Vụ Cesc Fabregas: Đằng sau giọt nước mắt

06/08/2010 11:58 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Hình ảnh Cesc Fabregas khóc sướt mướt trong lễ tôn vinh dành cho anh tổ chức ở thị trấn Vilassar de Mar tiếp tục là đề tài được đem ra bàn tán từ Barcelona cho tới London. Cesc lấy tay gạt nước mắt vì thấy mình rơi vào một tình huống quá khó xử khi thân xác thì vẫn ở Arsenal nhưng phần hồn đã đến “tái định cư” tại Barcelona mất rồi…

Câu hỏi đặt ra: liệu Cesc có rơi lệ như thế khi rời La Masia để đến đầu quân cho Arsenal ở tuổi 16? Có lẽ là không. Khi ấy tương lai đang mở ra trước mắt anh, một tiền đồ quá xán lạn tại CLB đang ở đỉnh cao phong độ với những siêu sao như Dennis Bergkamp, Pattrick Vieira hay Thierry Henry. Khi ấy, Arsene Wenger đã hứa hẹn những điều mà Barcelona không thể mang lại cho anh: một bản hợp đồng chuyên nghiệp và một suất trong đội hình chính. Chung quy cũng vì 2 chữ lợi, danh , điều mà bất kỳ người đàn ông nào cũng hướng đến. Thế là Cesc rời xa mái nhà thân thương năm 16 tuổi.


Cuối cùng thì Fabregas vẫn ở lại Arsenal, Ảnh Getty
Sự nghiệp của Cesc đã phất lên rất nhanh sau ngày ấy. Ở tuổi 16, Cesc đã có cơ hội thi đấu tại Premier League. Ở tuổi 18 Cesc đã là cầu thủ chính và ở tuổi 21 anh đã có vinh dự đeo băng thủ quân. Trong những ngày tháng thần tiên ấy, Cesc ngợi ca Arsenal là mái nhà thật sự, gọi Arsene Wenger là người cha thứ 2, người quan trọng nhất trong đời chỉ sau bố ruột.

Thế nhưng cũng chính trong 7 năm ấy, Cesc đã chứng kiến biết bao đổi thay ở CLB mà anh khoác áo. Những ngôi sao lớn tuổi lần lượt ra đi, tuổi đời bình quân của CLB ngày cảm giảm xuống và cơ hội vô địch Premier League và Champions League ngày càng trở nên mông lung. Cesc cũng đã đủ lớn khôn để hiểu rằng có những thứ dù muốn cách mấy, dù cố cách mấy cũng không có được.

Thế là trong những lần tạm xa London để trở về đội tuyển, Cesc thấy một thực tế (phũ phàng): CLB mà anh rời xa ngày xưa là Barca ngày một mạnh lên. Cầu thủ của họ tràn ngập đội tuyển, lối đá của họ thống trị châu Âu và thế giới. Chức vô địch Euro 2008 và World Cup 2010 càng làm cho chàng trai “nhớ nhà” hơn nữa. Anh mong một ngày nào đó sẽ được tập với Carles Puyol, Andres Iniesta, Xavi hàng ngày, thi đấu hàng tuần chứ không còn phải mòn mỏi chờ đến ngày tập trung đội tuyển nữa. Trận đấu giữa Arsenal và Barca tại Champions League như một chiếc gạch nối giữa số phận mà ở đó, Cesc thấy rõ là còn lâu Arsenal mới vươn đến tầm của Barca hiện tại. Một đội bóng thêu hoa dệt gấm tại nước Anh lại đá như một kẻ học việc trước bậc thầy của lối đá tiqui-taca chính hiệu. Ngay từ ngày ấy, trái tim của Cesc đã đập theo nhịp điệu của một cule hơn là một Pháo thủ.

Trước World Cup, Cesc đề nghị được ra đi, Wenger từ chối. Trong World Cup, anh bày tỏ với các đồng đội tấc lòng được trở về của mình đến nỗi các cầu thủ Barca đã mở hẳn một diễn đàn về Cesc. Từ sau World Cup đến nay, không ngày nào mà một thành viên Barca không lên tiếng kêu gọi Cesc trở lại, kêu gọi Arsenal hãy buông tha cho Cesc khi trái tim anh không còn muốn ở lại. Thủ quân Puyol thậm chí còn mắng cả Wenger, Xavi còn cao ngạo tuyên bố: “Thôi, cho Arsenal mượn Cesc thêm một năm nữa vậy”. Về phần mình, Cesc gọi Puyol là người anh trai, Messi là thiên tài và Pique là người chọc cho anh cười mãi không thôi. Cesc nhớ nhà đến vậy ư, đến mức phải bật khóc ư? E là không phải, hoặc không đủ.

Bảy năm qua, thời thế đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Barca của những năm núp bóng galacticos dần dần mạnh lên nhờ được “mùa La Masia”, vị Luật sư non choẹt Joan Laporta ngày nào giờ đã trở thành Chủ tịch vĩ đại nhất nhì trong lịch sử CLB, trong khi Barca trở thành hình mẫu của bóng đá thế giới. Bóng đá Anh dần đánh mất vị thế thống trị, Arsenal của Wenger tiếp tục loay hoay với bài toán trẻ hóa và chấn thương. Thế là đột nhiên Cesc muốn về nhà. Chuyện đời đâu dễ vậy được.

Ngày ra đi, liệu anh có nghĩ đến chuyện quay về? Hay khi ấy anh chỉ nghĩ ở Barca mình chẳng có tương lai khi mà Xavi đang phát triển không ngừng, Iniesta đã bộc lộ tiềm năng và hàng loạt tiền vệ nước ngoài khác? Lúc ấy tình cảm dành cho La Masia và bạn bè đồng trang lứa ở đâu? Lionel Messi đâu có đòi hỏi được đá chính ngay, anh nhẫn nhịn chờ cơ hội và rốt cục nó đã đến. Bojan Krkic nổi lên như hiện tượng ở tuổi 17 và chấp nhận ngồi dự bị sau đó, Sergio Busquets và Pedro Rodriguez đến tuổi 21 mới bắt đầu định danh. Họ không nôn nóng và xứng đáng với phần thưởng của mình.

Còn Cesc, không ai buộc anh rời La Masia ở tuổi 16, cũng chẳng ai buộc anh ký một hợp đồng dài hơi để rồi bây giờ phải hối tiếc. Nhìn sang Liverpool, Fernando Torres quyết ở lại dù khả năng thành công của Liverpool còn mong manh hơn Arsenal. Torres thậm chí đã rất cảm động khi tân HLV Roy Hodgson đến thăm khi anh còn đang nghỉ hè. Về sự chuyên nghiệp và tấm lòng sắt son, Cesc thua xa Torres. Về sự kiên trì và lòng trung thành, anh cũng thua xa các đồng đội Barca. Và giờ đây, Cesc đứng giữa 2 dòng nước mà đi hay ở lại cũng đều có chỗ bất tiện…

Thu Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm