Cuộc đụng độ giữa trống đồng thủ công và… trống máy!

18/02/2010 08:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm 2002, nghệ nhân Lê Văn Du (làng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên theo phương pháp thủ công truyền thống. Năm 2008, các nghệ nhân đúc đồng ở Thanh Hóa như Thiều Quang Tùng, Lê Văn Bảy… công bố đã khôi phục thành công bí quyết tạo âm thanh trầm hùng như trong sử sách tưởng đã thất truyền từ hàng ngàn năm trước. Nhưng trống đồng do nghệ nhân đúc đang gặp phải một đối thủ hoàn toàn mới: đúc hàng loạt bằng máy!
   
Đúc trống đồng truyền thống: Yếu tố tâm linh quan trọng hơn khéo tay


 Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (chít khăn) đang đổ đồng vào khuôn trống
Giáp Tết Canh Dần, tôi đến cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Thiều Quang Tùng (xã Đông Tiến, huyện  Đông  Sơn, Thanh  Hóa), khi anh đang làm lễ chập lò, nhóm lửa để khởi đúc dàn trống đồng cỡ lớn gồm 100 chiếc để phục vụ đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Thiều Quang Tùng từng được vinh danh như một nghệ nhân hàng đầu của nghề đúc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống. Anh gọn ghẽ trong bộ áo lễ, nét mặt nghiêm cẩn dâng lửa bên hương án nghi ngút khói, rồi lại tất  bật chỉ huy đám thợ khoảng hơn chục người đốt lửa lò.


Những ngày qua, Thiều Quang Tùng cật lực trong việc chuẩn bị cho ngày lễ này. Anh bỏ hàng tháng trời để đêm ngày làm các khuôn đúc bằng loại đất sét mà chỉ ở Đông Sơn mới có, xếp thành từng cặp bày la liệt trong xưởng đúc. Đất được đánh nhuyễn, phơi khô, giần sàng kỹ lưỡng để lọc sạn. Chính tay anh rửa sạch sẽ và cho vào cối đá giã hàng cân gừng củ để thanh tịnh tẩy trùng cho tất cả các nguyên liệu đồng chì chuẩn bị lễ đúc. Dẫu đã xem anh chế tác hàng trăm chiếc trống đồng, nhưng tôi chưa thấy khi nào anh căng thẳng, thận trọng như lần này. Thiều Quang Tùng bảo: “Với công việc đúc trống để làm quà tặng, kinh doanh bình thường, thỉnh thoảng tôi có thể giao lại cho những người thợ phụ cứng tay nghề. Nhưng với những chiếc trống đặc biệt dành cho các sự kiện trọng đại như thế này, tôi không thể lơ là. Do đúc thủ công nên khâu chuẩn bị càng phải tỉ mẩn cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ mới giảm thiểu những rủi ro khi đúc. Ngay như việc “thanh tịnh” đồng nguyên liệu bằng nước gừng, về mặt khoa học không hẳn đã đủ để lọc bỏ tạp chất, mà phần nhiều mang yếu tố tâm linh, đem lại sự thanh thản cho người thợ đúc. Có tận tâm cho công việc mới có thể thanh thản được. Chỉ đến khi tháo bỏ khuôn đất cho chiếc trống rồi thì mới biết công sức hàng tháng trời của mình như thế nào”. Vậy nên, với những nghệ nhân đúc trống đồng truyền thống, việc xin lửa thiêng từ Thần Trống đồng hay Tổ nghề đúc là cực kỳ quan trọng. Trước ngày chập lửa lò này, Thiều Quang Tùng đã đến đền thờ Đồng Cổ (xã Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hóa) để xin lửa thiêng về, với một sự thành tâm, kính ngưỡng, những mong công việc suôn sẻ.

Không chỉ nghệ nhân Tùng, mà các nghệ nhân đúc đồng truyền thống khác đều cực kỳ cẩn thận cho từng công đoạn của việc đúc trống. Ngoại trừ những trợ giúp của máy móc (bễ thổi, máy mài…) và thợ phụ ở các công việc vặt, chính tay những nghệ nhân lành nghề hàng đầu sẽ đảm nhiệm những công đoạn quan trọng nhất. Để vẽ hoa văn, họ phải kiên trì cả tháng trời. Từng đường nét nông sâu, nét nổi nét chìm trên khuôn đất sét đều phải vạch cực kỳ chuẩn xác, tùy thuộc vào sự linh mẫn và tài năng của người thợ. Rồi cách vặn xiết để ráp các mảnh khuôn trống cũng không thể thiếu bàn tay họ, bởi độ chặt lỏng của vòng xiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của việc đúc trống. Lẽ đương nhiên, việc rót đồng là quan trọng nhất trong khâu đúc trống, làm sao để từng mảnh trống có độ dày như nhau, không bị thủng hoặc có thể hoàn thiện đến mức gõ nên những âm thanh trầm hùng, là kinh nghiệm thất truyền mà chỉ người thợ đúc đồng Đông Sơn có kỳ công và kỳ duyên tìm lại được. Vậy nên dẫu mặc trang phục truyền thống bó chẽn trang trọng, tinh tươm, nhưng khi đúc xong một chiếc trống, người nghệ nhân nào cũng mặt mũi tay chân lem luốc vì bụi bặm của lửa lò và mồ hôi nhễ nhại.

Đúc trống đồng công nghiệp: để mọi người cùng chiêm ngưỡng


 Kỹ sư Nguyễn Thượng Sách và
 trống đồng đúc bằng… máy
Không phải là nghệ nhân, nhưng mở đường và sở hữu duy nhất ở Việt Nam công nghệ đúc trống đồng công nghiệp là kỹ sư Nguyễn Thượng Sách, chủ xưởng đúc đồng Thuận Thiên (Hải Dương). Kỹ sư Nguyễn Thượng Sách (SN 1962, tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), tốt nghiệp chuyên ngành đúc, Khoa Luyện kim của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau hơn 3 năm (2006- 2009) tìm tòi, thử nghiệm, anh Sách đã chế tạo thành công dây chuyền đúc trống theo công nghệ “Đúc chính xác bằng phương pháp mẫu cháy trong môi trường chân không”. Với công nghệ này, cùng lúc anh có thể cho ra lò hàng loạt chiếc trống đồng với độ tinh xảo rất cao mà sự khác biệt giữa những chiếc trống với nhau chỉ là tối thiểu.


Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại cơ sở của Nguyễn Thượng Sách chỉ mới đúc thành công những chiếc trống đồng có đường kính mặt 46cm trở lại, chưa thể sản xuất những chiếc trống lớn. “Công nghệ thì tôi hoàn toàn làm chủ, nhưng để tạo dây chuyền sản xuất trống lớn cần chi phí rất lớn, vượt ngoài khả năng của chúng tôi. Cho nên việc đúc hàng loạt loại trống này chỉ là vấn đề thời gian. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào mặt hàng loại nhỏ, giá thành thấp, phục vụ nhu cầu quà tặng lưu niệm, để đông đảo người dân có thể tiếp cận với trống đồng, vốn được coi là bảo vật chỉ có trong các bảo tàng hay bộ sưu tập của một số đại gia”- Kỹ sư Nguyễn Thượng Sách cho biết.

Ngược trở lại thời gian hơn 3 năm về trước, người kỹ sư này có dịp lang thang tham quan các khu phố cổ, nơi bày bán rất nhiều quà tặng lưu niệm cho du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội. Anh chợt nhận thấy rằng thị trường quà tặng tràn ngập các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài và dĩ nhiên mang bản sắc văn hóa nước đó. Trong khi muốn tìm một món quà mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam thì không hề dễ. Bên cạnh đó, chất lượng của các sản phẩm này, nhất là đồ chế tác bằng đồng, có rất nhiều lỗi kỹ thuật, thẩm mỹ rất kém. Nguyễn Thượng Sách quyết định đầu tư thời gian, công của để sản xuất ra những mặt hàng quà tặng có chất lượng cao, mang đậm bản sắc Việt. Sau khi thành công với công nghệ đúc mới, hàng loạt các sản phẩm như Kim tượng Đức Thánh Trần, tượng Bác Hồ, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đầu rồng thời Lý… lần lượt ra đời, ngay lập tức dược thị trường đón nhận.


Một góc xưởng sản xuất trống đồng hàng loạt
Nhưng đối với anh, sản phẩm mang tính biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam và cũng khó đúc thành công nhất vẫn là trống đồng Đông Sơn, nên anh quyết tâm chinh phục bằng được. Không biết bao nhiêu lần đúc thử nghiệm, cuối cùng những chiếc trống đồng có đường kính mặt 12 cm được đúc thành công. Anh tiếp tục làm nhiều cỡ trống khác, từ 6 cm đến 46 cm, hướng tới một bộ sưu tập đa dạng về trống đồng, từ chiếc bé nhất, đến chiếc có thể đạt kỷ lục thế giới.

Thay lời kết

Hai phương pháp chế tác trống đồng, một là thủ công truyền thống, một là công nghệ hiện đại, tưởng như có những “mâu thuẫn” trong việc phát triển nghề đúc trống đồng và con đường quảng bá văn hóa Việt ra ngoài thế giới. Nhưng có thể khẳng định ngay là không phải vậy. Kỹ sư Nguyễn Thượng Sách cho biết: “Việc càng nhiều người được tiếp cận, sở hữu những phiên bản trống đồng càng làm mọi người thêm yêu quý những nét văn hóa độc đáo của nước Việt”. Còn những nghệ nhân truyền thống như nghệ nhân Thiều Quang Tùng luôn quan niệm rằng khi chuyên tâm vào nghề thì nghề sẽ không phụ người. Khi mà càng nhiều người biết đến trống đồng thì việc trình diễn những phương pháp tưởng như thất truyền của nghề đúc trống Đông Sơn cho du khách hoàn toàn có thể là một hướng đi khả quan trong ngành du lịch. Và ngược lại.

Trần Sa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm