Đằng sau thành công của tuyển Đức: “Gián điệp” trong phòng kín

26/06/2012 14:44 GMT+7 | Hậu trường Euro

(TT&VH) -  Một trong những cánh tay đắc lực của HLV đội tuyển Đức, ông Joachim Loew, chính là đội ngũ phân tích đối thủ đặt trụ sở tại Đại học Thể thao Đức (Cologne).

Mới đây, phóng viên của trang DW đã tới thăm trụ sở của đội ngũ phân tích, nằm trong một văn phòng nhỏ tại Đại học Thể thao Đức ở Cologne. Trong căn phòng này có một loạt màn hình máy tính chiếu các trận đấu tại EURO 2012. Một nhóm sinh viên đang ngồi cặm cụi ghi chép các diễn biến và số liệu của mỗi trận trong bầu không khí rất tập trung. Thời gian để phân tích một trận đấu kéo dài tới tám giờ và các sinh viên, những người tình nguyện tham gia vào dự án, đều rất say sưa với nhiệm vụ được giao.

Việc phân tích đối thủ một cách bài bản, khoa học được tiến hành lần đầu năm 2005. Juergen Buschmann, trưởng nhóm Phân tích đối thủ, cho biết đến giờ ông vẫn nhớ cuộc gọi của HLV Juergen Klinsmann: “Đang nửa đêm, bỗng dưng điện thoại của tôi rung lên. Ở đầu dây bên kia có tiếng của ông Klinsmann”. Kể từ đấy, LĐBĐ Đức bắt đầu hợp tác với trường Đại học Thể thao Đức và mọi trận đấu từ giao hữu tới chính thức từ đó đều được phân tích kỹ càng.

Ông Buschmann (giữa) chụp ảnh cùng trợ lý Hansi Flick (trái) và lãnh đội Bierhoff - Ảnh: Getty

Trong bảy năm qua, dự án Phân tích đối thủ của người Đức đã phát triển chóng mặt. Tại World Cup 2006, mới chỉ có 16 sinh viên tham gia phân tích 31 đội bóng còn hiện nay, đã có tới 45 sinh viên theo dõi chỉ 15 đội, tức ba người quản lý một đội. Cũng cần phải nói ngay các sinh viên được tham gia dự án này đều được tuyển chọn kỹ càng với những yêu cầu rất cao. Ngoài tình yêu và kiến thức về bóng đá, họ cũng phải chơi được môn thể thao này.

Ngoài ra, tất cả đều phải tham gia một lớp huấn luyện phân tích trận đấu để đảm bảo thấu hiểu hết các khái niệm và có cách lý giải như nhau. “Chúng tôi được tham gia các lớp học trước khi bắt đầu tiến hành phân tích để đảm bảo rằng có chung trình độ, có thể phân tích các tình huống một cách giống nhau. Nhờ vậy, những điều chúng tôi nói ra mới có giá trị”, Kai Krueger, một thành viên đã tham gia đội phân tích từ năm 2007, chia sẻ.

Thành quả của quá trình phân tích này là một quyển sách có đầy đủ thông tin về tất cả các đội bóng tham dự EURO. Ngoài ra, ban Phân tích còn gửi thêm một tài liệu dày 40 trang và cả một DVD phân tích những chiến thuật khác nhau. Với HLV Joachim Loew, đây là những tài liệu vô giá: “Chúng tôi sẽ không để đối thủ “dắt mũi” mình được. Nhưng muốn như vậy, chúng tôi cần phải biết ưu khuyết điểm của đối thủ”.

“Tôi không bận tâm chuyện một cầu thủ cao 1m94 hay nặng 85 cân. Điều tôi muốn biết đó là thói quen thi đấu của cầu thủ này”, ông Loew chia sẻ thêm. Để quá trình phân tích diễn ra hiệu quả, LĐBĐ Đức (DFB) luôn tích cực liên lạc với đội ngũ phân tích. Năm nay, DFB còn cử hẳn một thành viên, Stephan Nopp, làm việc trực tiếp với nhóm sinh viên tại Đại học Thể thao Cologne để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Đây là một công việc tự nguyện nên DFB không trả tiền cho các sinh viên nhưng bù lại, có tặng những món quà mà có tiền cũng chưa chắc mua nổi như vé xem các trận đấu, áo thi đấu và đặc biệt là  cho phép họ được thăm tuyển Đức. Sau mỗi dự án, các sinh viên sẽ được cấp một giấy chứng nhận được ký bởi ông Buschmann, HLV Loew và lãnh đội Oliver Bierhoff. “Thật tuyệt vời. Nó giá trị hơn cả tiền bạc”, Kai hân hoan chia sẻ. Thành công của đội tuyển Đức ở EURO cho đến thời điểm này có đóng góp rất lớn của Kai và những người bạn.

Thanh Xuân (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm