Cantona & Ronaldo: 2 “canh bạc” lãi nhất của Ferguson

04/07/2009 17:01 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Online) – Vụ chuyển nhượng Owen đến sân Old Trafford đang gây ầm ĩ ở làng bóng đá Anh. Nhưng dưới góc nhìn của một HLV dày dạn kinh nghiệm như Alex Ferguson thì ông hẳn sẽ có những lý do để chọn một ngôi sao bị nhiều CLB “chê” để về khoác áo “Quỷ đỏ”.

Trong quá khứ, Sir Alex cũng đã có nhiều vụ chuyển nhượng được xem như “đánh bạc” và có những phi vụ ông đã lãi lớn, trong đó theo đánh giá của tờ Telegraph (Anh) với vụ chuyển nhượng Cantona và Ronaldo về với M.U thì nhà cầm quân người Scotland đã thắng tuyệt đối (được cho điểm 10/10). Nhưng cũng có những vụ chuyển nhượng như việc Klebersonvề M.U năm 2003 thì Ferguson đã thất bại và chỉ được cho điểm 2/10.

Dưới đây là 10 “canh bạc” nổi tiếng của Sir Alex ở M.U trước vụ Owen:

* Eric Cantona (chuyển tới từ Leeds, giá 1,02 triệu bảng, năm 1992)
Xếp hạng mức độ thành công: 10/10
 
Sir Alex vào thời điểm ấy thực sự gây bất ngờ khi mang về nhân vật gây tranh cãi như Cantona. Tuy nhiên, cầu thủ của bản hợp đồng giá rẻ này đã chơi quá tuyệt vời và trở thành một trong những tiền vệ xuất sắc nhất trong lịch sử "Quỷ đỏ".
 
Cantona là thủ lĩnh một thời của "Quỷ đỏ"

* Teddy Sheringham (từ Tottenham, 3,5 triệu bảng, 1997)
Xếp hạng mức độ thành công: 9/10

Khi Ferguson đem anh về sân Old Trafford, tiền đạo của The Spurs đã ở tuổi 30 và Sheringham với kinh nghiệm của mình được chờ đợi sẽ dẫn dắt các cầu thủ trẻ. Nhưng Sheringham còn làm được nhiều hơn thế khi góp phần giúp M.U có được cú ăn ba lịch sử năm 1999 và nổi tiểng nhất vẫn là thành tích đăng quang Champions League.

* Dwight Yorke (từ Aston Villa, 12, 6 triệu bảng, 1998)
Xếp hạng mức độ thành công: 7/10

Ferguson đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của M.U để mang về Old Trafford tiền đạo của Aston Villa năm 1998. Nhưng Yorke đã hợp với Andy Cole thành cặp “sát thủ” ghi bàn “mắn” nhất của “Quỷ đỏ”

* Ruud van Nistelrooy (từ PSV, 19 triệu bảng, 2001)
Xếp hạng mức độ thành công: 8/10

3 năm sau vụ Dwight Yorke, một hợp đồng kỷ lục nữa được M.U ra tay khi Sir Alex chấm van Nistelrooy. Về Manchester, van Nistelrooy thể hiện hiệu suất ghi bàn đáng nể với 95 bàn thắng trong 150 trận đấu anh khoác áo “Quỷ đỏ” 5 năm ở Old Trafford.

* Juan Sebastian Veron (từ Lazio, 28, 1 triệu bảng, 2001)
Xếp hạng mức độ thành công: 4/10

Đây được xem là bản hợp đồng “hớ” nhất của Ferguson. Dù M.U tốn số tiền kỷ lục lúc ấy của CLB để mang về tiền vệ người Argentina nhưng Veron thất bại trong việc thể hiện được vai trò của anh ở Old Trafford và bị bán sang Chelsea hơn 2 năm sau đó.

* Rio Ferdinand (từ Leeds, 30 triệu bảng, 2002)
Xếp hạng mức độ thành công: 9/10

Trong 2 năm liên tiếp, Ferguson lập nên những kỷ lục chuyển nhượng mới ở giải ngoại hạng Anh khi năm 2002 ông lấy về cầu thủ của Leeds với mức giá đắt giá nhất thế giới lúc ấy của một hậu vệ. Tuy nhiên, Ferdinand đã tỏa sáng để trở thành một trong những trung vệ xuất sắc ở Premier League.

* Kleberson (từ A Paranaense, 6 triệu bảng, 2003)
Xếp hạng mức độ thành công: 2/10

Gây ấn tượng với màn trình diễn cùng ĐT Brazil năm 2002, nhưng khi về M.U thì Kleberson đã mất hút và trở nên lạ lẫm ở vị trí được chọn thay thế Roy Keane.

* Cristiano Ronaldo (từ Sporting Lisbon, 12, 6 triệu bảng, 2003)
Xếp hạng mức độ thành công: 10/10

Lúc này nhìn lại chuyện CR7 sang M.U thì số tiền chuyển nhượng của anh thật nhỏ nhoi, nhưng với một cầu thủ còn “búng ra sữa” thời điểm ấy và chỉ được chú ý qua một trận giao hữu thì mức giá để có Ronaldo vẫn là cao. Nhưng CR7 đã chứng minh anh đáng giá nhiều hơn thế.
 
Ronaldo đã có quãng thời gian thăng hoa ở M.U

* Wayne Rooney (từ Everton, 25, 6 triệu bảng , 2004)
Xếp hạng mức độ thành công: 9/10

Chuyện Rooney đến M.U cũng đã gây xôn xao vào năm 2004 với mức tiền lớn Ferguson chi cho một cầu thủ trẻ. Nhưng hat-trick của Rooney trong trận đầu khoác áo Quỷ đỏ gặp Fenerbahce đã điềm báo tốt lành cho tương lai của anh ở Old Trafford.

* Henrik Larsson (từ Helsingborgs, đến theo diện cho mượn, 2007)
Xếp hạng mức độ thành công: 6/10

Thật khó để xếp bản hợp đồng cho mượn trong 2 tháng của Henrik Larsson ở sân Old Trafford như là sự rủi ro. Larsson cũng đã có những đóng góp nhất định với Quỷ đỏ trong thời gian ít ỏi thi đấu ở M.U.

D.A (Theo Telegraph)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm