13/10/2021 19:16 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Facebook - nền tảng mạng xã hội mang tính đột phá - đi vào hoạt động từ ngày 2/4/2004. Sau 17 năm liên tục phát triển, Facebook đã trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nhưng song song với đó, những rắc rối mà công ty này vướng phải không ít.
Giới chuyên gia nhận định nếu như các vụ bê bối lớn trước đây của Facebook hầu như không làm suy giảm “sự thống trị” của nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này, thì lần này, “gã khổng lồ” công nghệ có lẽ đã chạm đến “lằn ranh đỏ”.
Khủng hoảng một lần nữa "gọi tên" Facebook vào ngày 4/10 vừa qua khi mạng xã hội này và các ứng dụng "cùng một nhà" bị ngắt kết nối trên toàn cầu trong 6 giờ. Chỉ 4 ngày sau đó, Facebook tiếp tục gặp sự cố sập mạng gây gián đoạn một số dịch vụ chủ chốt trên quy mô tương tự trong 2 giờ. Những sự cố này ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng, do các dịch vụ của Facebook rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới, trong khi tài khoản Facebook cũng thường được người dùng sử dụng để đăng nhập các trang web khác.
Giữa lúc xảy ra những trục trặc kỹ thuật trên, cựu giám đốc của Facebook - bà Frances Haugen đã tố cáo trước Quốc hội Mỹ rằng "người khổng lồ" trong lĩnh vực truyền thông xã hội này đang gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em và cần có những quy định chỉnh đốn khẩn cấp. Bà Frances Haugen tới Đồi Capitol để làm chứng sau khi bà cung cấp những thông tin về các nghiên cứu nội bộ của Facebook cho nhà chức trách Mỹ và cuộc điều tra của báo The Wall Street Journal.
Bà Haugen nhấn mạnh quyền lực của mạng xã hội này đang đan chặt vào cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người dùng trên thế giới. Bà cũng lưu ý rằng nền tảng mạng xã hội này đang thúc đẩy nhiều nguy cơ như chứng rối loạn ăn uống, sự xấu hổ về cơ thể và không hài lòng về bản thân. Theo bà, đây là những vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Bà nêu rõ: "Ban lãnh đạo của công ty biết cách tạo ra môi trường Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng họ không thực hiện những điều chỉnh cần thiết, do họ đặt lợi nhuận của công ty lên trước lợi ích của người dùng".
Theo bà Haugen, Facebook đã che giấu sự sụt giảm lượng người dùng trẻ tuổi ở Mỹ. Bà tiết lộ những báo cáo nội bộ của công ty nhận định sự sụt giảm mức độ tương tác của thanh thiếu niên có thể dẫn đến sự sụt giảm tổng thể về người dùng tại Mỹ tới 45% trong vòng 2 năm tới. Trong khi đó, các nhà đầu tư lâu nay chịu cảnh mập mờ về thông tin do Facebook cố tránh mọi hành động có thể dẫn tới sụt giảm lợi nhuận.
Những lời buộc tội của bà Haugen khiến không ít người đặt câu hỏi: phải chăng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu Facebook "đứt mạch" vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trên thực tế, những chê bai, chỉ trích đối với Facebook chỉ là những ý kiến rời rạc. Các chính trị gia cho đến nay vẫn bế tắc trong các nỗ lực tìm giải pháp phối hợp nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua cổ phiếu của Facebook, bất chấp những diễn biến xấu đang xảy ra. Một số báo cáo thậm chí còn cho thấy Instagram - ứng dụng chia sẻ hình ảnh của Facebook - mặc dù đã khiến 1/5 thanh thiếu niên Mỹ cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân, song có thể giúp số người tự tin hơn với chính mình tăng lên gấp đôi.
Đáp lại những lời tố cáo của bà Haugen, bà Lena Pietsch - Giám đốc phụ trách chính sách truyền thông của Facebook nêu rõ: "Bà Haugen là một cựu giám đốc sản phẩm, làm việc tại công ty chưa tới 2 năm, không có những báo cáo trực tiếp, chưa từng tham dự các cuộc họp của giám đốc điều hành cấp C. Chúng tôi không đồng ý với những luận điểm của bà ấy về những vấn đề mà bà làm chứng".
Trong khi đó, Mark Zuckerberg - nhà đồng sáng lập Facebook - khẳng định Facebook sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu tác động xã hội của nền tảng này. Ông cũng cho rằng Quốc hội Mỹ cần cập nhật các quy tắc để làm rõ độ tuổi hợp pháp để thanh thiếu niên sử dụng dịch vụ internet, cách thức để xác minh tuổi người dùng và giải pháp "cân bằng quyền riêng tư của thanh thiếu niên trong khi vẫn cung cấp cho phụ huynh khả năng giám sát các hoạt động của con em họ", thay vì "phó mặc" cho các nền tảng trực tuyến. Zuckerberg nhấn mạnh YouTube cũng gặp vấn đề tương tự chứ không riêng Facebook.
Mặc dù giá cổ phiếu của Facebook có phần sụt giảm so với một số "gã khổng lồ" công nghệ sau những lùm xùm gây tranh cãi, nhưng vẫn tăng gần 30% trong 12 tháng qua. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Facebook là một công ty độc quyền dựa trên việc xác định thị trường của mình để loại trừ hầu hết các mạng xã hội khác, song cáo buộc này được cho là đã thể hiện sự vô lý khi người dùng vẫn có thể thoải mái trên các ứng dụng khác như Telegram, TikTok và Twitter khi Facebook và các ứng dụng liên quan gặp sự cố.
Trong quan điểm của nhiều người, Facebook đang trên đường gia nhập hàng ngũ các doanh nghiệp "không thể chạm tới", như các công ty thuốc lá lớn trên thế giới.
Theo nhà báo điều tra Carole Cadwalladr của Guardian (báo Anh) - người từng phanh phui vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica (liên quan Facebook) lên truyền thông năm 2018 - Facebook giờ đây sẽ gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Mạng xã hội này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về luật pháp và quy định. So với năm 2018, Facebook không còn giữ được vị thế độc tôn, lại đang lâm vào tình trạng bị chính nhân viên nghi ngờ, số lượng người dùng trẻ giảm sút.
Bên cạnh đó, điểm khác của Facebook 2021 so với 2018 là những người như Haugen được ủng hộ mạnh mẽ. Ngành công nghệ đang chào đón và hậu thuẫn những người đứng ra tố cáo khuất tất của các công ty hàng đầu. Các nghị sĩ Mỹ ngày nay cũng am hiểu công nghệ hơn cách đây 3 năm, bằng chứng là cách họ đặt câu hỏi cho bà Haugen tại phiên điều trần ngày 5/10 chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với những phiên điều trần trước đó.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất