Nhạc sĩ Dương Thụ: Lãnh đạo Liên đoàn không nên tại vị

08/12/2012 15:14 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Cà phê bóng đá gặp nhạc sĩ Dương Thụ sau khi ông vừa trở về từ Bangkok để chứng kiến một trong những giải đấu đáng thất vọng nhất của đội tuyển quốc gia tại các giải khu vực.

* Nghe nói nhạc sĩ đã sang Bangkok để cổ động cho đội tuyển?

- Tôi quá bận nên chỉ sang xem trận ta đá với Philippines và Thái Lan, trận với Myanmar xem trên ti-vi ở nhà. Lúc lên máy bay, ngồi với nhóm cổ động viên ít ỏi đi tour bóng đá của Vietravel, thấy buồn. Chỉ có 15 người, công ty tổ chức tour không phát áo, mũ và cờ cổ động cho đội tuyển như mọi lần, nên chả có “không khí” gì. Giống như đi du lịch thông thường thôi. Nếu so với những lần đi trước thì khác nhau một trời một vực. Từ chỗ đi theo kiểu trống giong cờ mở, đến cảnh lặng lẽ như thế này mới biết tình yêu với đội tuyển đã phai nhạt đi nhiều lắm.

Tuy nhiên tôi có cảm giác mọi người trong nhóm đi vẫn còn hy vọng vào tài chèo lái của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và chất lượng đội tuyển qua những thông tin của ban huấn luyện và một vài cầu thủ chủ chốt là rất ổn. Hình như họ rất tin vào những tuyên bố lạc quan của ông Hùng lúc trả lời các nhà báo trước khi vào giải, vẫn tin vào cái vị thế đứng đầu Đông Nam Á của bóng đá Việt Nam. Có lẽ “lạc quan tếu” vẫn còn là một di sản của người Việt ta.


Trọng Hoàng đã mất hút trong hầu hết các trận đấu ở AFF Cup

Tôi đã “cà phê” nhiều lần về đội tuyển quốc gia trên báo, cách nhìn nhận như thế nào chắc bạn đọc đã biết, nên đi không phải hy vọng đội tuyển chiến thắng. Vị thế thật sự của chúng ta là vị thế cửa dưới. Huấn luyện viên và chất lượng cầu thủ như thế mà thắng được họ mà vào vòng trong, mà lọt vào trận chung kết là chuyện ngoài sức tưởng tượng.

Tôi đi vì không thể bỏ rơi đội tuyển trong những lúc khó khăn này, đi vì muốn xem bóng đá khu vực tiến hay lùi; xem đội tuyển kém họ những gì và hơn họ những gì, xem ta đá thật ra sao, và cái bản lĩnh của ông huấn luyện viên trưởng khi không còn đóng vai trợ lý trong các giải đấu quan trọng như thế này (còn trình độ thì biết rồi) để còn “cà phê” với bạn đọc nữa chứ. Tôi không đi như mọi lần là để cổ vũ cho chiến thắng.

* Sau những gì chứng kiến, cảm giác của ông thế nào?

- Ở Thái Lan, hình như dân chán bóng đá, chán đội tuyển, đến sân thấy người đi xem thưa thớt, ngoài sân trang trí sơ sài chẳng có vẻ gì một ngày hội bóng đá khu vực cả. Sân có sức chứa sáu bảy chục ngàn người, nhưng khán giả thì lọt thỏm. Trận Thái Lan-Myanmar còn đỡ một tí, trận Việt Nam-Philippines thì thê thảm.

Nhóm cổ động viên ta hóa ra đông hơn tôi tưởng, có lẽ cũng đến non trăm người, hình như phần lớn đi từ Hà Nội, họ mang lá cờ đỏ sao vàng rất lớn phủ kín nhiều dãy ghế khán đài, nhưng ít ỏi thế này làm sao mà cổ vũ hiệu quả.

Xem ta đá trận với Philippines mà buồn. Không có chiến thuật rõ ràng nên cầu thủ đá dở như nhau. Chẳng biết thay ai, nên việc thay người chỉ là bất đắc dĩ. Hoặc là do chấn thương không thể đá tiếp, hoặc là dở quá, như Công Vinh được dùng làm chim mồi, nhưng đối phương cũng chẳng thèm để ý kèm cặp, nên cứ lang thang bên phần sân của họ. Cả Trọng Hoàng, niềm hy vọng của đội tuyển, đá đấm thế nào mà thỉnh thoảng mới nhìn thấy, nom phát ốm. Đá như thế, một huấn luyện viên gà mờ nhất cũng phải nhận ra và cho vào nghỉ. Ta cầm bóng nhiều nhưng theo kiểu tiki-taka rởm, nghĩa là cù cưa, trả bóng về rồi chuyền ngang, hoặc chuyền qua chuyền lại và kết thúc bằng một đường chuyền vào chân đối phương, phát động giúp họ đợt phản công chết người.

* Trước khi AFF Cup diễn ra, ông thuộc nhóm người không có lòng tin vào đội tuyển ở giải đấu này, nhưng hình như  vẫn còn một chút hy vọng. Cái chút ấy có phải chỉ nói để động viên thôi hay chút đó là có thật?

- Là người Việt Nam, yêu đội tuyển, nhưng yêu một cách tỉnh táo, biết phải nói như thế nào để còn chút gì cho cảm xúc. Tôi rất thích những ai còn hy vọng vào một cái gì đấy, dù chỉ là hy vọng thôi, điều ấy rất đẹp. Tôi ghét sự tuyệt vọng vì cảm xúc ấy là tiêu cực, hủy hoại động lực sống. Hy vọng với tôi là cảm xúc tự nhiên, chứ không bắt nguồn từ ảo tưởng, nó có thật chứ không có mục đích động viên.

Biết là thua sao vẫn cứ hy vọng, bởi yêu là thế.

* Thất bại này, ông nhìn thấy lỗi ở ai? Hay thắng bại trong một giải đấu cũng chỉ là chuyện thường tình, nó phụ thuộc vào may rủi?

- Bạn nói đúng. Thắng bại trong giải đấu là một chuyện thường tình, nó phụ thuộc vào may rủi. Nhưng phải thắng bại như thế nào mới có thể là thường tình được. Thắng như U23 Việt Nam thắng đội tuyển quốc gia Malaysia để đoạt Cup Merdeka bằng lối đá tử thủ và cả sự may mắn là một trận thắng khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Thấy họ vùi dập mà thương các cháu luôn.  Còn thua như cách thua của ta ở vòng bảng Suzuki Cup này thì còn xấu hổ nữa.

Thua không phải vì cầu thủ ta quá kém. Họ không thể so với đàn anh, nhưng đâu đến nỗi tệ đến như thế. Tôi tin rằng những con người này chỉ cần có được một huấn luyện viên cỡ Henrique Calisto, chắc chắn họ sẽ cho ta một hình ảnh khác, ít nhất là một đội tuyển đầy sức sống, nếu có bại trận cũng là cái bại trận của một kẻ anh hùng. Chúng ta đã có một huấn luyện viên kém cỏi mà không tự biết, bắt nguồn từ niềm tin hão huyền về nội lực và tính thuần Việt trong tổ chức bóng đá.


Đội tuyển Việt Nam sẽ lại cần huấn luyện viên ngoại?

Cái bệnh chủ quan duy ý chí vẫn còn nặng lắm. Luôn tự cho mình đúng, tự kiêu hãnh, tự sung sướng, đến lúc kết quả không như ý thì đổ lỗi cho nhưng nguyên nhân khách quan. Lỗi tại ai, không khó tìm ra, khỏi phải họp lại với nhau tìm nguyên nhân, tìm thủ phạm làm gì. Không nên trách cầu thủ, ngay cả Công Vinh, anh đang ở hoàn cảnh như thế sao lại chọn, lại hy vọng để rồi đẩy người ta lên ghế dự bị. Tập và đá thật là hai chuyện khác nhau một trời một vực, làm bóng đá đỉnh cao sao lại ngạc nhiên khi thấy đá thật không được như đá tập.

Tôi không muốn chúng ta bỏ rơi đội tuyển, nhưng huấn luyện viên và các lãnh đạo bên Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì không nên tiếp tục ở cương vị cũ. Hãy tỏ rõ tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người làm bóng đá. Từ chức bởi lòng tự trọng, một nghĩa cử cao quí. Tôi tin các anh là những người như thế.

* Có người nói đội tuyển thất bại là tốt, chứ được vào vòng trong bóng đá ta sẽ lụn bại nữa. Cái lý của chuyện này là thế nào?

- Không sai. Tốt, bởi thất bại sẽ làm rõ nhiều điều mà mọi người còn mơ hồ kể cả ông huấn luyện viên lẫn các ông bên liên đoàn.  Có chút thành tích thì căn bệnh sẽ còn lây nhây không thể chữa khỏi. Bại đến cỡ này người mới nhìn ra cái sai, còn không thì...

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm