Thế giới F1: Đua xe quanh điện Buckingham

07/07/2012 06:52 GMT+7 | Tốc độ

(TT&VH Cuối tuần) - Người Anh luôn tự hào về cung điện Buckingham, biểu tượng của quyền lực và sự xa hoa, tự hào về những điều mà thế giới không có nhưng họ thì làm được. Một kế hoạch đầy tham vọng đang được thực hiện, và nếu thành công thì nó sẽ trở thành niềm tự hào mới của người dân đảo quốc sương mù: mang F1 đến thủ đô London trong tương lai gần, với những vòng đua quanh cung điện Buckingham. 



Cảnh tượng những chiếc xe F1 tranh tài dưới chân tháp Big Ben

sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai gần?

Giấc mơ của London

Những ngày cuối tháng Sáu, London đang cực kỳ sôi động với những cuộc tranh tài đỉnh cao Wimbledon, giải Grand Slam danh giá và quyền quý. Từ những trận tennis mà Hoàng gia bảo trợ, cùng với một loạt kế hoạch đang gấp rút thực hiện để kịp hoàn tất cho Thế vận hội 2012 khai mạc ngày 27/7, người London đang nuôi tham vọng về một chặng đua Formula One được tổ chức ngay giữa trung tâm thủ đô nước Anh, trên những con phố mà mỗi ngày họ vẫn đạp xe hay đi bộ.

Ý tưởng trên đã manh nha từ khá lâu, nhưng chỉ được công bố chính thức hôm 28/6 vừa qua. Một trong những nhân vật xây dựng kế hoạch về Grand Prix London là tỷ phú Bernie Ecclestone. Là một người sinh ra ở Suffolk, đô thị nằm bên bờ biển Bắc, Ecclestone vẫn luôn xem London là quê hương thứ hai của ông và muốn làm những điều đặc biệt cho nó vào giai đoạn cuối cuộc đời.

Hiện tại, Ecclestone đang bị Tòa án Hockenheim (Đức) điều tra về những cáo buộc tham nhũng từ nhiều năm trước. Mới đây, Gerhard Gribkowsky, một cựu quan chức ngân hàng và là người làm việc trực tiếp với Ecclestone về vấn đề mua bán cổ phần F1, đã bị kết án tám năm tù do nhận hối lộ. Bất chấp những rắc rối với pháp luật, vị tỷ phú 81 tuổi này vẫn tuyên bố mình trong sạch và tiến hành kế hoạch biến London thành một phần trong thế giới F1 hái ra tiền.

Để giành được giấy phép tổ chức một cuộc đua F1 từ phía Liên đoàn xe hơi quốc tế (FIA), các quốc gia sẽ phải xếp hàng dài chờ đợi, đồng thời chi ra một khoản phí lên đến trên 30 triệu bảng (nói nôm na là mua một chặng đua). Với tầm ảnh hưởng của Ecclestone, hiện đang là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Formula One Management và Formula One Administration, người London tự tin nghĩ về cơ hội chạy đua giấy phép so với các đối thủ khác. Ngoài ra, bản thân Ecclestone cũng hứa góp tiền để tiến hành kế hoạch. Với sự giúp đỡ về mặt kinh tế của Ecclestone, London đã công bố sẽ cung cấp 35 triệu bảng để đạt được giấc mơ.

Đua xe quanh Buckingham

Từ lâu, người Anh nói chung và dân thủ đô London nói riêng có phần ghen tị với đường đua Monaco, nơi đầu tiên trên thế giới mà cuộc đua F1 tranh tài ngay trên đường phố. Nói đến Monaco, người ta dễ dàng liên tưởng đến sự xa hoa của một thiên đường du lịch. Monaco cũng mặc nhiên được xem là đường đua gianh giá và giàu truyền thống nhất trong thế giới F1, và có rất nhiều ngoại lệ dành cho nó.

Nếu kế hoạch về Grand Prix London sớm được thông qua, sẽ có thêm một đường đua mới ngay trên các tuyến phố sinh hoạt thường ngày. Khi ấy, đường đua London chắc chắn sẽ làm lu mờ hàng xóm Monaco, bởi các giá trị lịch sử của thủ đô nước Anh. Theo kế hoạch, cuộc đua được bắt đầu trên phố The Mall, đi quanh khu công viên chính và một đoạn tăng tốc cuối cùng nằm dọc bên bờ sông Thames. Sẽ có khoảng 59 vòng đua, và trung bình mỗi vòng được các tay đua hoàn tất trong khoảng 94 giây.

Như vậy, đường đua sẽ bao bọc hết những địa danh quan trọng tại London, như quảng trường Trafalgar, tòa nhà quốc hội, tượng đài Nelson. Một điều đặc biệt hơn, những tay đua sẽ có cơ hội để tranh tài ngay phía trước cung điện Buckingham. Với người Anh, Buckingham là niềm tự hào, là biểu tượng của quyền quý và danh vọng. Sir Stirling Moss, cựu tay đua F1 người London, cho biết: “Chỉ cần nghĩ đến thôi, bạn đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ và những điều đặc biệt của cuộc đua”.

Trở ngại lớn nhất của tham vọng về Grand Prix London đến từ một số quan chức chính phủ. Cụ thể, một số thành viên Đảng Xanh lên tiếng phản đối cuộc đua ngay giữa trung tâm London. “Trong hoàn cảnh mà chúng ta cắt giảm khí thải, hạn chế sử dụng nhiên liệu, đồng thời khuyến khích đi bộ và xe đạp, thì cuộc đua kiểu này là thứ không thể chấp nhận được. Đó là một ý tưởng khủng khiếp”, Darren Johnson, thành viên Đảng Xanh, đưa ra quan điểm của mình.

Tuy vậy, ý kiến của Đảng Xanh chỉ mang tính thiểu số. Phần lớn những cơ quan lớn tại London đều đồng tình với ý tưởng xây dựng một cuộc đua F1. Bởi vì những gì nó mang lại là rất lớn. Từ bản quyền truyền hình, với hàng chục triệu người xem trực tiếp trên thế giới, cho đến doanh thu quảng cáo từ những tập đoàn kinh tế khổng lồ. Doanh thu từ bán vé, với khu khán đài chính chứa khoảng 120.000 người, cũng là rất đáng kể. Một nguồn thu lớn hơn cả đến từ du lịch. Chỉ trong ba ngày diễn ra cuộc đua, London sẽ kiếm được doanh thu không dưới 100 triệu bảng từ du lịch. Cung điện Buckingham luôn hấp dẫn, F1 vốn cũng đầy quyến rũ, nên sự kết hợp quả thực rất đáng chờ đợi.

“Đó là một vận may lớn dành cho thủ đô”, Giám đốc Marketing của brandRapport, Nigel Currie, chia sẻ. “Hy vọng chúng ta sẽ sớm được thấy hành trình của F1 trên đường phố London”.

Grand Prix Anh: Sức nóng của cuộc đua

Mùa giải 2012 đã thực sự nóng lên kể từ sau Grand Prix châu Âu cách nay hai tuần. Đường đua Valencia đánh dấu chiến thắng lần thứ hai trong mùa giải của Fernando Alonso, khép lại giai đoạn khởi đầu đầy lạ kỳ (sáu chặng đầu là sáu người về nhất, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử F1). Chặng ấy, đã có những vấn đề nhất định làm lợi cho Alonso. Đương kim vô địch Sebastian Vettel phải bỏ cuộc vì xe hỏng khi đang độc chiếm ngôi đầu. Tay đua người Đức đã chỉ trích sự can thiệp của xe an toàn sau một cú tai nạn là nguyên nhân khiến anh thất bại. Lewis Hamilton thì bị Alonso qua mặt do lỗi ngớ ngẩn của đội ngũ kỹ thuật. Chiến thắng tại Valencia giúp Alonso vươn lên đầu bảng xếp hạng cá nhân. Ở phía sau, Mark Webber, Hamilton và Vettel đang bám sát nhau. Những xáo trộn lớn hoàn toàn có thể xảy ra, khi cuối tuần này các tay đua bước vào cuộc tranh tài trên đường Silverstone. Trong hơn một thập niên trở lại đây, chưa có tay đua nào bảo vệ thành công chiến thắng ở Silverstone, nên cuộc đua hứa hẹn sẽ đầy bất ngờ (mùa trước, Alonso là người về nhất). Silverstone được xem là một trong những đường đua truyền thống của F1, và luôn trải qua quá trình thay đổi khác nhau về cấu hình (không dưới 10 lần).

Thông tin Grand Prix Anh

Đường đua: Silverstone

Chiều dài: 5.891 km

Số khúc cua: 18

Số vòng đua: 52

Kỷ lục thắng: Jim Clark và Alain Prost (cùng 5 lần).

Kỷ lục vòng: Fernando Alonso - 1’30’’874 (2010)

Lịch thi đấu (giờ Hà Nội)

Phân hạng: 19h00 thứ Bảy 7/7

Đua chính thức: 19h00 Chủ nhật 8/7

Trực tiếp trên ESPN


Kim Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm