Dính bẫy cô giáo mất nết

16/07/2008 15:09 GMT+7 | Tình yêu - Giới tính

Cuộc sống nơi rừng hoang nước độc, thiếu thốn tình cảm đã khiến tôi tiến tới gần Thu hơn. Cô là một giáo viên hợp đồng dạy cấp I. So với vợ tôi, Thu kém mọi phần, nhất là cái nết của người phụ nữ. Điều duy nhất cô ấy hơn vợ tôi có lẽ là sự quyến rũ đến mê hoặc trong “chuyện ấy”. Những cơn mưa rừng sầm sập, dữ dội và dai dẳng đã khiến tôi không giữ được sự thuỷ chung với vợ.

Thu báo cho tôi biết cô ấy có thai hai tháng. Lúc này đây tôi thực sự hoảng sợ, lo lắng mất đi hạnh phúc gia đang có, làm dang dở cuộc đời của Thu.

Tôi đã cho cô ấy biết sự thật tôi có gia đình và mong cô đừng giữ đứa bé vì tương lai của chính cô ấy và cả tôi nữa. Thu không nghe. Cô ấy kiên quyết giữ cái thai lại và sinh con. Tôi đã làm tất cả nhưng vẫn không thể nào thay đổi được quyết định của cô ấy.

Biết không thể giấu vợ khi đứa bé ra đời, tôi thú nhận tất cả và mong chờ sự phán xét nhưng vợ tôi đã tha thứ. Cô ấy hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Và để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cô ấy cùng tôi lên Lạng Sơn lập nghiệp. Tôi may mắn khi có được một người vợ độ lượng và vị tha như cô ấy...

Tôi quá bất hạnh khi dính phải một người như Thu.

Cô ấy sinh con trai. Tôi hiểu sẽ khó khăn thế nào nếu sinh và nuôi con một mình. Lương tháng tôi lúc đó là hai triệu, tôi đưa cho cô ấy một triệu, gia đình tôi bốn người sinh sống với một triệu còn lại của tôi cùng thu nhập của vợ.

Ngày 25 hàng tháng là ngày tôi đưa tiền nuôi con nhưng từ ngày 12 cô ấy đã gọi điện kêu con ốm, tôi qua con vẫn khoẻ. Ngày 21 lại con đi xét nghiệm máu, ngày 24 ti vi hỏng.Cho đến ngày 25 mọi chuyện mới bình thường.

Buổi tối nào cũng vậy trước khi đi ngủ cô ấy nhắn tin cho tôi: “Mày là thằng đàn ông khốn nạn, mày đã làm hại cuộc đời tao”. Tôi im lặng vì biết đó là lỗi của tôi. Nhưng cô ấy vẫn tiếp tục. Thật sự những lời sau tôi không đủ can đảm mở máy ra để đọc cho chị, vì những lời lẽ đó không phải của một giáo viên mà của một người vô văn hoá, nói thế nào được nhỉ, nó là sự pha trộn của tất cả cặn bã xã hội. Tin nhắn như thế kéo dài đến gần 1 giờ đêm và kết thúc bằng câu “Em yêu anh” nghe gai hết cả tim.

Ngày nào cũng thế, tôi bị tra tấn từ sáng sớm tinh mơ tới tối mịt về tất cả những gì không may mà cô ấy gặp phải trong cuộc sống. Con ốm, hắt hơi, sổ mũi, những chuyện bé như con kiến nhưng cô ấy bôi lên bằng con voi để tôi lo lắng hoảng sợ. Nếu thay được số điện thoại để cô ấy không làm phiền tôi sẽ làm ngay. Nhưng khổ một nỗi tôi làm giám sát công trình, không thể không liên lạc với anh em thợ thuyền, với cấp trên.

Vợ tôi hiểu nỗi đau trong lòng tôi. Cô ấy im lặng, thỉnh thoảng khuyên tôi quan tâm tới hai mẹ con Thu khiến tôi càng khó nghĩ. Tôi không bao giờ bỏ con của tôi, Thu biết điều đó nên ra sức hành hạ tôi bằng chính thằng bé.

Đến thăm con nhìn con ngồi vét cơm nguội ăn, tôi đau như nghẹn lại trong cổ. Thằng bé làm vãi cơm ra ngoài, chỉ chờ có thế cô ấy xông tới tát thằng bé miệng lu loa: “Mày là cái giống nhà nào mà ăn tàn phá hại, cơm đến miệng còn để rơi ra. Đồ ngu”. Tôi không thể nào chịu nổi vì cách cô ấy đối xử với con. Vâng, tôi đã tát cô ta và quát vào mặt con người ấy: “Lương tôi hai triệu, cả gia đình tôi bốn người có một triệu, mình cô và con một triệu, còn lương của cô nữa, vậy mà cô nuôi con như thế này à”.

Cô ta chùi nước mắt, mặt bất cần: “Anh tưởng một triệu của anh mà đủ nuôi con tôi sao? Tôi phải ngủ với bao nhiêu thằng đàn ông khác mới có đủ tiền nuôi con anh đấy”. Tôi choáng váng và ngã gục khi nghe xong câu ấy. Chị ơi! một người mẹ như thế thì làm sao mà nuôi con tôi nên người được hả chị?

Tôi có thể dùng tiền và quyền lực để dành quyền nuôi con trai tôi, nhưng tôi không muốn tước của cô ấy quyền làm mẹ, điểm tựa duy nhất của cô ấy. Tuy vậy cách cô ấy dạy con và làm cho cuộc sống riêng của tôi trở nên “điên đảo” như thế này khiến tôi không thể nào chịu đựng thêm được nữa...”.

Có người dùng con cái hành hạ, có người dùng những kỷ niệm “thân mật” khi còn bên nhau gây sức ép cho đối phương. Tất cả cũng vì tình yêu và sự hận thù khi không còn tình cảm với nhau nữa. Nhưng cách chia tay như thế nào cũng thể hiện nét văn hoá của mỗi người. Không nên để lòng hận thù biến mình thành một người hoàn toàn khác khi tình yêu đã chết.

 
Theo Dân Trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm