Hashima, thiên đường không người

14/07/2011 07:39 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Cuối tuần) - Con người, dù ở điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt đến mấy cũng cố thích nghi để tồn tại, cho dù giữa sa mạc khô cháy hay trên nền đất đóng băng quanh năm. Nhưng cũng có những thành phố hiện đại như đảo Hashima (Nhật Bản) từng có mật độ dân cư cao nhất thế giới, lại khiến Chúa trời quay lưng lại, vì nó là biểu tượng của lòng tham vô đáy và cách sống không cần biết ngày mai. Vơ vét tài nguyên đến cạn kiệt rồi bỏ lại một sa mạc bê tông ma quái - e rằng đây không phải lỗi lầm cuối cùng của xã hội - tự gọi là văn minh.

Đảo ma

Hashima nghĩa là “đảo biên giới“ vì nằm ở tận cùng tầm nhìn tính từ đảo chính, nhưng người Nhật kính cẩn gọi tên hòn đảo là Gunkanjima - đảo chiến hạm. Trông từ xa, quả là hòn đảo 6,3 ha này với bờ tường bê tông bao quanh và các nhà cao tầng như tháp ống khói của một chiếc tàu thủy đang lướt sóng ra biển Hoa Đông. Một núi bê tông cốt sắt xám xịt trần trụi, hầu như không có màu xanh cây lá. Nhưng cái tên hung dữ ấy không chỉ định nói lên hình vóc Hashima, mà hàng thập niên liền con người ở đây đấu tranh chống lại thiên tai và... chống lẫn nhau trên một diện tích 160x480 mét. Theo thống kê chính xác, mật độ dân số ở Hashima thuộc hàng kỷ lục thế giới với 83.476,2 người trên mỗi cây số vuông ở thời điểm đông nhất (Hà Nội hiện nay: 1.935 người).

Hôm nay “chiến hạm” đứng trơ trọi như một con tàu ma. Trước đây 37 năm người dân tháo chạy khỏi đây trong một cuộc di dân cấp tốc, giờ đây trên đảo chỉ còn sót lại những đàn mèo hoang. Biểu tượng của thời hiện đại biến thành biểu tượng của sự khả biến trong cái được gọi là vĩnh cửu: trong vài căn nhà còn thấy bàn ăn bày biện sẵn, giường chiếu bụi bặm, tivi gỉ sét, bể bơi mốc meo... Từ một khu công nghiệp hóa cao, hôm nay Hashima chỉ còn là nhân chứng câm lặng cho một trang sử của kinh tế Nhật Bản thần kỳ.


Nhìn từ xa đảo Hashima như một chiếc chiến hạm

Thành phố kiểu mẫu của đất Phù Tang hậu chiến

Tất cả bắt đầu với một phát hiện nổ như bom: dưới nền đất của Hashima có một trữ lượng than đá lớn, và nước Nhật không thiếu gì hơn là nguồn năng lượng để phụng sự cho Thế chiến II. Thực ra từ thế kỷ 19 người Nhật đã đào than ở hòn đảo lớn bên cạnh để phục vụ công nghiệp muối. Nhưng các kỹ sư Scotland đã xây cho Nhật Bản một công nghiệp mỏ hoành tráng để hàng ngày đào than từ độ sâu 45 mét, nhất là từ khi nước này mất dần một loạt nhượng địa.

Nhu cầu than đá khiến công nghiệp Nhật Bản vươn ra hướng biển. Năm 1890, công ty Mitsubishi mua đảo Hashima với số tiền 10 vạn yen và thiết kế một vỉa khai thác dài 200 mét. Công ty Mitsubishi ngày ấy chủ yếu đóng tàu, nhưng còn nuôi nhiều tham vọng khác, và Hashima được chọn để xây thành đô thị kiểu mẫu, một phản chiếu mini của xã hội Nhật Bản. Sau đó họ liên tục đưa công nhân và gia đình ra đây, lượng than khai thác cho nền công nghiệp đói năng lượng ngày càng lớn. Năm 1916 bắt đầu với 150.000 tấn, sang 1941 đã đạt 400.000 tấn.

Mitsubishi xây đô thị kiểu mẫu này đúng như tôn ti trật tự trong phần còn lại của nước Nhật. Mấy biệt thự tư nhân ở mũi nhọn hướng ra biển dành cho ban điều hành mỏ, công nhân chen chúc trong các căn phòng 9,9 mét vuông với công trình phụ công cộng. Ai lấy vợ đẻ con thì được gấp đôi diện tích. Ngày ấy chung cư cao tầng được ca ngợi là giải pháp kiến trúc của tương lai, thậm chí ở Hashima hồi năm 1916 đã mọc lên ngôi nhà “chọc trời“ đầu tiên bằng bê tông cốt thép của Nhật. Nó có cả thảy... 9 tầng.


Nhưng bên trong nó giờ chỉ còn một đống đổ nát

Lao lực dưới mực nước biển

Không phải ai cũng tự nguyện tìm đến miền đất hứa này. “Vừa đặt chân lên Hashima là tôi mất hết mọi hy vọng“, một công nhân gốc Triều Tiên, Suh Jung-Woo, nhớ lại. Ông biết ngay là mình đã thành một người tù khổ sai kiểu Papillon và có lẽ không bao giờ thoát khỏi chốn này. Suh Jung-Woo là một trong hàng trăm công nhân người Hoa và Triều Tiên bị ép ra đây để đào than cho Nhật. “Công việc cực khổ đến hãi hùng. Trong hầm than tụ đầy khí độc, trần và vách hầm có thể sụp bất cứ lúc nào. Tôi tin là sẽ không sống sót ra khỏi Hashima“.

Mỗi tháng có 4 đến 5 người chết vì tai nạn hay lao lực. Không chỉ tù khổ sai. Brian Burke-Gaffney, nhà văn và giáo sư tại Đại học tổng hợp Nagasaki, đã viết một phóng sự về Hashima. Ông phỏng đoán là đến cuối Thế chiến II khoảng 1.300 người nằm lại trên đảo, chưa kể đến số định trốn qua biển và làm mồi cho cá.

Doutoku Sakamoto thì ngược lại. Ông lớn lên ở đây vào một thời kỳ khác và rất nhớ Hashima. Sau Thế chiến II hòn đảo này phát triển thịnh vượng. Người ta đưa mức lương cao và hàng loạt ưu đãi để kéo người ra hòn đảo thù nghịch với sự sống này. “Chúng tôi rất sung sướng“, Sakamoto kể lại. “Mức sống ở đây cao nhất Nhật Bản. Đầu những năm 1960 nhà nào cũng có tủ lạnh, máy giặt và tivi“.

Từ nhà thổ đến nhà thờ

Từ một khu công nghiệp hóa cao, hôm nay Hashima chỉ còn là nhân chứng câm lặng cho một trang sử của kinh tế Nhật Bản thần kỳ.

Trường học, sân chơi, rạp phim, bệnh viện, quán hàng... ở đây cái gì cũng đủ, kể cả chùa chiền, nhà thờ cho người theo Thiên Chúa giáo và một nhà thổ. Những năm đầu tiên ở đây khan nước, hàng tuần đều phải chở nước ngọt bằng tàu thủy từ đất liền ra. Từ năm 1957 trở đi một đường ống mấy nghìn mét cung cấp nước ngọt cho dân cư trên đảo. Thiếu đất trồng trọt, dân Hashima trồng rau củ trên sân thượng để cải thiện. Cái duy nhất mà họ thiếu là nghĩa địa: người chết ở đây được chôn trong hầm lò đã hết than hoặc thả xuống biển.

Ở mật độ khủng khiếp như vậy, hầu như không có cuộc sống riêng tư. Về mặt này thì Hashima tiên phong để đấu tranh với những vấn đề mà nước Nhật hôm nay mới biết đến: thiếu chỗ. Bất cứ điểm nào trên đảo cũng có thể đi bộ đến trong vòng vài phút. Các tòa nhà được nối liền bằng một hệ thống hành lang và cầu thang hẹp. Vườn trẻ, chợ búa và bể bơi đều bị đưa hết lên mái. Mật độ dân số Hashima đông gấp 6 lần Tokyo hôm nay. Doutoku Sakamoto nhìn lại với ánh mắt lãng mạn hơn: “Chúng tôi là một cộng đồng chính cống, mọi người giúp nhau và sống vì nhau. Những đức tính đó làm gì còn trong xã hội Nhật Bản hôm nay...“.

Tượng đài sống lại

Chính vì vậy Doutoku Sakamoto hăng hái quảng bá cho Hashima, ông muốn hòn đảo không bị lãng quên, và kêu gọi mọi người làm đơn xin UNESCO công nhận hòn đảo là Di sản văn hóa thế giới - không vì thứ kiến trúc tổ ong dị dạng, mà để nói ra lời cảnh báo trước hành vi bóc lột tàn nhẫn thiên nhiên bằng mọi giá. Than đá, một thời tạo ra sự giàu có cho Hashima, sau này lại thành hố chôn đô thị kiểu mẫu khi công nghiệp hiện đại ở Nhật cũng như trên thế giới chuyển sang sử dụng dầu hỏa. Sau 16 triệu tấn vàng đen, đầu năm 1974 Mitsubishi tuyên bố từng bước đóng mỏ. Những công nhân đầu tiên quay về Nagasaki được hứa hẹn bảo đảm có công việc, lập tức tất cả đùng đùng khăn gói lên đường. Chỉ trong vòng hai tháng, Hashima đã vắng ngắt không một bóng người. “Chiến hạm“ sa vào giấc ngủ triền miên kéo dài mấy thập niên. Nhà cầm quyền cấm người lên đảo vì sợ sập nhà. Chỉ có vài phóng viên nhiếp ảnh hay đám thanh niên liều mạng đến đây ngắm nhìn mô hình xã hội không tưởng của Nhật Bản ngày nào.

Mấy thập niên sau, một số đơn vị du lịch lại nghĩ ra cách kiếm tiền ở Hashima. Họ chở khách du lịch với giá 40USD ra thăm đảo ma. Doutoku Sakamoto không quan tâm đến khía cạnh tài chính của việc này: “Tôi chỉ mong sao du khách đến đó rồi tự hỏi: tương lai của chúng ta ở đâu?“ Câu hỏi này có lẽ tự bật ra trong đầu mỗi du khách khi họ lang thang qua những căn nhà hoang vắng, giường chiếu như còn ấm hơi người, và ai không cố tình nghĩ đến đống gạch vụn Chernobyl thì cũng đã thấy Fukushima hàng ngày trên màn hình tivi.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm