thể nạn nhân sau động đất

Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra lúc 6h11' giờ GMT (13h11' giờ Việt Nam), tâm chấn ở độ sâu 15 km, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 81 km về phía Tây Bắc. Ban đầu, trận động đất được cho là có cường độ 7,5 độ Richter, nhưng sau đó USGS nâng lên 7,9 độ Richter. Theo truyền thông địa phương, các rung chấn kéo dài từ 30 giây tới 2 phút và có thể cảm nhận được ở dọc biên giới với Ấn Độ, trong đó có cả thủ đô New Delhi, thậm chí cả ở Malaysia và Bangladesh.

Thân thể của một nạn nhân nằm kẹt trong đống đổ nát ở Kathmandu. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) cho biết trận động đất trên đo được 8,1 độ Richter và chỉ 34 phút sau đó lại xảy ra một trận động đất thứ hai với cường độ 7,0 độ Richter, tâm chấn ở độ sâu 30 km.

Những hình ảnh kinh hoàng về vụ động đất:


Phạm Trúc - Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm