Đức Tuấn: Tôi muốn làm ca sĩ quốc tế!

15/06/2009 08:34 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tháng Tám tới đây, ca sĩ Đức Tuấn sẽ thực hiện live show “hạng nặng” đầu tiên của mình với nhạc kịch: Music of the Night, mời cả nhà soạn nhạc người Anh đích thân sang chỉ huy đêm diễn, và cũng chi tới 20.000 USD cho album nhạc kịch cùng tên. Sau rất nhiều những thử nghiệm nhạc kịch của không ít ngôi sao nhưng rốt cuộc chỉ dừng lại ở “làm sang màu mè”, với hướng đi mới của cựu Ngôi sao tiếng hát truyền hình này, nhiều người hy vọng và cả nghi ngại.

Còn Đức Tuấn, trong cuộc trò chuyện mới nhất với TT&VH Cuối tuần, vẫn như mọi khi, rất tự tin, có thể có phần nào đó sự ngông cuồng của tuổi trẻ và tính cách, về con đường âm nhạc, về sự tự tin và khát vọng của anh.

* Gần gây, nói đến phong trào hát nhạc kịch ở Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến Đức Tuấn. Tại sao anh lại lựa chọn dòng nhạc này là hướng đi mới của mình?

- Thật ra các trích đoạn nhạc kịch trong những vở nổi tiếng như Sunset Boulevard, The Phantom Of The Opera, Notre Dame de Paris... tôi biết từ lâu rồi nhưng lúc đó không biết đó là nhạc kịch Broadway. Tôi rất mê bộ phim hoạt hình The Lion King vào khoảng năm 1997, 1998. Báo chí nói ở New York người ta đã đưa bộ phim này lên sân khấu Broadway. Tôi không thể tưởng tượng người ta sẽ được làm như thế nào trên sân khấu. Năm 2003, tôi có dịp qua Mỹ và nhạc kịch Broadway ở New York là nơi đầu tiên tôi tìm đến. Thú thật tôi tìm đến nhạc kịch không phải vì tôi yêu nhạc kịch, mà chỉ vì yêu The Lion King. Nhưng khi xem, tôi đã bị chinh phục hoàn toàn. Có cảm giác như nhạc kịch đã có sẵn ở đó từ rất lâu rồi, quan trọng là mình có tìm ra được nó, đồng cảm được với nó hay không mà thôi. Tôi may mắn đã tìm ra được những điều kỳ diệu của nhạc kịch và bị nó chinh phục. Tôi bị ám ảnh bởi nhiều nghệ sĩ nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới.

Cũng giống đại đa số người Việt Nam khác, trước đây tôi không biết nhạc kịch là gì cả, không có khái niệm về nhạc kịch, cũng không hề có ý định đi theo nhạc kịch. Tôi nghĩ đó là thứ không liên quan gì đến mình. Trước khi xem nhạc kịch, tôi nghĩ chắc là buồn ngủ. Nhưng khi xem rồi thì... Chính ra Broadway đã định hình cho phong cách của tôi. Cách hát, cách xử lý bài cũng như cách biểu đạt trên sân khấu, tôi bị ảnh hưởng từ sân khấu Broadway rất nhiều và tôi đã tạo ra được một cách biểu diễn nhạc Việt Nam mới. Thật sự là mới!

* Yêu là một chuyện còn làm lại là một chuyện khác... Nhất là ở Việt Nam hiện nay, khán giả có mấy ai biết đến cái từ Broadway đâu! Anh định làm “người hùng”, làm người “khai hoang mở cõi” thể loại âm nhạc này tại Việt Nam?

- Tôi làm một việc rất đơn giản thôi, là đánh động mọi người, thông báo cho mọi người có một dòng nhạc như vậy. Tôi tự hào rằng hiện nay tôi đã lôi kéo được một số bạn bè và khán giả đi tìm hiểu nhạc kịch là gì. Đã tìm hiểu thì chắc chắn sẽ bị chinh phục. Và 100% là đã bị chinh phục. Nhạc kịch Broadway là một loại hình giải trí cao cấp nhưng lại phù hợp với tất cả mọi người. Nhạc kịch nó đương đại lắm chứ không phải là điều gì xa vời đâu. Nó là gì? Là kịch cùng âm nhạc để đối thoại. Đã là đối thoại thì không thể là một thứ gì đó cao xa. Tôi bị chinh phục và đã nghiên cứu rất kỹ về loại hình nghệ thuật này và tôi biết nó sẽ phù hợp với người Việt Nam. Chẳng qua mọi người chưa có điều kiện tiếp cận, thưởng thức và hiểu về nó mà thôi! Nhạc kịch, nhạc cổ điển nước nào cũng nghe hết, có thể thị phần không nhiều nhưng có thị phần.

Có ai so sánh Sarah Brightman với Britney Spears đâu, nhưng nhìn lại đi, một khán giả của Sarah Brightman xứng đáng hơn một ngàn, thậm chí mười ngàn khán giả của Britney Spears! Thị phần mà tôi muốn hướng đến, nói thì sốc, nhưng đó không phải là thị phần đại đa số công chúng. Thực sự là tôi đang nhắm đến cái thị phần tinh hoa của khán giả Việt Nam. Tất nhiên thị phần này không lớn. Cái gì tinh thì sẽ không nhiều! Ai nói tôi chảnh tôi chịu nhưng tôi chỉ nhắm đến khán giả tinh hoa, những người biết thưởng thức âm nhạc thực sự, những người tìm đến âm nhạc bằng niềm đam mê chứ không chỉ để giải trí thuần túy. Nếu ai không tinh tế, tôi thực sự không muốn nhắm tới. Tôi kiên quyết vì tôi là người tôn trọng khán giả của mình, tôi không muốn người khán giả tinh hoa của tôi bị phiền nhiễu bởi những người khán giả tìm đến để chơi, để vui và thực sự không tôn trọng dòng nhạc của mình. Đó là lý do tại sao tôi được mọi người đánh giá là người của các chương trình lớn, vì tôi đã tạo được cái uy tín mà các chương trình lớn cần thiết phải có tôi. Từ cách làm việc cho tới dòng nhạc. Và các chương trình lớn là những chương trình đã nhắm đến lượng khán giả tinh hoa.

* Hình như có lần anh còn tuyên bố muốn trở thành ca sĩ quốc tế? Đứng trong nhà chưa vững đã lững thững ra hè. Lúc tuyên bố anh tỉnh chứ?

- Đó là điều mà tôi đang phấn đấu để đạt được, sẽ đạt được.

* Anh quá tự tin, hay là hơi ngông cuồng?

- Ơ! Đức Tuấn là một người trẻ và ngông cuồng là một đặc quyền của người trẻ, nhiều người lớn tuổi khi nhìn lại sẽ thấy tiếc tại sao mình lại không ngông cuồng được như vậy! Cơ bản đặc quyền của tuổi trẻ là biết mơ ước. Khi bạn mơ ước, bạn quyết định làm thì đã có thành công 50%! Có một câu mà tôi rất thích trong một vở nhạc kịch, đại khái là đó như là một sứ mệnh của tôi, là phải theo đuổi ngôi sao đó dù nó có xa vời đến mức độ nào... Đây không chỉ là ước mơ mà là cái tôi mơ và thực hiện. Làm mọi cách để thực hiện ước mơ đó.

* Nếu đã xem là sứ mệnh thì đúng là cao cả và đáng làm thật nhưng tôi nghĩ loại âm nhạc này ngốn tiền kinh lắm! Anh thừa biết nền kinh tế hiện nay đang khủng hoảng chứ?

- Ảnh hưởng về kinh tế là ảnh hưởng chung nhưng ảnh hưởng nhiều bên nhạc thị trường. Tôi có một vị trí, tạm gọi là có uy tín nhất định về một dòng nhạc nào đấy. Và dòng nhạc đấy lại rất ổn định.

Kinh phí thì tôi phải tính rồi. Ca sĩ mình tuyên bố nhiều lắm. Như “tôi làm cái DVD đấy quay ở Hồng Kông”, “tôi đầu tư cho cái DVD này hai tỷ” hay live show Hồ Ngọc Hà sắp tới cũng được đầu tư bốn năm tỷ gì đấy! Số tiền đó được họ dùng để làm những việc khác còn tôi thì lựa chọn dùng số tiền đó để làm công việc này. Ví dụ một video ca nhạc người ta đầu tư về âm nhạc rất ít mà hình ảnh thì nhiều. Tôi dành tất cả cho âm nhạc, tôi không làm múa phụ họa, không chiêu trò... Đó là không gian âm nhạc để thưởng thức chứ không phải là biểu diễn kỹ xảo. Không có bay lượn, chạy xe đạp trên không này nọ. Mọi người đang rất nóng lòng để xem thử album nhạc Broadway của tôi như thế nào. Tôi đã thuyết phục và mời được các nhân vật rất nổi tiếng, rất hàn lâm nhưng vẫn rất đương đại về hợp tác với live show của tôi vào ngày 29/ 8, ví dụ như Paul Bateman, một nhân vật có máu mặt trong giới mang âm nhạc bác học đến gần với công chúng, nữ ca sĩ Geneviève Charest cũng là người nổi tiếng về nhạc kịch của Canada cùng với kỹ sư âm thanh Colin Voland (Ireland). Tôi muốn âm thanh phải đạt hiệu quả tốt nhất. Nét độc đáo đầu tiên là live show sử dụng dàn nhạc giao hưởng 60 người.

* Thú thật tôi chưa hiểu lắm về cái gọi là “hàn lâm nhưng vẫn rất đương đại” mà anh vừa nói...

- Rất nhiều người đang làm nhạc hàn lâm ở Việt Nam. Nhưng tôi muốn mang nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng yêu nhạc. Phải làm cho người ta thấy nhạc hàn lâm có những nét hấp dẫn riêng. Nhưng rõ ràng nếu giữ nhạc hàn lâm thuần túy như cách đây mấy thế kỷ thì rõ ràng nó không phù hợp với cuộc sống, hơi thở của người hiện đại. Tôi muốn đem thứ âm nhạc đó đến gần với khán giả bây giờ hơn. Nhạc viện vẫn hát opera, vẫn chơi giao hưởng, concerto đấy thôi. Nhưng tôi muốn nhạc hàn lâm phù hợp với cách thưởng thức của khán giả bây giờ. Đó là điểm mà tôi hứng thú ở nhạc Broadway. Broadway có nguồn gốc từ opera, nhưng âm nhạc Broadway dùng pop, dùng jazz, dùng rock... để phù hợp với tâm tư, tình cảm của người bây giờ. Nó biến một loại hình âm nhạc tưởng là khó nghe thành một loại hình phổ biến hiện nay và đặc biệt nó vẫn giữ những giá trị cao cấp, vẫn khai thác triệt để những giá trị tuyệt vời của âm nhạc bác học.

* Trong tôi mơ hồ ý nghĩ anh mời những tên tuổi lớn trên thế giới về để “dọa” công chúng và đánh bóng tên tuổi cho mình?

- Ôi! Đánh bóng dĩ nhiên phải là đánh bóng rồi ! Ai làm sản phẩm ra mà không quảng cáo. Tôi đang đánh bóng và đánh bóng rất nhiều. Đánh bóng làm chi? Để người ta nhận rõ những giá trị nghệ thuật mà mình đã cất công làm ra.

* Thế ngộ nhỡ anh bỏ tiền tỷ ra làm live show cho mình nó lại trở thành live show của người khác thì sao! Vì tôi thấy mấy tên tuổi kia kinh khủng lắm, còn anh thì...

- Làm sao mà biến thành live show người khác được! Tôi có may mắn được làm việc với những con người rất chuyên nghiệp. Tuy tên tuổi của họ rất lớn so với thế giới nhưng họ là những người làm việc chuyên nghiệp, họ biết đặt mình ở vị trí nào, trong không gian nào. Chính họ là người giúp tôi tự tin hơn. Họ tạo mọi điều kiện để tôi bật mình lên. Chỉ có ca sĩ Việt Nam mình mới “đè nhau” trên sân khấu thôi, mời người này người kia hát thì hát phải to hơn, hát song ca mà hát to hơn ca sĩ chính là nghĩa làm sao!? Chuyện vậy nhiều lắm...

* Sao anh không mời một vài vị nhạc sĩ bác học nào đó ở Việt Nam mà làm cho đỡ tốn kém mà các vị cũng đỡ phật lòng...?

- Trời ơi! Không phải đâu! Nhạc sĩ nước mình cũng né nhiều lắm. Ban đầu tôi đã tính làm chương trình mang tính nội địa hơn. Tôi có mời các nhạc sĩ trong nước nhưng ai cũng nói khối lượng công việc này nhiều quá! Quá lớn đối với một album như vậy! Điều nữa là họ không thể đảm bảo được chất lượng do điều kiện ở trong nước. Đây là nhạc nước ngoài thì nên để người nước ngoài làm, thứ nữa là ở nước mình đâu có ai học chuyên về nhạc kịch đâu.

* Ở đây không cần học khối vị cũng làm được những chuyện ra trò mà. Lẽ nào lần này họ sợ?

- Sợ thì không sợ, không nên nói sợ mà là họ ngại. Ngại vì không đúng chuyên môn của họ.

Họ dám chứ sao không dám nhưng họ nghĩ làm để làm cái gì. Họ cản tôi mà! Họ bảo làm làm gì em ơi! Bỏ nhiều công nhiều sức ra làm chi. Có người nói dàn nhạc 60 người đánh không ra gì đâu, chỉ cần kêu 5 cây "oọc" (organ) đến đánh là được rồi, cần gì phải kêu nguyên dàn nhạc!

* Thấy chưa, đâu chỉ mình tôi bảo anh... lạc lõng?

-Tôi không lạc lõng, hiện nay nhiều người mê nhạc kịch giống như tôi vậy. Như chị Hồng Nhung đã bỏ bao nhiêu thời gian để đi học nhạc kịch, không hiểu tại sao chị không làm. Thực sự là tôi hơi tiếc cho chị Nhung. Nếu chị Nhung làm tôi nghĩ sẽ có một thành công nhất định. Lúc tôi đi coi Phantom of the Opera ở Lasvegas chung với chị Mỹ Linh, chị Mỹ Linh ngồi coi mà chị khóc. Chị khóc vì sự kỳ diệu của sân khấu nhạc kịch, chị mê lắm! Tôi nói rồi, tôi sẽ đánh động lên rồi tự mọi người cũng sẽ làm theo thôi! Mọi người sẽ tự thể hiện cái sở thích của mình và mạnh dạn hơn để làm. Bây giờ ca sĩ và khán giả đều có điều kiện, ai cũng nói loại hình này không thể nào kén khán giả được, loại hình này phù hợp với nhiều người lắm. Mọi người đang rục rịch làm hết rồi, rất nhiều dự án đang được đề ra để bàn bạc chứ không phải là không đâu! Tất nhiên bây giờ chuyện kinh phí là rào cản quá lớn để làm những cái mà mình cho là kỳ diệu đó. Tôi đang đi từng bước một.

* Sao anh không làm như Chat với Mozart của Mỹ Linh, hát tiếng mẹ đẻ trước đã rồi hẵng nhảy ra thế giới?

- Tôi đang làm chuyện ngược lại, thế giới hóa nhạc Việt và nhạc Việt hóa thế giới chứ tôi không làm một hướng. Album mà tôi muốn có chất lượng quốc tế sẽ gồm hai phần đó. Một số tác phẩm bất hủ của Việt Nam sẽ được trình bày bằng tiếng Anh và một số tác phẩm bất hủ tiếng Anh sẽ được trình bày bằng tiếng Việt.

* Tôi có dịp đi xem một đêm nhạc có thể xem là "tiền Broadway" của anh tại một phòng trà. Tôi nghe có người bảo anh hát chưa tới...

- Đó là tất yếu! Cái gì bắt đầu cũng vậy! Tôi có thể tạm gọi là người đi những bước đầu tiên để thể nghiệm dòng nhạc này tại Việt Nam. Tất nhiên vẫn có những cái chưa hoàn thiện. Đó là lý do để mình hoàn thiện hơn. Sau live show là cái đĩa, sau cái đĩa là một cái đĩa còn "dễ sợ" hơn. Album phát hành vào tháng bảy này chỉ là bước thử nghiệm cái mới nhưng ở đĩa sau chắc chắn sẽ là đĩa mang tính quốc tế, chất lượng quốc tế.

* Thế mà tôi nghe đồn anh dự định thực hiện dự án nhạc sến nữa! Hay anh tính "quốc tế hóa" nhạc sến đây?

- Dự định gì nữa? Tôi đã làm rồi. Giờ tôi nói thật, bài Sang ngang xưa giờ người ta nói đó là nhạc sến, chẳng phải tự hào gì chứ nhắc đến Sang ngang, ngoài những tên tuổi ngày xưa, ai cũng nói phiên bản của tôi là phiên bản hay nhất từ trước đến nay. Sến hay sang là quan điểm, do cách hát, cách trình bày. Đơn giản là tôi phá bỏ những định kiến, đừng nghĩ sến là sến. Tôi là như vậy, tôi sẽ "phá" bài đó theo kiểu của tôi.

Cao Hải Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm