Sách "Phê như con tê tê": Hướng đến “chuẩn không cần chỉnh”

28/03/2013 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 27/3, Hội chợ sách do công ty sách Nhã Nam phối hợp với các đơn vị xuất bản đã khai mạc tại 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM. Hội chợ thu hút khá đông người, nhất là giới trẻ, đến mua sách.

Sát thủ đầu mưng mủ phiên bản mới với tên Phê như con tê tê (NXB Văn học và Nhã Nam ấn hành) trở thành cuốn sách “thành ngữ sành điệu bằng tranh” được nhiều bạn trẻ trông đợi nhất trong hội chợ sách lần này. Tuy nhiên, vào hôm qua nhiều bạn trẻ “ngẩn tò te” ra về vì Phê như con tê tê hôm nay (28/3) mới chính thức bày bán tại đây.

“54 ngàn” vẫn... không có hàng

Phê như con tê tê in 3.000 cuốn khổ 15,5x15,5cm, bìa cứng, dày gần 120 trang, với giá 54 ngàn đồng/cuốn. Theo dân làm sách, giá bìa này không mắc nhưng cũng không hề rẻ, nhất là đối tượng đọc cuốn sách này đa phần là giới trẻ, sinh viên, học sinh - nên ít người tự kiếm được tiền. Thế nhưng, dù sách là 54 ngàn đồng hay cao hơn nữa, trong ngày hôm qua nhiều fan của “sát thủ đầu mưng mủ” vẫn không có sách trên tay.

Còn nhớ cách đây không lâu, một thương hiệu cà phê nước ngoài xuất hiện tại TP.HCM, các bạn trẻ đã rồng rắn xếp hàng chờ mua. Cũng như trong rất nhiều lần, các bạn trẻ rồng rắn chờ được nhìn tận mắt ca sĩ, diễn viên mà mình hâm mộ. Nói theo cách nói của các bạn hiện nay: “Đã máu không cần biết bố cháu là ai”.

Phải chăng nắm được tâm lý này nên đơn vị xuất bản Phê như con tê tê cố tình “găm hàng” để tạo nên cơn sốt? Gặp ông Dương Thanh Hoài, đại diện Nhã Nam tại TP.HCM, phóng viên TT&VH nhờ ông “ưu ái” bán cho một cuốn. Ông Hoài lấy Phê như con tê tê ngay tại quầy thu ngân tặng phóng viên nhưng vẫn khẳng định là sách ngày mai (28/3) mới chính thức bán đại trà.

Tại sao Sát thủ đầu mưng mủ hoặc Phê như con tê tê lại lôi cuốn giới trẻ đến vậy? PGS-TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, trong lời giới thiệu Phê như con tê tê, viết: “Trên báo TT&VH (số 299, 26/10/2011), trong bài Cần lắng nghe giới trẻ, tôi đã có ý kiến, lưu ý mọi người về một mảng tư liệu ngôn ngữ cần phải quan tâm, khảo sát. Đó là các từ ngữ, các lối nói của một bộ phận giới trẻ (8X, 9X, 10X) hôm nay. Giới trẻ sống trong một thế giới mới, được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin và công nghệ hiện đại, họ đang thể hiện một cách nhìn và một cách thể hiện riêng (về lối sống, trang phục, nói năng…). Những điều đó có phù hợp, có tốt hay không dĩ nhiên cần phải qua dư luận và thời gian kiểm chứng. Nhưng cuộc sống vẫn phải chấp nhận như một phần không thể thiếu”.

Rút kinh nghiệm từ “Sát thủ đầu mưng mủ”

Như nhận định của PGS-TS Phạm Văn Tình, sau khi được dư luận đánh giá và phê bình về độ “tốt xấu”, “phù hợp” của Sát thủ đầu mưng mủ, thì Phê như con tê tê được chọn lọc hơn và tranh của họa sĩ trẻ Thành Phong cũng chuyển tải được nhiều câu chuyện hơn.

Chẳng hạn ở trang 53, Thành Phong dùng tranh phản ánh câu nói: “Ế trong tư thế ngẩng cao đầu”. Họa sĩ cập nhật thời sự từng in trên các báo về việc các cô gái Việt lấy chồng ngoại kiều, bằng ngôn ngữ trào lộng : “Hàng loạt cô dâu Việt tại Malaysia bỏ trốn. Hàng trăm cô dâu Việt mất tích tại Trung Quốc. Lại thêm một cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc sát hại”. Để rồi kết thúc bức tranh bằng cảnh một người đàn ông Việt kèm dòng chữ: Ta về ta tắm ao ta.

Phê như con tê tê được trình bày theo thứ tự A, B, C… của chữ cái mở đầu một câu “thành ngữ sành điệu”. Ví dụ: Ác như con tê giác, Ác ôn vùng nông thôn, Ăn trong nồi ngồi trong xó, Ăn chơi sợ gì mưa rơi… Do vậy, đã có câu “Xấu nhưng biết phấn đấu”, liền có “Xấu xí còn gây chú ý”, rồi “Xấu nhưng kết cấu nó đẹp”…

Nhìn chung, những gì ở Sát thủ đầu mưng mủ được dư luận “nhắc nhở” hoặc “ném đá” đều không xuất hiện trong Phê như con tê tê. Chẳng hạn bức tranh và câu “Chơi trội như bộ đội” vẽ cảnh các chú bộ đội chơi đá cầu bằng lựu đạn ở Sát thủ đầu mưng mủ đã không được “tái bản” trong Phê như con tê tê.

Tuy nhiên, những bức tranh vẽ theo các câu nói có ý nghĩa thì được giữ lại trong tập sách mới này. Ví dụ “Ác như con tê giác” với tranh vẽ cảnh cả nhà tê giác “thợ săn” đang nói chuyện với những chiếc đầu người “chiến lợi phẩm” treo trên tường. Bức tranh này gợi nhớ về con tê giác cuối cùng đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Có lẽ nhờ dư luận “góp ý” nhiều trong cuốn sách trước, nên họa sĩ Thành Phong và ê-kíp làm “thành ngữ sành điệu bằng tranh” đang hướng đến sự “chuẩn không cần chỉnh” trong cuốn sách này.

Xem Phê như con tê tê có thể khiến nhiều người phì cười, chẳng thế mà ngay trang bìa đã có dòng chữ khuyến cáo “Không đọc trong khi ăn uống”. Còn vì sao Phê như con tê tê lại “hút hàng” đến vậy? Câu hỏi này có lẽ đợi các nhà nghiên cứu trả lời.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm