Thêm một cầu thủ Đức tự tử vì trầm cảm: Trong định kiến của sự mạnh mẽ

22/07/2014 06:48 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, Andreas Biermann đã tự tử sau một thời gian đánh vật với bệnh trầm cảm. Cái chết này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh trầm cảm trong làng túc cầu Đức.

Theo báo chí Đức, chính Biermann từng thừa nhận 3 lần định tự tử hồi năm 2012 do không thể chịu được căn bệnh trầm cảm.

Thất nghiệp, không ai chia sẻ

Năm 2009, Biermann đã thừa nhận mình bị trầm cảm. Tiền vệ này tiết lộ chính cái chết của thủ thành Robert Enke, người cũng tự tử vì trầm cảm, đã khiến bản thân quyết định công bố căn bệnh để tìm sự đồng cảm. Cầu thủ khi đó chơi cho St. Pauli thú nhận bản thân là một con nghiện cờ bạc và nỗi ám ảnh về tiền bạc đã khiến mình vài lần muốn tự tử. Năm 2011, Biermann đã xuất bản cuốn sách với tiêu đề "Khủng hoảng: Thẻ đỏ" nói về hành trình chống chọi với căn bệnh trầm cảm.

Sau hành động dũng cảm hồi năm 2009, Biermann được đi điều trị 58 ngày. Tuy nhiên, sau đấy, Biermann đã nhận ra việc công khai nói mình bị trầm cảm là một sai lầm. Biermann đã không được St. Pauli gia hạn hợp đồng (khi đó vừa thăng hạng lên Bundesliga), cũng không thể kiếm việc ở bất kỳ đội bóng nào khác, phải giải nghệ ở tuổi 29. Trong giai đoạn 2010-2012, Biermann thất nghiệp và từ năm 2012, mới trở lại thi đấu nghiệp dư cho Spandau 06 rồi Spandauer Kickers.

"Sau khi trở lại (từ quá trình chữa trầm cảm), tôi đã nói với tất cả đồng đội về tình trạng của mình. Nhưng đáng thất vọng là không một ai thèm hỏi thăm tôi", Biermann cay đắng trả lời với báo giới. Biermann cũng từng vài lần muốn đi học tâm lý trong thể thao để giúp đỡ những cầu thủ cũng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, một dạng bệnh khá phổ biến ở Đức.

Người Đức cũng bó tay

Trước Biermann, nhiều cầu thủ hay cả huấn luyện viên (HLV) tại Đức từng gặp vấn đề với chứng trầm cảm. Nhẹ thì xin nghỉ việc đi chữa trị hoặc giải nghệ như cựu thần đồng Sebastian Deisler (Bayern), thủ môn Markus Miller (Hannover) hay HLV Ralf Rangnick (Schalke). Nặng hơn thì không kiểm soát được bản thân, tự tay đốt nhà mình như Breno (Bayern), thậm chí tự tử như trường hợp của Robert Enke (Hannover).

Ngay sau đám tang của Enke, chủ tịch LĐBĐ Đức Theo Zwanziger đã tuyên bố: "Bóng đá không phải là tất cả. Đừng chỉ nghĩ về những gì truyền thông mang tới cho bạn. Hãy nghĩ về những gì có thể tìm thấy ở một con người, về những điểm yếu, về sự nghi ngờ". Nhưng 5 năm sau, người Đức dường như vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho bệnh trầm cảm trong bóng đá dù đã đạt được nhiều thành tựu về thể thao.

"Dĩ nhiên là chúng tôi có đặt những câu hỏi như sẽ phải chăm sóc các cầu thủ, nhất là những người trẻ như thế nào. Nhưng thú thật, chúng tôi vẫn chưa trả lời được.", Joerge Schmadtke, giám đốc thể thao của CLB Hannover giai đoạn 2009-2013, thừa nhận hồi năm 2010, cùng thời điểm Biermann không thể tìm được công việc mới.

Năm ngoái, Andreas Bergmann, HLV của Hannover khi Enke tự tử, cũng nhắc lại vấn đề này trong bài phỏng vấn với tờ Bild: "Với thế giới bên ngoài, các cầu thủ phải tỏ ra mạnh mẽ, phải hoàn thành nhiệm vụ, những kỳ vọng. Nhiều cầu thủ phải đóng kịch và rơi vào khủng hoảng khi bị phản đối. Cuộc sống của họ bị xáo trộn, năng lượng tiêu tan nên thi đấu kém đi. Họ đã bị hết pin nên không thể là chính mình. Nhưng bệnh tật, sự yếu đuối và cả những nỗi sợ là một phần của con người".

Dường như xã hội Đức vẫn chưa thể chấp nhận được việc một người trầm cảm lại chơi bóng đá, một môn thể thao phải mạnh mẽ. Cũng chính vì định kiến này, Biermann đã phải tìm đến cái chết.

Họ đã nói

“Sau khi đi chữa trầm cảm, chẳng đồng đội nào hỏi thăm tôi. Nếu cầu thủ nào đang bị trầm cảm, tôi khuyên họ nên giấu kín việc này”, Andreas Biermann.

“Lúc này, tôi trống rỗng. Tôi đã già, đã mệt mỏi. Chân tôi đã không thể lết được nữa, tôi không thể đi xa thêm một tẹo nào nữa", Sebastian Deisler.

“Ở Brazil, tôi không có nhiều tiền, không được sống trong những tiện nghi tuyệt vời, nhưng tôi rất hạnh phúc. Bây giờ, ở đây, tôi có tất cả, nhưng lúc nào cũng lo lắng”, Breno.


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm