Kỳ 2: Đi chợ ngựa và tới thăm "Vua ngựa" Bắc Hà

10/06/2010 14:38 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Online) – Đi chọn ngựa ở chợ vùng cao và làm một chuyến đến thăm người được mệnh danh là “Vua ngựa” Bắc Hà, tôi mới hiểu “nghề chơi” của người miền núi thật lắm công phu.

Chọn ngựa theo kinh nghiệm cha truyền con nối

Như đã hẹn, chủ nhật, bạn tôi là anh Triển dẫn tôi đến chợ ngựa Bắc Hà. Khu chợ bán ngựa nằm trên đỉnh đồi nhỏ, đằng sau khu chợ chính và ở dưới khu chợ trâu. 8 giờ sáng khu chợ bán trâu, ngựa đã nhộn nhịp với hàng trăm con trâu, ngựa đứng chờ người đến mua. Ở đây là nơi thu hút nhiều đàn ông nhất, họ đến từ các bản làng xa tít tắp, thậm chí nhiều người từ Bắc Giang, Hà Tây... cũng lên đây để buôn trâu, ngựa về xuôi.


Chợ ngựa Bắc Hà
Những con ngựa đứng đó, con cụp mắt cúi đầu, có con âu yếm gác đầu lên nhau, có con bị buộc vào cột điện thỉnh thoảng lại “hí” lên một tiếng. Đi một vòng, anh Triển dừng lại chỉ tay vào một con ngựa lông vàng, đen, trông to khỏe, lực lưỡng. Anh bảo con ngựa này vừa thồ tốt, vừa đua tốt. Người bán phát giá 10 triệu đồng. Quay sang tôi anh Triển thì thầm: “Họ bán đúng giá đấy. Con ngựa này kiểu gì hôm nay cũng bán được hoặc đổi được”. Nếu đổi, người bán sẽ đổi lấy một con ngựa nhỏ con hơn nhưng khỏe mạnh, và thồ được, cộng với 2 triệu đồng từ người đổi.


Kinh nghiệm chọn ngựa tốt, phải chọn con ngựa có chân thế này
Anh Triển cho biết chọn ngựa đua với ngựa nuôi gần giống nhau và người miền núi chọn ngựa chủ yếu do kinh nghiệm cha truyền con nối nhưng cũng rất công phu. Theo kinh nghiệm của chú Giáo tôi, chọn ngựa tốt trước hết phải có dáng to cao, béo, chân thẳng thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như tơ lụa. Đặc biệt không nên chọn ngựa có lông nhiều màu sắc. Mua ngựa tốt nhất nên cưỡi thử chạy mấy vòng quanh bãi bán. Nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khỏe tốt, còn muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Và một điều không nên quên khi mua ngựa là phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh hay cắn người. Dân mua ngựa sợ nhất là mua phải ngựa Tầu đưa từ Trung Quốc sang. Bởi trước khi đưa sang Việt Nam bán, ngựa Tàu bị tiêm thuốc. Nhìn bề ngoài chúng rất béo khỏe, nhưng khi mua về được một thời gian thì gầy tọp đi, rất dữ, hay cắn và đá người.

Vào giải đua ngựa  năm 2010, cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ, huyện Bắc Hà sẽ cho nấu thắng cố bằng chiếc chảo thắng cố được ghi vào kỷ lục Guinness Việt Nam.
Rời chợ ngựa chúng tôi rủ nhau đi xuống khu vực hàng bán thắng cố. Đây là đặc sản được người địa phương rất ưa thích, chủ nhật nào các hàng thắng cố ở chợ cũng đắt hàng, bán đến trưa là hết sạch. Mùa xuân và mùa hạ là thời điểm dân hay mang ngựa đi bán nhất vì khi đó có cỏ nhiều, ngựa to béo được nhiều thịt, được giá. Đó cũng là thời điểm ngựa sinh sản nên nhà nào có thêm ngựa con thì bán bớt đi lấy tiền mua phân trồng cây. Sau giải đua ngựa hàng năm, những con bị thương đều được bán cho các hàng thắng cố.

Tôi thầm nhủ: mấy anh nông dân đầu tư cả chục triệu mua ngựa đi đua, đoạt giải còn gỡ gạc lại được, còn không đoạt giải thì chỉ có lỗ nặng. Thế mới biết người dân miền núi say mê đua ngựa thế nào. Tôi cũng thầm cảm thương cho thân phận những chú ngựa vùng cao, cả đời sống phục vụ chủ nhân, khi chết là món ăc đặc sản nổi tiếng dâng cho đời.

Bí quyết của “Vua ngựa” Bắc Hà

Tới xã Tả Chải vào thôn Na Khèo chúng tôi đến gặp “Vua Ngựa” Triệu Văn Minh, 49 tuổi, dân tộc Nùng. Ông Minh là người nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh Lào Cai, kể cả trong Nam. Hồi trẻ ông Minh là kỵ sỹ đua ngựa giỏi nhất ở Na Khèo. Suốt 20 qua, ngoài việc cùng vợ một tuần đi 4 phiên chợ buôn gà, ông Minh cùng anh trai là Triệu Văn Triều lặn lội khắp chợ vùng cao Tây Bắc tìm mua ngựa tốt về bán buôn cho các kỵ sỹ và dân nuôi. Đặc biệt ông chuyên tìm giống ngựa bạch - ngựa thuốc quý hiếm để nấu cao ngựa bạch. Cao ngựa bạch do anh em nhà ông Minh nấu ra có chất lượng tốt nên nhiều người ngoài tỉnh đặt mua đến nỗi không đủ  để bán.


Con ngựa bạch quý của ông Minh
Ông Minh cho biết ngựa là loài bộ một guốc nên không hay bị bệnh, ốm như trâu, bò (nhóm bộ 2 guốc). Ngựa có sức khỏe dẻo dai, ít bị ốm, dễ cho ăn hơn trâu, bò. Tùy hoàn cảnh từng nhà và đặc điểm lao động của ngựa mà có chế độ ăn khác nhau. Ngựa để phục vụ thồ hàng thường được cho ăn cỏ. Nhà nào nuôi để kéo xe chở hàng, thồ nặng thì phải cho ngựa ăn thêm nhiều đậu tương, ngô hạt. Còn ngựa đua thì cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá và cần cho ăn thêm nhiều đậu tương hơn bình thường một chút.


Thái cỏ cho ngựa ăn
Ngựa ở vùng cao Bắc Hà thời tiết lạnh nên dễ mắc bệnh phổi, sổ mũi và đau bụng, đầy hơi. Tùy từng bệnh mà có loại thuốc riêng, đa số người dân ở đây chữa bệnh cho ngựa bằng các bài thuốc dân gian gia truyền. Ông Minh vỗ vai tôi bảo: “Dòng tộc họ Tráng nhà cháu nổi tiếng Bắc Hà, Si Ma Cai là giỏi bốc thuốc Nam, chữa bệnh cho người và vật nuôi, con ngựa. Còn chú chuyên mua, nuôi ngựa tốt, quý hiếm để bán thu lãi nên phải nắm kỹ các phương thuốc chữa bệnh cho ngựa và cách chăm sóc ngựa tốt nhất”.


Cây thuốc cà phay

Cây xuyên khung

Ông Minh đưa tôi ra vườn cây thuốc trước cửa cạnh khu chuồng nuôi 1 con ngựa bạch trị giá 50 triệu đồng, chỉ vào từng cây thuốc giới thiệu: Có 2 loại cây chữa bệnh cúm, đau bụng, đầy bụng… Đây là cây xuân khung, còn kia là cây cà phong (tiếng Nùng). Khi ngựa bị đau bụng, đầy hơi hay bị cúm thì lấy lá cây này thái nhỏ trộn với cám ngô cho ngựa ăn 1- 2 lần là khỏi, hoặc ngâm với thóc, vớt lên cho ngựa ăn; một cách nữa là lấy tóc rối, hoặc nón tầu (nón nứa do Trung Quốc làm bán ở các chợ phiên vùng cao Bắc Hà) đốt hòa với nước cho ngựa uống. Còn khi ngựa mắc bệnh việm phổi, sổ mũi thì lấy quả thảo quả khô, hạt sẻn (có vị cay giống hạt tiêu) nghiền nhỏ, pha với 1 chậu nhỏ nước trắng, 1/3 lọ dầu phật linh  rồi cho ngựa uống 1-2 lần là khỏi. Hay cách lấy nước pha với hạt tiêu giã nhỏ, cho 1/3 lọ dầu gió phật linh cho ngựa uống. Còn nếu muốn chống cảm lạnh và chống rét cho ngựa trong mùa đông giá lạnh, người dân Bản Phố cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô (ngô sau khi lên men đem nấu lấy rượu còn lại bã nguyên hạt). Nhưng cách này không dùng được cho ngựa đua vì chỉ cần chạy hơn km ngựa sẽ lăn ra chết. Tốt nhất là làm chuồng trại kín, đốt vỏ thóc cạnh chuồng, rải rơm cho ngựa nằm, cho ngựa ăn cám ngô, ăn thóc nó sẽ có sức đề kháng tốt. Muốn ngựa khỏe phải chú ý vệ sinh chuồng trại ngày 2 lần buổi sáng sớm và buổi tối khi ngựa vừa tỉnh giấc và vào chuồng ngủ. Mùa đông lạnh không được tắm cho ngựa, mùa hè nóng, 1-2 ngày phải tắm cho ngựa. Đặc biệt muốn ngựa có sức khỏe phải cho ngựa luyện chạy thường xuyên ở sân vận động, trên các con đường đất, tránh chạy ở đường đá dễ hỏng móng của ngựa.

Rời nhà “Vua ngựa” lòng tôi khấp khởi muốn đến thăm kỵ sĩ đoạt giải nhì cuộc thi vừa đua ngựa, vừa bắn súng năm 1980.

Đón đọc kỳ 3: Những "cao bồi" vùng cao
Tráng Xuân Cường
Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bắc Hà, Lào Cai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm