Tiêu cực rất dễ nảy sinh

27/06/2012 11:37 GMT+7 | V-League

Thời điểm này, các đội bóng Việt Nam đang nỗ lực tập luyện để tìm lại cảm giác tốt nhất khi V.League trở lại vào giữa tháng 7. Trong cuộc chạy đua nước rút 6 vòng đấu cuối mùa, Ban tổ chức giải chắc chắn sẽ phải đau đầu để ngăn ngừa tiêu cực.

Vẫn còn chuyện ân tình

Sau 20 vòng đấu, suất rớt hạng đầu tiên đã được xác định thuộc về V.Hải Phòng (11 điểm), kém đội đang xếp áp chót K.Khánh Hòa tới 11 điểm. Cuộc đua chạy trốn chiếc vé rớt hạng còn lại hứa hẹn sẽ rất khốc liệt khi khoảng cách giữa các đội nằm trong "vùng nguy hiểm" chỉ là 1 điểm: K.Khánh Hòa (22 điểm), K.Kiên Giang (23 điểm), CS.Đồng Tháp (24 điểm). Thậm chí, các đội xếp ngay phía trên: Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Dương (26 điểm) cũng có thể bị cuốn vào "vòng xoáy" bất kỳ lúc nào.



Những cuộc đối đầu giữa các đội bóng thuộc nhóm cuối luôn tiềm ẩn bất ngờ

Nói cách khác, trong mỗi trận đấu cuối mùa, việc kiếm được 1 điểm để nhích gần hơn tới ngày cập bến an toàn cũng rất quý. Những phút thi đấu "có mùi" tiêu cực sẽ tới khi một đội bóng mạnh đã hết mục tiêu phấn đấu gặp đội bóng đang khát điểm trụ hạng. "Theo kinh nghiệm của tôi thì tình cảm giữa các cầu thủ với nhau ở Việt Nam còn nặng nề lắm. Và có thể ai đó sẽ thi đấu không hết sức để tạo cơ hội cho "những người bạn" giành điểm", cựu Huấn luyện viên Trần Văn Phúc nói. Chia sẻ quan điểm với ông Phúc, Huấn luyện viên Vương Tiến Dũng cho hay: "Chuyện mỗi đội giành một trận thắng ở các trận lượt đi và về vẫn tồn tại trong bóng đá Việt Nam. Điều này đã tạo ra sự thiếu công bằng trong việc cạnh tranh suất trụ hạng".

Thực tế, trong hơn 2/3 chặng đường đã qua ở mùa giải năm nay, những điều tiếng liên quan đến công tác trọng tài, những trận đấu có "vấn đề" đã bị dư luận điểm mặt. Thậm chí, nghi án bán độ của một số cầu thủ Sài Gòn.Xuân Thành (trong trận hòa K.Khánh Hòa 2-2 vòng 7; thua Hà Nội T&T 0-1 vòng 12; hòa Sông Lam Nghệ An 2-2 đấu bù vòng 13…) còn bị đưa lên báo nước ngoài.

Liệu có "phao" cứu sinh?

Với những diễn biến khá phức tạp trong lòng bóng đá Việt Nam, hồi cuối tháng 5, Tổng cục Thể dục thể thao đã chủ trì cuộc họp và lưu ý VFF, VPF phải đặc biệt chú trọng tới các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho giải, ngăn chặn tiêu cực trong giai đoạn cuối mùa. Việc phân công các trọng tài, giám sát cũng phải bảo đảm sự công tâm, khách quan. Ở những trận đấu "nhạy cảm", phải bố trí các trọng tài giàu năng lực, trình độ nhất điều khiển. Tổng cục cũng yêu cầu VFF, Ban kỷ luật rà soát lại các quy định về kỷ luật, xử lý nghiêm các vụ việc.

Vấn đề là mùa giải nào cũng vậy, Tổng cục luôn nhắc nhở nhiều, VFF cũng đã cử các đoàn đến từng câu lạc bộ để làm công tác tư tưởng cho các huấn luyện viên, cầu thủ, nhưng rồi tiêu cực vẫn còn đất diễn. Trong suốt tháng nghỉ tránh EURO 2012, các đội bóng đã áp dụng đủ mọi cách (thu giữ laptop, điện thoại, điểm danh thường xuyên…) để các cầu thủ tập trung vào công tác chuyên môn, thay vì sa đà vào nạn cá độ. Nhưng tâm sự chung của ban huấn luyện các đội bóng là chẳng ai dám chắc không có cầu thủ nào "vượt rào". Đây cũng là một nỗi lo cho chặng đường sắp tới của V.League 2012 bởi mất tiền cá độ, cầu thủ còn đâu tâm trí thi đấu, đặc biệt khi đội bóng của họ không còn nhiều mục tiêu phấn đấu (?).

Phía trước, ngay ở vòng 21 sẽ có một số trận đấu bị đưa vào "tầm ngắm": Sài Gòn.Xuân Thành - K.Khánh Hòa, Hoàng Anh Gia Lai - K.Kiên Giang, Bình Dương - Đồng Tháp. Mong rằng sẽ không có những "chiếc phao" cứu sinh được tung ra khiến Ban tổ chức giải phải đau đầu.

Theo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm