Tuyển Đức yếu đuối vì ông Loew học Guardiola?

27/03/2015 06:11 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Joachim Loew từng không ít lần công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Pep Guardiola. Khi Pep vừa đến Bayern, ông Loew đã lập tức tìm gặp để đàm đạo. Chỉ có điều, những gì ông học từ Pep không phải khi nào cũng mang đến hiệu quả tích cực.

Rạng sáng qua, một lần nữa nhà ĐKVĐ thế giới lại có một màn trình diễn thất vọng, khi bị đội khách Australia cầm hòa 2-2, trong một trận đấu mà Loew tiếp tục có những thử nghiệm về chiến thuật.

Loew cũng thích khám phá như Pep

Bayern Munich đang độc chiếm ngôi đầu bảng ở Bundesliga. Nhưng về mặt chiến thuật thì chưa bao giờ CLB này có được sự ổn định. Đơn giản bởi, Guardiola đã liên tục chơi trò chơi lắp ghép ở CLB xứ Bavaria. Lúc thì 3-5-2, lúc lại 3-4-3 rồi thì 4-2-3-1 thậm chí là cả 2-6-2... Nói một cách khác, vị thuyền trưởng của Bayern Munich gần như đã tranh thủ mọi cơ hội để “thí nghiệm” những phát minh của mình.

Không đến mức năng nổ như Guardiola, nhưng trong thời gian vừa qua, Loew cũng rất chịu khó vận hành những sơ đồ chiến thuật mới. Tại World Cup 2014, đội tuyển Đức đã đi đến tận cùng khám phá một cách đầy thuyết phục với sơ đồ 4-2-3-1, nhưng sau thành công trên đất Brazil, Loew lập tức đã cất biểu tượng chiến thắng 4-2-3-1 vào tủ kính, để vận hành Die Mannschaft theo hệ thống 3-4-3. Điều đáng nói là Loew chỉ áp dụng sơ đồ này, sau khi Guardiola cũng để Bayern Munich thi đấu với 3 trung vệ. Đó có lẽ không chỉ đơn giản là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và ở trận đấu với Australia, Loew lại có thêm một phát kiến mới.

Tại Kaiserslautern, đội tuyển Đức đã ra sân với một đội hình rất lạ lẫm. Không phải chỉ vì Loew đã cất nhiều trụ cột như Neuer, Schweinsteiger, Thomas Mueller, Jerome Boateng hay Mats Hummels trên băng ghế dự bị, mà còn là do ông đã để đội nhà đá với sơ đồ mới tinh 3-1-4-2. Trong đó, 2 cầu thủ thường chơi ở hàng tiền vệ ở CLB là Goetze và Reus được đẩy lên chơi ở vị trí tiền đạo.

Khung thành của Zieler (phải) liên tục chao đảo trước những pha lên bóng nhanh của Australia.

Một tuyển Đức yếu đuối

Với cuộc cách mạng cả về nhân sự lẫn chiến thuật như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi tuyển Đức đã có 1 trận đấu kém cỏi ngay trên sân nhà. Tỉ số hòa 2-2 có thể khiến những ai không theo dõi trận đấu phải bất ngờ. Nhưng trên thực tế, đây là một kết quả hoàn toàn xứng đáng với những gì tân vương của Asian Cup đã thể hiện. Thậm chí, nếu tận dụng tốt những cơ hội của mình thì Australia còn có thể ra về với một trận thắng thuyết phục. Bởi họ đã tạo ra nhiều cơ hội đáng kể hơn hẳn đội bóng của Joachim Loew, dù cho đã bị đội chủ nhà dẫn bàn trước.

Đáng chú ý, ở trận đấu này, đội tuyển Đức gặp phải một vấn đề tương tự như Bayern Munich của Pep Guardiola. Đấy là khả năng chống phản công của nhà ĐKVĐ thế giới rất kém. Rất nhiều lần khung thành của Zieler bị đặt trong tình trạng báo động sau những pha lên bóng nhanh của đối phương. Kinh nghiệm của cầu thủ vào sân thay người Podolski đã giúp cho tuyển Đức tránh khỏi một kết cục bẽ bàng. Nhưng rõ ràng sau những gì đã diễn ra, ông thầy của Die Mannschaft sẽ có rất nhiều việc phải làm để đưa nhà ĐKVĐ thế giới trở lại quỹ đạo chiến thắng. Mà trước mắt, Loew sẽ phải cụ thể hóa lời hứa của mình ở cuộc họp báo sau trận đấu với Australia: “Tuyển Đức sẽ có một bộ mặt khác trong cuộc đọ sức với Georgia ở vòng loại EURO 2016”.  

Loew có thể hâm mộ Guardiola và muốn hướng tuyển Đức theo phong cách của đồng nghiệp người Tây Ban Nha. Nhưng rõ ràng, giờ là lúc Joachim Loew cần phải thức giấc, trước khi quá muộn. Nhất là khi, một chiếc vé tham dự VCK EURO 2016 vẫn chưa nằm trong tay của người Đức.

2 Trong cả 2 lần gần nhất tiếp đón các vị khách Australia, đội tuyển Đức đều bị đối phương sút tung lưới tới 2 bàn.

4 Đây là lần thứ 4 đội tuyển Đức không thể giành chiến thắng sau 7 trận đấu thời hậu World Cup 2014.

48 Bàn thắng gỡ hòa 2-2 trong trận gặp Australia là pha lập công thứ 48 của Podolski ở đội tuyển Đức.


Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm