Mùa hái ngô nấu rượu trên vùng cao Bản Phố

11/09/2010 06:48 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Online) – Mùa thu là mùa nấu rượu của vùng cao Bản Phố, Bắc Hà (Lào Cai). Đến Bản Phố vào thời gian này, rảo bộ đến bất kỳ thôn, bản nào bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nồng của mùi rượu ngô trong gió.


Nương ngô trên đỉnh núi cả bắp lẫn lá đã chín vàng
Đã từ lâu rượu là đồ uống phổ biến của người dân vùng cao, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Ở huyện Bắc Hà thì hầu như xã nào cũng có gia đình nấu rượu ngô, nhưng rượu Ngô của đồng bào người Mông Bản Phố là ngon nhất. Không biết từ khi nào, kể từ khi người Mông Hoa về định cư tại xã Bản Phố này, trồng ngô và nấu rượu đã trở thành nghề chính. Người Mông ở các xã khác của huyện Bắc Hà, và các huyện khác của tỉnh Lào Cai cũng trồng ngô nấu rượu nhưng chỉ theo thời vụ, chủ yếu trồng ngô để chăn nuôi và bán. Nhưng ở Bản Phố thì người dân trồng một giống ngô riêng và chỉ dùng để nấu rượu đặc sản, bán quanh năm, còn bã rượu dùng để chăn nuôi.

Ở Bản Phố, người Mông chỉ khai ruộng bậc thang trồng lúa nước đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực, còn lại hầu hết diện tích đất dành trồng cây ngô vàng. Ngô được trồng ở khắp nơi tại vườn nhà, ven suối, chân đồi, lưng chừng đồi, đỉnh đồi, thậm chí đỉnh núi đá cũng tận dụng để trồng ngô. Do khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa đông lạnh giá kéo dài nên người Mông Bản phố chỉ trồng được 1 vụ ngô/năm.

Đến thăm làng nghề nấu rượu ngô đặc sản xã Bản Phố nằm cách trung tâm huyện lỵ gần 2 km, tôi tìm tới nhà ông Giàng Seo Sẩu, 58 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Bản Phố 2A - một hộ gia đình nấu rượu lâu năm và rất có uy tín. Lúc tôi đến ông đang ngồi bên bếp lò nấu mẻ rượu mới. Ông Sẩu cho biết: “Thời điểm thu hoạch ngô cũng là thời điểm mùa nấu rượu bắt đầu. Từ cuối tháng 8 dương lịch đến hết tháng 11 dương lịch là thời điểm nấu rượu chính trong năm, phục vụ cho cả năm, đặc biệt là bán trong dịp tết tạo thu nhập cho người Mông Bản phố sắm tết".

Men rượu ở đây được làm từ một loài cỏ mang cái tên mỹ miều là Hồng My.


Cũng theo ông Sẩu, rượu ngô Bản Phố được quyết định bởi nguồn nước và men. Men rượu ở đây được làm từ một loài cỏ mang cái tên mỹ miều là Hồng My. Cây Hồng My hạt giống hạt kê, được trồng xen ngay ở nương ngô, nương lúa, ven những sườn đồi bậc thang,  hoặc dưới tán mận vào tháng 3. Loại cỏ này  hình dáng giống như cỏ mần trầu nhưng cao hơn. Từ tháng 9 đến tháng 10 là mùa thu hoạch Hồng My. Bông Hồng My được cắt về phơi khô, rồi treo trên sàn nhà hoặc gác bếp. Hạt Hồng My nhỏ li ti màu đen. Người Mông dùng hạt này đem xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi, nhào thật nhuyễn, nắm thành quả đặt trên rơm và phơi ở nơi ít nắng, thoáng gió. Đến khi những quả men khô thì gác lên bếp hoặc treo trên sàn để dùng dần. Cùng với men này, những dòng nước mát lành từ núi đá đã góp phần làm nên rượu ngô Bản Phố lừng danh.

Theo kinh nghiệm của nhiều gia đình có nghề nấu rượu ngô nổi tiếng ở xã Bản Phố, thì rượu ngon hay không ngon phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nguyên liệu chính là ngô trồng ngay trong vùng. Ngô được luộc trong một khoảng thời gian dài cho sôi nhiều lần đến khi hạt ngô chớm bung thì vớt ra và để nguội hẳn rồi đem ủ men. Ông Giàng Seo Sẩu cho biết đây được coi là giai đoạn quan trọng nhất. Sau đó trộn ngô với men Hồng My theo một tỷ lệ đã định rồi đem ủ, ngô được ủ ngay trên nền đất trong nhà thì mới tốt. Người nấu rượu sẽ nhận biết nhiệt độ ủ men bằng cách cho tay vào đống ngô. Họ luôn giữ cho đống ngô ủ không quá nóng, cũng không quá lạnh. Mùa lạnh thì che chắn và đậy lên trên đống ngô bằng bạt. Sau khi đống ngô ủ ấm lên, những hạt ngô xuất hiện phấn trắng thì đem ngô ủ cho vào trong thùng buộc chặt đủ thời gian chừng 5 đến 6 ngày thì cho ngô vào chõ để nấu rượu. Chõ phải làm bằng gỗ thì mới tốt, ngô nấu rượu được tính bằng “sinh”. Thông thường mỗi nồi rượu người ta nấu khoảng 2 sinh ngô bằng 60 Kg, chưng cất được khoảng từ 20 đến 24 lít rượu, nồng độ khoảng chừng trên 40 độ. 


Bắp ngô chín vàng, mà phải là loại ngô của địa phương mới nấu được rượu ngô đặc sản Bản Phố
Thứ rượu này chỉ có ở Bản Phố từ bao đời nay, không thể lẫn với loại rượu khác. Ngô, men Hồng My, rồi đất rừng, núi đá cộng với nguồn nước từ núi đá, khí hậu và tình cảm của người Bản Phố đã hòa quện vào nhau để tạo nên thứ rượu ngon này. Để cho thế hệ trẻ tâm huyết với nghề nấu rượu, Đảng ủy, UBND Bản Phố động viên những người có kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ trẻ tránh sự mai một. Ông Giàng Seo Sẩu bày tỏ: “Mình có được nghề nấu rượu là do bố mẹ truyền dạy lại cho, bây giờ mình phải có trách nhiệm truyền lại cho con mình, chúng giờ đây cũng đã tự nấu được rượu rồi”.

Năm 2007, huyện Bắc Hà xây dựng thành công thương hiệu rượu ngô Bản Phố. Rượu ngô Bản Phố đã trở thành thương hiệu rượu riêng của Lào Cai sau khi rượu Shan Lùng mất thương hiệu. Ở xã vùng cao Bản Phố, 100% gia đình người Mông trong xã đều nấu rượu ngô đặc sản và có 246 hộ nấu thường xuyên. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bản Phố năm 2010 toàn xã trồng 320 ha ngô, năng xuất trung bình 3,5 tấn/ha, sản lương trên 1000 tấn.


Già làng Giàng Seo Sẩu đếm những bao ngô vừa thu hoạch về
Năm 2009, làng nghề Bản phố nấu và bán ra thị trường khảng 403.000 lít rượu trắng, tăng gần 40.000 lít, giá trung bình 15 ngàn đồng/lít, tăng 3.000 đồng/lít so với năm 2008, thu 6 tỷ 045 triệu đồng, tăng trên 1 tỷ đồng. Trong dịp tết vừa qua, đồng bào Mông xã Bản Phố đã nấu và bán ra thị trường 120.000 lít rượu ngô đặc sản gồm rượu thường và rượu nấu bằng men lá Hồng My, thu gần 300 triệu đồng. Còn từ đầu năm 2010 đến nay, đã nấu và bán ra thị trường gần 250.000 lít rượu.

Phát triển nghề trồng ngô gắn với làng nghề truyền thống nấu rượu ngô đặc sản Bản Phố không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào Mông vùng cao, góp phần xóa nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông, mà đã trực tiếp giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông ở Bản Phố. Cùng với rừng mận tam hoa thì thương hiệu rượu ngô đặc sản cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai.

Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh Vùng cao Bản Phố mùa hái ngô nấu rượu mới.


Phụ nữ Mông địu gùi lên núi hái ngô về nấu rượu


Cánh trai bản được phân nhiệm vụ dắt ngựa đi thồ ngô về nhà


Nhà nào khá giả có xe máy thồ ngô từ nương về nhà


Phụ nữ có nhiệm vụ phơi và tách ngô. Ngô phơi càng khô nấu rượu càng thơm



Ủ ngô nấu rượu bên bếp lò đất truyền thống của người Mông


Còn cánh đàn ông chủ yếu ngồi nấu rượu và thử rượu.
Đến khi nấu xong mẻ rượu cũng say luôn.


Người phụ nữ mang rượu đi bán


Làng nghề nấu rượu ngô ở Bản Phố


Bài, ảnh: Tráng Xuân Cường
Đài TT- TH huyện Bắc Hà, Lào Cai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm