Thư Kiev: Đến ranh giới giữa Đông và Tây

05/06/2012 07:48 GMT+7 | Hậu trường Euro

(TT&VH Online) - Bài viết đầu tiên của đặc phái viên Anh Ngọc từ Kiev, nơi anh vừa đặt chân đến cùng một nhóm phóng viên của TTXVN, mở đầu cho chuyên mục đặc biệt về EURO của TT&VH trong dịp này.

Sau hai năm kể từ World Cup Nam Phi 2010, tôi lại bay, và ơn trời, đến một vùng đất mới mẻ mà trước nay chân tôi chưa đặt đến. Đông Âu và đặc biệt là những kí ức liên quan đến Chiến tranh lạnh cũng như cái gọi là "Bức màn sắt" hay "Bức tường Berlin" đã luôn là một nỗi ám ảnh thường trực từ hơn 20 năm trước, khi những đứa trẻ là thế hệ chúng tôi lớn lên chưa kịp hiểu nhiều về cuộc chiến ấy thì đã phải biết đến nó chủ yếu qua hoài niệm và kí ức của những người đi trước. 



Con đường dẫn đến sân vận động Olimpic, nơi diễn ra trận chung kết

Nam Phi cho chuyến đi 2 năm trước là trải nghiệm khác về một chế độ đã sụp đổ trước sức mạnh của tiến bộ và lương tri loài người, nhưng những hoài niệm không tồn tại, vì thực tế cho thấy, bất chấp việc người ta đã đập bỏ những viên gạch của bức tường apartheid và tạo ra một chế độ khác thì nền móng của nó, theo một cách nào đó, vẫn tồn tại, thông qua sự cách biệt giàu nghèo quá lớn giữa màu da trắng và những màu da còn lại. Tôi đã nhìn thấy điều ấy, đã cảm nhận được nó, thậm chí có cảm giác là ngửi được nó khi đến những khu cùng đinh da đen ở Johannesburg và ngoại ô Cape Town. Nhưng ở Ba Lan và Ukraina, những nơi đã từng một thời rất dài gắn liền với bao năm tháng tột cùng căng thẳng giữa những đối đầu ấy, kí ức có còn là một nỗi ám ảnh?

Câu trả lời: Ở Ukraina, kí ức ấy ám ảnh. Đất nước có diện tích lớn thứ hai ở châu Âu từ hai thập kỉ nay sau khi Liên Xô tan rã đã trở thành miếng mồi giành giật ảnh hưởng và lợi ích giữa Đông và Tây, giữa nước Nga đã từng một thời giữ một vai trò then chốt trong lịch sử của nó và các nước Phương Tây chưa bao giờ ngưng tham vọng chĩa một mũi dao vào sườn Moskva. Không có "Bức màn sắt" nào tồn tại ngăn cách hai thế giới như thời Chiến tranh Lạnh.

Bức tường Berlin đã sụp đổ từ năm 1989. Tên lửa chiến lược đã thôi chĩa vào nhau (nhưng NATO mới đây đã muốn đặt chúng ở Ba Lan...). Nhưng một cuộc chiến tranh Lạnh khác vẫn đang diễn ra theo nhiều dạng thức, đẩy Ukraina vào tình trạng bất ổn nhiều năm. Những bất ổn ấy bây giờ vẫn chưa dứt, và việc một số nước Phương Tây ủng hộ cựu thủ tướng Tymoschenko thân họ bằng cách tuyên bố đòi tẩy chay EURO là hệ quả mới nhất của cuộc chiến dai dẳng và đầy căng thẳng ấy.

EURO 2012 diễn ra trong bối cảnh ấy và hẳn Ukraina, đất nước coi bóng đá là một niềm tự hào dân tộc lớn lao, với biểu tượng là Dynamo Kiev, đội bóng giành nhiều danh hiệu quốc tế nhất trong các nước Đông Âu, sẽ lấy làm buồn khi là đồng đăng cai giải nhưng chỉ có 3/16 đội đóng quân ở nước họ. Hầu hết đã đặt đại bản doanh ở Ba Lan, dù nhiều trong số họ vẫn thi đấu ở Ukraina. Bên cạnh việc kêu ca về giá cả ở Ukraina quá đắt đỏ và cơ sở hạ tầng yếu kém, đấy là một tín hiệu bằng bóng đá của Phương Tây đối với Kiev? Ba Lan đã ngả về thế giới ấy, còn Ukraina thì chưa, khi bị kẹp giữa hai thế giới mà họ là biên giới tự nhiên, chính trị và xã hội của Đông và Tây, Chính thống giáo và Thiên chúa giáo.

Ukraina đã như thế trong quá khứ, đã từng bị xâu xé và chịu tác động của nhiều thế lực khác nhau trong hơn một nghìn năm. Chúng ta đã đến với Ukraina qua những trang sách về Taras Bulba của Gogol, đã cám ơn Solokhov để hiểu sông Don chưa bao giờ êm đềm, đã mê đắm những người lính Cosack qua những trang sách của văn học Nga, đã yêu bóng đá Xô viết chính là bởi có những người như Lobanovski và Dynamo Kiev, đã có nhiều thế hệ người học tập, lao động và sinh sống ở đây, tạo một mối liên hệ hữu cơ và tình Crm giữa chúng ta và họ.

Bây giờ, đã đặt chân đến đây, hít thở bầu không khí ở Kiev, chứng kiến một thành phố mà những hình bóng của thời đại Xô viết vẫn còn tồn tại, đọc lại những dòng tin về những cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, mới hiểu được tại sao bóng đá bỗng trở thành cứu cánh lớn lao cho cả một dân tộc đang đi tìm chính mình. EURO 2012 được Kiev coi là một cơ hội đẹp đẽ nhất để hướng ra thế giới và làm lung linh hơn hình ảnh của mình sau một quá khứ đầy rắc rối nhưng vinh quang.

Thế mới hiểu, trách nhiệm của những tuyển thủ Ukraina mà Andriy Shevchenko là thủ lĩnh không đơn giản chút nào. Anh cũng chỉ là hình ảnh của một quá khứ vàng son của bóng đá Kiev, Ukraina và của chính anh, nhưng anh không hề bị giằng xé giữa Đông và Tây như chính đất nước anh. Anh và các đồng đội chiến đấu vì đất mẹ, theo đúng phong cách Ukraina anh hùng.

Hôm nay, đứng dưới tượng Mẹ tổ quốc sừng sững bên con sông Dniepr chảy qua thành phố, biểu tượng nhằm luôn khắc ghi trong lòng người đang sống về những người đã ngã xuống để có đất nước này, lắng tai nghe một thứ tiếng gần giống tiếng Nga bên tai và hoài nhớ những năm tháng quá khứ để nghĩ về hiện tại, chợt nhớ đến những vần thơ của một Shevchenko khác, Taras Shevchenko, thi sĩ vĩ đại nhất Ukraina để hiểu được lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của họ:

"Khi tôi chết xin hãy chôn

Trên đất Ukraina yêu thương

Xin hãy đào mộ

Giữa thảo nguyên rộng mênh mông

Để tôi được nằm giữa đồi mộ cổ

Bên trên con sông

Để được nghe tiếng gầm réo

Của sông Dniepr chuyển dòng"...

Anh Ngọc (từ Kiev)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm