'Phượt thủ' Giorgio Bettinelli: Chỉ là cưỡi… Vespa xem hoa!

22/09/2013 13:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Không điếu thuốc nào cho tới tận Sài Gòn” – nhà báo người Ý Giorgio Bettinelli đã phải hứa với bản thân mình như vậy để không nhụt chí trên hành trình xe máy từ Ý đến Việt Nam hồi năm 1992-1993. Ông đã mất năm 2008.

1. Giorgio Bettinelli sinh năm 1955 là nhà báo, nhà văn kiêm “phượt thủ” người Ý. Cuộc đời ông gắn với niềm đam mê lớn – chiếc xe Vespa. Đọc sách du ký để thấy người du hành đích thực hạnh phúc nhất là lúc “trên đường” (On the Road – tên cuốn tiểu thuyết hành trình nổi tiếng của “phượt thủ” người Mỹ Jack Kerouac). Hơn tất cả, trên đường mang lại cảm giác tự do vô hạn mà không nơi chốn nào có được. Chính sự “tự do mãnh liệt đến đau đớn” đã khiến tác giả Bettinelli ứa nước mắt khi ông lấy lại được chiếc Vespa từ hải quan và bắt đầu vi vu trên đường quốc lộ từ sân bay về Hà Nội, năm 1993. Cũng chính vì vậy, vừa đặt chân đến Sài Gòn một ngày, tâm hồn khao khát tự do này đã nghĩ ngay đến chuyến đi tiếp theo: “Xuất phát từ Anchorage, Alaska”.

Bìa sách Vespa du ký Từ Roma đến Sài Gòn

Trở lại với cuốn sách, Bettinelli chỉ dành vài chục trang về Việt Nam trong cả cuốn nhật ký hành trình Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn dày 430 trang của ông. Ấn tượng cũng không hẳn sâu đậm hơn các nước khác.

Việt Nam là điểm cuối chuyến đi từ Tây sang Đông của tác giả, qua 10 nước: Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Điều gì đặc biệt? Tác giả đi bằng xe Vespa.

Cuốn sách khởi đầu với Sài Gòn - thời điểm Bettinelli hoàn tất cuộc hành trình và kết thúc cũng ở Sài Gòn. Tác giả hầu hết di chuyển bằng xe máy, nhưng cũng có lúc ông phải gửi xe cho hải quan và bay từ Viêng Chăn (Lào) đến Hà Nội. Từ Hà Nội, Bettinelli lấy chiếc Vespa và đi Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phan Thiết, chỉ dừng lại khi tới TP.HCM.

2. Khi đến TP.HCM, ông đã gọi nơi đây là “phiên bản B của Bangkok” với “nét quyến rũ của một xã hội tiêu dùng dồi dào”. Nhưng chỉ thế thôi, bởi “màu xanh bộ đội của Hà Nội, làn sương mờ trên bờ hồ Hoàn Kiếm mỗi buối tối” mới là hình ảnh choán lấy tâm trí ông mỗi khi nghĩ về Việt Nam.

Nói tác giả “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không sai, ấn tượng của ông về Việt Nam đọng lại ở những phụ nữ bán hàng rong đội nón lá, những cô gái lễ tân khách sạn mặc áo dài trắng thướt tha, một đất nước gọi tất cả những người da trắng là “Liên Xô” (tác giả nghe không ít từ “Liên Xô” từ khi đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam).

Nhận xét quan trọng của tác giả: năm 1993, Việt Nam chưa hề là một điểm đến du lịch thời thượng, nhưng “sẵn sàng cởi mở với số người ngoại quốc ít ỏi tình cờ gặp mặt, sau tất cả những nỗi đau chiến tranh, cứ như thể không còn chút thù hận nào…”. Điều đó làm tăng thêm tính “thần thoại” sẵn có về dân tộc này.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm