Cổ phần hóa, xu hướng mới tại Bundesliga

25/08/2014 14:18 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Để có thêm tiền cạnh tranh với Bayern, Dortmund đang lên kế hoạch bán cổ phần cho các đối tác chiến lược.

Trong những năm qua, doanh thu của Dortmund đã tăng chóng mặt nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 2/3 của Bayern. Do nền tảng tài chính kém hơn, Dortmund không thể trả những mức lương cao ngất ngưởng như đối thủ, dẫn tới sự ra đi của 2 ngôi sao là Mario Goetze và Robert Lewandowski. Để thu hẹp cách biệt về tài chính, Dortmund đã lên kế hoạch bán cổ phần để thu về khoảng 100 triệu euro. Cách đây không lâu, Dortmund đã bán được 9% cổ phần cho hãng hóa chất Evonik với giá 26,7 triệu euro. Hiện nhà tài trợ áo đấu Puma và hãng bảo hiểm Signal Iduna cũng đã đồng ý mua cổ phần nhưng Dortmund cần phải thông qua ý kiến của các cổ đông.

Chính Bayern là đội khởi đầu cho trào lưu bán cổ phần tại Đức. Hiện nay, Bayern đã bán được 24,9% cổ phần cho 3 ông lớn là adidas, Audi và ngân hàng Allianz. Nhiều đội bóng khác tại Bundesliga cũng đang đi theo con đường này. Stuttgart đang định bán 1/4 số cổ phần sắp phát hành cho hãng xe Daimler vốn đã mua lại tên sân vận động của "Thiên nga trắng". Hamburg cũng đã có kế hoạch còn Hertha Berlin thậm chí sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại KKR Financial Holdings để thu về khoảng 60 triệu euro. "Số đội bóng hoạt theo kiểu truyền thống (một tổ chức có đăng ký) đang giảm mạnh. Họ cần phải thay đổi để có thêm nhiều nguồn thu", chuyên gia tài chính Henning Voepel nhận xét.

Ông Voepel cũng đánh giá việc cổ phần hóa sẽ giúp đội bóng tránh phụ thuộc vào các cá nhân.Uerdingen, đội từng chơi ở hạng Nhất, giờ đã bị tụt xuống hạng 6, giải nghiệp dư, do nhà tài trợ chính Bayer "rút ống thở". Tại Bundesliga, 3 đội bóng Hamburg, Hoffenheim và Hannover khi đưa ra các quyết định đều phải chờ ý kiến của người bảo trợ. Nếu được cổ phần hóa, ông Voepel tin rằng một nhóm nhỏ cổ đông cũng có thể "gây ảnh hưởng khổng lồ". Ngoài ra, sự thay đổi này cũng giúp hình ảnh của đội bóng "sạch" hơn. Leverkusen và Wolfsburg, vốn được hãng dược Bayer và hãng xe Volkswagen tài trợ, thường bị coi là "đội bóng của nhà máy”.

Tuy không thể mua đứt đội bóng như tại Anh hay Pháp (tại Bundesliga có quy định 50+1 tức 51% cổ phần của câu lạc bộ phải thuộc về cộng đồng) nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Bundesliga.  Bởi lẽ Bundesliga đang phát triển chóng mặt và hầu hết các đội bóng đều làm ăn có lãi. Theo nghiên cứu của Ernst & Young, chỉ có 18 CLB trong tổng số 56 đội bóng đang chơi ở 3 hạng đấu đầu tiên của Đức kết thúc năm tài khóa vừa qua trong tình trạng thua lỗ (chiếm 32%). Hầu hết các đội bóng cũng tự tin dự đoán rằng mùa giải này, doanh thu sẽ tiếp tục tăng. “Bóng đá chuyên nghiệp tại Đức đang ngày một hấp dẫn, cả về thể thao lẫn thương mại”, Ernst & Young nhận định.

T.K.A
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm