Đói nghèo ở bản “người say”

27/04/2009 17:41 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Bản Thín- Xã Lục Dạ -Huyện Con Cuông - Nghệ An cách trung tâm huyện lị 20km là một trong số ít thôn bản hầu hết là người Đan Lai sinh sống. Họ từng được biết đến với tên gọi tộc “người say”.

Hiện nay đời sống của đồng bào ở đây còn gặp vô vàn khó khăn. Trẻ con thất học, còn người dân gần như quanh năm thiếu đói…

Mỗi năm 10 tháng đói

Chúng tôi đến bản Thín vào một ngày cuối xuân khi cái nắng miền trung còn chưa gay gắt. Nhìn từ xa những ngôi nhà sàn ẩn mình dưới tán cây nhỏ xinh như những chiếc nấm. Dưới chân dốc bản lúa đã lên xanh. Phong cảnh gợi nên những nét yên bình nơi sơn dã. Cảm tưởng cuộc sống nơi đây không như những gì người ta biết về tộc người còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn này. Như đoán được suy nghĩ của tôi anh bạn dẫn đường người Thái tên Khôi phân bua: “Làng bản nhìn rứa thôi nhưng dân thì nghèo lắm…”

 

Theo anh bạn dẫn đường thì đây là nơi khó khăn nhất xã Lục Dạ vì hầu như tất cả các hộ đều thuộc diện đói nghèo và chưa được sự hỗ trợ về nhà ở và nước sạch. Tiếp chúng tôi là phó bản Viềng văn Hồng. Chính ông cũng không nắm được hết số nhân khẩu vốn ít ỏi của bản mình. Dường như với người dân ở đây việc quản lý nhân khẩu không phải là một điều gì quan trọng lắm. Ông phải nhờ đến quyển sổ ghi chép mới có thể giúp chúng tôi biết về số hộ dân trong bản gồm 30 nóc nhà với 142 con người sinh sống.

Trưởng bản La văn Núi cho biết mỗi hộ ở đây được chia 900m2 ruộng nước, người dân bản Thín cấy hai vụ mỗi năm nhưng năng suất rất thấp. Mỗi năm có tới mười tháng thiếu đói. Lương thực chủ yếu của người dân là củ sắn vag củ mài đào trên rừng, nhiều khi họ phải ăn canh môn trừ bữa suốt nhiều ngày liền. Do các ruộng lúa chủ yếu nằm dưới chân núi ngay gần lòng suối, đôi khi chỉ cần một cơn lũ là tất cả diện tích gieo cấy của cả bản có thể bị mất trắng. Vào mùa lũ bản Thín bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, cây cầu gỗ người dân tự bắc bị cuốn phăng ngay khi lũ về. Chị Lữ thị Minh lấy chồng về bản Thín đã bốn năm kể lại hồi năm 2008 khi chị bị đau ruột thừa người dân ở đây đã phải cõng chị lội suối đưa ra bệnh viện huyện. Chị tâm sự rằng: “nếu hồi đó lũ to nữa chắc mình cũng chết thôi.”

Thu nhập chính của người dân bản Thín chủ yếu là tiền làm thuê cho lâm trường. Mỗi ngày đi phát rừng họ được lâm trường trả cho từ 20 đến 30 ngàn đồng nhưng số tiền kiếm được sau đó lại đổ hết vào rượu. Như anh Kha văn Luyện là một trường hợp như vậy. Chúng tôi đến đúng cả bản đang dựng lại nhà cho. Những ngườ fựng nhà cho biết rằng mấy ngày trước anh đi phát rừng về sau đó uống rượu say và phá nát căn nhà của mình. Gia đình anh có bốn người con nhưng đều không được đi học đầy đủ vì hoàn cảnh quá khó khăn. Chúng tôi có gặp người con thứ ba của anh và khi chúng tôi hỏi thì em nói em mới học hết lớp hai.


Chỉ cần một cơn lũ tràn về cây cầu này sẽ bị cuốn phăng

Bản “lớp năm”

Bản Thín có một điểm lẻ của trường tiểu học Lục Dạ 2 gồm 5 phòng từ lớp 1 đến lớp 5. Toàn trường có vẻn vẹn 30 học trò và 5 cô giáo. Chúng tôi đến thăm trường học của các em học trò bản Thín vào ngày nghỉ nên quang cảnh trường lớp càng tiêu điều. Mỗi phòng học chỉ có một hoặc hai bàn cho học sinh đang nằm chỏng trơ xiêu vẹo. Tất cả các phòng từ lớp học đều là tranh tre nứa lá. Cơ sở vật chất ở đây đều do người dân trong bản tự đóng góp. Những lớp học như thế này thường xuống cấp rất nhanh và mỗi năm dân bản lại tổ chức dựng lớp học cho con em một lần. Các cô giáo đề từ thị trấn huyênh đến đứng lớp. Khi có lũ không có cầu để sang các cô lại phải nghỉ dạy và các em cũng phải nghỉ học đến khi lũ rút.

Ông trưởng bản cho chúng tôi biết thêm rằng trẻ con ở đây không học qua lớp năm. Lí do chính không phải vì lực học của các em quá kém mà do bản cách trung tâm huyện lị quá xa. Trường trung học cơ sở gần bản nhất cũng cách bảy cây số đường rừng. Chính điều kiện khó khăn đó đã làm cho “cái chữ” không đến được với các em. Khi chúng tôi hỏi con trai của anh Kha văn Luyện có muốn tiếp tục đi học không thì em đã bẽn lẽn trả lời rằng: “Cha mẹ có nhiều tiền cho đi học thì em đi”.

Một điều ao ước lớn nhất của người dân bản Thín là một cây cầu nối từ bản ra đường cái để có thể đi ra trung tâm. Huyện.Hiện giờ, cây cầu gỗ là lối đi lại duy nhất để đi từ bản ra huyện lị. Khi chiếc cầu bị lũ cuốn cũng đồng nghĩa với việc giáo viên phải nghỉ dạy và học trò thì ngồi nhà nhìn nước lũ.. Các em học sinh  thường xuyên bị gián đoạn chương trình học cũng đã thành chuyện bình thường ở cái bản nhỏ này.

Nói như ông La Văn Núi thì muốn khai thông những bế tắc còn tồn đọng ở cái bản heo hút này chỉ cần một cây cầu kiên cố thôi là xong. Đã có một tuyến đường rải nhựa vào khu du lịch Thác Kèm ngang qua cách bản Thín chưa đầy ba trăm mét. Nhưng đó cũng là một khoảng cách xa vời lắm. Nhất là vào những ngày lũ, họ chỉ biết ngồi húp cháo môn mà nhìn lên thèm thuồng. Ước mơ về một cây cầu của người dân bản Thín bây giờ có khác nào niềm khát khao tìm thấy môt trăm cây nứa vàng và “con thuyền liền chèo” của cha ông họ khi xưa.

Nguyên Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm