Xin lỗi và 'hậu xin lỗi'

29/04/2016 11:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày này, “xin lỗi” bỗng trở thành từ khóa gắn với hàng loạt câu chuyện thời sự mà độc giả quan tâm. Chỉ vài  ngày trước, Chính quyền và công an huyện Bình Chánh xin lỗi chủ quán “Xin chào” vì từng có lệnh khởi tố sai. Viện kiểm sát và cơ quan điều tra huyện Nhơn Trạch xin lỗi chị Ánh Ngọc, người đứng ra tố cáo nạn “cát tặc”, cũng bởi một lý do tương tự.

Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn được dạy cách nói “xin lỗi” nếu trót làm tổn thương hoặc ảnh hưởng tới ai. Và, lời xin lỗi được nói ra không chỉ để làm người nghe cảm thấy được xoa dịu và dễ tha thứ hơn. Bản thân, 2 chữ ấy cũng khiến người nói thấy thêm tự tin thanh thản, sau sai lầm đã có.

Người Việt, theo một cách nào đó, là dân tộc trọng tình cảm. Chỉ cần kiểm lại trong vốn cổ khẩu ngữ hoặc ca dao, không khó để người ta có thể tìm thấy vô số minh chứng cho nhận xét này. Thậm chí, người xưa còn so sánh “trực tiếp” như: một bồ cái lý không bằng một tí cái tình. Khi sai lầm được khắc phục bằng lời xin lỗi chân thành, câu chuyện rất dễ dàng giảm nhiệt, khi người bị thiệt thòi thông cảm và chấp nhận cho qua.


Quán Xin Chào những ngày qua thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi

Bởi thế, ở nhiều trường hợp chúng ta cũng không khó chứng kiến những cái kết nhẹ nhàng, khi lời xin lỗi được nói ra. Bởi người ta “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, vì người có lỗi đã biết xin lỗi khi phạm lỗi. Rồi, từ sự cảm thông với nhau, đến lượt chúng ta lại an ủi những người mắc lỗi rằng cuộc sống không thể hoàn hảo, rằng đã là con người thì ai cũng có lúc hoặc nóng giận, hoặc dại dột mà dẫn tới sai lầm…

Nhưng, cũng bởi vì duy tình như vậy, nên chúng ta đôi khi quên rằng: hầu hết những lời xin lỗi thường xuất hiện trong tình trạng “sự đã rồi”. Và khi ấy, câu chuyện lại chưa thể chấm dứt, cho dù người nói - và đôi khi cả người nghe - đều mong như vậy.

Với các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, ông chủ quán cà phê Xin Chào vui vẻ nhận lời xin lỗi, không đòi tiền bồi thường và thậm chí còn chuyển lời mong muốn rằng những người đã gây ra sai lầm không gặp hệ lụy gì. Nhưng thực tế  không thể đơn giản như sự bao dung của ông - khi mà một loạt những cán bộ liên quan đã, hoặc chuẩn bị, nhận những mức án kỷ luật nghiêm khắc.

Bởi, sự việc ở cà phê Xin Chào không còn là của riêng ông nữa. Cũng không còn là của riêng gia đình ông, với những nỗi khổ sở trần ai khi nhìn người thân với cái án oan lơ lửng trên đầu. Muốn hay không, đó vẫn phải là câu chuyện về tính công minh của luật pháp, về sự trả giá cho sai sót của những người trong cuộc.

Còn ở Nhơn Trạch, chị Ánh Ngọc lại có một cách ứng xử khác. Lời xin lỗi không được chấp nhận, và bó hoa do phía “có lỗi” trao tặng cũng được chị Ngọc bỏ lại, không cầm về. Bởi, trong buổi tổ chức “xin lỗi” ấy, dù không bị khép tội “chống người thi hành công vụ”, người phụ nữ này lại vẫn nhận được quyết định xử phạt đối với hành vi “cản trở kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” .

Không phải vì sự lăn tăn với số tiền phạt là 2,5 triệu đồng, và cũng không phải vì sự tức giận chưa tan hết, lý do được chị Ngọc đưa ra khá đơn giản: Chị không phạm tội nên không thể bị phạt, không thể có tiền sự tại địa phương, để rồi ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và con cái sau này.

Có nghĩa, 2 chữ  “xin lỗi” ở đây lại không còn là nghĩa vụ tự thân của người nói. Đó lại là sự khởi đầu của một vấn đề khác: sự làm rõ công lý một cách tuyệt đối để phân biệt đen - trắng, chính - tà, để ranh giới giữa người ngay và kẻ gian được phân định một cách rõ ràng sòng phẳng.

Chẳng lẽ cứ phải nói một câu rất cũ, rằng giá như chúng ta đừng để những lời xin lỗi phải xuất hiện trong cuộc sống bây giờ.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm