Đục thể thủy tinh - bệnh lý mắt phổ biến ở người cao tuổi

07/03/2024 14:56 GMT+7 | Đời sống

Đục thể thủy tinh là tình trạng mất sự trong suốt của thể thủy tinh, đặc trưng bởi tình trạng nhìn mờ, nhòe, chói sáng, hoặc nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật; nhiều trường hợp người bệnh có thể bỏ kính, đọc chữ tốt, xỏ được kim…

Đục thể thủy tinh là nguyên nhân gây mù hàng đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đục thể thủy tinh là nguyên nhân của 51% các trường hợp mù lòa trên toàn thế giới.

Đục thể thủy tinh - bệnh lý mắt phổ biến ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Ê-kíp phẫu thuật PHACO cho bệnh nhân đục thủy tinh thể

Có nhiều nguyên nhân của đục thể thủy tinh, trong đó đục thể thủy tinh liên quan đến tuổi già là nhóm bệnh có tỷ lệ cao nhất. Các nguyên nhân khác bao gồm bẩm sinh, đục thể thủy tinh do chấn thương, thuốc. Các yếu tố nguy cơ cần được chú ý là tia xạ, đái tháo đường, tăng huyết áp, thuốc lá, thức uống có cồn…

Nếu đục thể thủy tinh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng cần được lưu ý là: Thay đổi khúc xạ của mắt, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp hoặc glôcôm. Cụ thể:

- Thay đổi khúc xạ của mắt: trong quá trình tiến triển của đục thể thủy tinh, độ dày của thể thủy tinh sẽ tăng dần, và giảm sự đàn hồi. Điều này khiến cho mắt của người bệnh bị cận thị hóa, khả năng nhìn xa sẽ kém dần trong khi khả năng nhìn gần sẽ tốt hơn, bệnh nhân có thể sẽ không cần dùng kính lão để nhìn những vật nhỏ ở khoảng cách gần nữa, điều này khiến nhiều người bệnh lầm tưởng rằng mắt của mình đang sáng lên và ghi nhận đó là một điều đáng mừng. Trong khi về mặt y khoa, đây là dấu hiệu của đục thể thủy tinh đã bắt đầu có nguy cơ biến chứng và cần phải được chữa trị ngay.

- Viêm màng bồ đào: là tình trạng viêm trong mắt, gây đau nhức, đỏ mắt, nhìn mờ tăng. Khi đục thể thủy tinh đến giai đoạn cuối, chất nhân thể thủy hóa lỏng và đi qua bao trước thể thủy tinh, vào tiền phòng gây nên tình trạng viêm màng bồ đào. Ngoài ra các chất nhân nào còn có thể gây bít tắc góc tiền phòng, khiến cho sự lưu thông thủy dịch bị giảm dẫn đến tăng nhãn áp.

- Tăng nhãn áp là tình trạng áp lực trong mắt tăng cao do sự bít tắc vùng góc tiền phòng gây nên bởi viêm màng bồ đào (đã được trình bày ở trên) hoặc do thể thủy tinh đục trương phình chèn ép vào vùng góc. Tăng nhãn áp nếu kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến teo lõm thần kinh thị (thần kinh của mắt) gây nên bệnh lý glôcôm, có thể mất thị giác vĩnh viễn không cải thiện được.

Hiện nay, phương pháp điều trị đục thể thủy tinh duy nhất là phẫu thuật thay thể thủy tinh. Có nhiều phương pháp phẫu thuật, trong đó phương pháp phaco (phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng sóng siêu âm) là phương pháp đang được sử dụng rộng rãi nhất với kỹ thuật nhẹ nhàng và thời gian thực hiện ngắn.

Về cơ bản, đây là phương pháp sử dụng đầu dò sóng siêu âm, tán nhỏ và hút phần thể thủy tinh đục ra khỏi mắt qua một đường vào nhỏ (khoảng 2.2 - 2.8mm), bảo tồn bao thể thủy tinh và đặt một thể thủy tinh nhân tạo vào trong bao, thay thế ngay tại vị trí thể thủy tinh đục bị lấy ra.

Như vậy, với sự phát triển của y khoa hiện nay, điều trị đục thể thủy tinh đã trở nên nhanh chóng và an toàn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, chỉ cần được điều trị kịp thời, đục thể thủy tinh sẽ không còn là mối nguy hại đáng lo lắng cho người bệnh nữa.

Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Thùy Tiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm