Xin lỗi, ông là ai?

19/11/2012 07:13 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Chuyện lùm xùm từ khi bộ phim Huyền thoại 1C bắt đầu khởi chiếu, nhà văn Anh Động gửi thư đến các cơ quan chức năng liên quan và báo chí để khiếu nại một việc: “Tại sao lại để tên Đoàn Tuấn đứng trước tên tôi?”.

Chuyện đến giờ coi như tạm giải quyết êm, và có lẽ nhiều người cũng không còn nhớ chi tiết cụ thể thế nào. Đời sống, cứ như những lớp sóng, sóng sau xô sóng trước. Truyền thông cũng vậy, có cơn sóng nổi lên rồi lại bị cơn sóng khác xô vùi. Mới ngày nào ầm ĩ chuyện nhạc sĩ Phương Uyên “lũng đoạn” The Voice, thì liền sau đó bị “cơn sóng” Phước Sang “giựt nợ” vùi lấp. Mới ầm ĩ chuyện Phước Sang - Kim Thư trên mạng, giờ thiên hạ đang “sôi sục” trước những hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” một nhà sư…

Nhiều khi ước chi mình không phải là người kiếm sống bằng cái nghề viết báo, để khỏi phải dõi theo cái gọi là “dòng thời sự” chướng mắt hại não mỗi ngày. Có những cái qua rồi thì qua luôn, mình “delete” (xóa) được vĩnh viễn luôn. Nhưng có những cái tưởng chừng qua rồi vẫn cứ vướng lại, tạo một cảm giác khó chịu. Vụ tranh chấp ai là biên kịch chính, tên ai được quyền đứng trước trong bộ phim Huyền thoại 1C cũng vướng lại trong tôi những lợn cợn khó chịu như thế.

Cảnh trong phim Huyền thoại 1C

Khi đọc những bài viết về vụ này có một chi tiết khiến tôi thấy hơi chột dạ. Đó là, trong thư ngỏ gửi cho báo T.T, nhà văn Anh Động có đặt câu hỏi rằng: “Đoàn Minh Tuấn là ai mà đứng trước tên tôi?” (báo T.T ngày 29/9); còn nhà văn Đoàn Minh Tuấn thì phát biểu trên báo TT&VH (ngày 1/10) rằng: “Tôi không hiểu vì sao mà anh Hồng Quốc Công (Giám đốc Hãng phim Tây Nam - NV) lại đưa cho ông Anh Động nào đó chỉnh sửa kịch bản để bây giờ ông này gửi đơn kiện đi khắp nơi tự nhận là kịch bản phim này do ông ấy viết”.

“Đoàn Minh Tuấn là ai?” - đó là câu hỏi của nhà văn Anh Động. Còn nhà văn Đoàn Minh Tuấn thì bảo “ông Anh Động nào đó”, thì cũng có nghĩa là không biết Anh Động là ai. Có thật vậy không? Có thật là hai nhà văn này hoàn toàn không biết nhau? Biết ở đây cũng có thể hiểu theo nghĩa là biết tên nghe tiếng. Tôi thì tôi nghĩ không đến mức là không hề biết nhau như vậy, nhất là họ cùng làm nghề văn, nghề biên kịch lâu năm. Mà, thời buổi này để có thông tin cũng không phải là chuyện khó khăn gì. Cứ nhờ gú-gồ (google) là xong hết. Vậy thì Đoàn Minh Tuấn là ai?, ông Anh Động nào đó là ông nào? Trong vài giây, gú-gồ cho ngay kết quả, có thể tóm lược đại khái như sau: “Nhà văn Đoàn Minh Tuấn hiện sống tại Hà Nội, là Phó tổng biên tập tạp chí Điện Ảnh, Trưởng khoa Điện ảnh trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Vì tên trùng với nhà văn lão thành (Đoàn Minh Tuấn), nên Đoàn Minh Tuấn thường ký bút danh Đoàn Tuấn. Đoàn Tuấn viết văn, làm thơ, biên kịch, giảng dạy… Đoàn Tuấn là tác giả kịch bản Đi tìm chỗ ngủ (Lê Hoàng đạo diễn với tựa Chiếc chìa khóa vàng), Ngõ đàn bà, Đường thư…“. Còn nhà văn Anh Động thì: “Hiện sống tại Kiên Giang. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, tác giả của nhiều tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết; trong đó có tác phẩm Bác Ba Phi khá nổi tiếng; tác giả kịch bản phim Bão U Minh, Phía sau bia mộ…”.

Như vậy thì cả hai ông đều không phải thuộc loại “vô danh” trên văn đàn, đặc biệt trong khi làm việc, ông Anh Động từng tiếp xúc với bản thảo kịch bản của Đoàn Minh Tuấn. Cho nên bây giờ khi họ “hỏi khó” nhau thì thấy có điều gì đó không ổn. Ứng xử của hai nhà văn này khiến tôi liên tưởng đến những cảnh huống thỉnh thoảng vẫn gặp ngoài đời: hai người thân nhau, nhưng khi giận nhau thì làm mặt lạnh, mặt ngầu: “Xin lỗi, ông là ai?”. Đó là nói theo phép lịch sự. Còn theo kiểu “chợ trời”, thì là rát mặt thế này: “Mày là thằng nào?”.

Chuyện làng văn na ná thế này không ít. Ví dụ, giữa “chiếu văn” một người giới thiệu bạn mới với một đàn anh, nếu anh bạn mới này, dù tên tuổi đang vang dội, nhưng có điều gì đó khiến đàn anh kia không ưa, thì rất có thể nhận được lời như thế này: “Bút danh lạ quá nhỉ, tôi mới nghe lần đầu. Xin lỗi, ông viết văn hay làm thơ?”, “Xin lỗi, ông là ai?” và: “Đoàn Minh Tuấn là ai?”, “Ông Anh Động nào đó”… thì cũng là phiên bản của một cách ứng xử, có lẽ là không được “người lớn” cho lắm.

Bộ phim truyền hình lịch sử dài 22 tập Huyền thoại 1C (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) do Bộ VH,TT&DL làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tây Nam Phim sản xuất với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, phát sóng trên kênh HTV9, lúc 17h30, các ngày trong tuần bắt đầu từ ngày 19/9/2012 và phát lại trên kênh Thuần Việt vào lúc 19h15 các ngày trong tuần, bắt đầu từ 20/9/2012. Theo thông tin từ nhà sản xuất, kịch bản ban đầu do biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết, sau đó, nhà văn Anh Động - người từng tham gia chiến trường 1C - chỉnh sửa thêm.

2. Nhân chuyện này, tôi chợt nhớ lại chuyện xảy ra với chính mình, cách đây chừng dăm năm. Lúc đó tôi chơi thân với một nhà thơ già. Nhà thơ già lúc này có cộng tác biên tập cho một tờ tuần báo chuyên ngành, nhưng có in thơ và phóng sự xã hội. Biết tôi cũng là người viết phóng sự, nên nhà thơ già nhiệt tình mời cộng tác. Khi đã đăng được vài bài, để “thắt chặt quan hệ ngoại giao”, một hôm nhà thơ già mời tôi tới tòa soạn trịnh trọng giới thiệu với sếp lớn: “Dạ thưa anh! Đây là T. cộng tác trang phóng sự với báo mình”. Sếp bắt tay tôi chặt lắm, cười rất tươi, khoát tay mời ngồi rất thân thiện. Trong khi uống trà nói chuyện, cao hứng, nhà thơ già nói: “Dạ anh… Chú em này, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng viết truyện ngắn cũng có nét lắm đấy”. Lời khen của nhà thơ khiến tôi ngượng quá, chưa kịp phản ứng gì, thì thấy sếp nhướng mày lên: “Truyện ngắn? Sao lại truyện ngắn? Chú cứ tập trung viết phóng sự cho anh, viết cho oách vào. Đấy, chú thấy đấy, anh trả nhuận bút không hề thấp nhé. Chú cứ tập trung viết phóng sự cho anh. Đừng mơ mộng, phân tâm truyện ngắn truyện ngoéo gì hết nhé”… Tôi liếc thấy nhà thơ già tái mặt. Tôi cũng tái mặt, nhưng sau thì cố nhịn cười. Tôi bịa ra một lý do gì đó rồi vội chuồn khỏi phòng sếp. Từ đó về sau tôi không bao giờ trở lại đó nữa, cũng không viết thêm một bài phóng sự nào cho tờ báo đó nữa. Vui nhất là sau đó mỗi khi gặp nhà thơ già ở quán bia, nhìn mặt nhau là chúng tôi phá lên cười. Cũng có khi nhà thơ già đóng vai sếp: “Truyện ngắn? Sao lại là truyện ngắn?...”.

Có lẽ, khi nói câu đó vị sếp kia không hề biết tôi là ai, chưa từng đọc cái gì của tôi. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi không ai biết hết và đọc hết. Nhưng thú thật là tôi vẫn thấy điều gì đó lợn cợn, bởi tôi biết vị sếp kia cũng từng có làm thơ, đã in vài tập thơ, nghĩa là ông ấy cũng đứng trong đội ngũ những người làm văn nghệ. Lòng tôi càng lợn cợn hơn khi sau đó nghe tin ông ấy đang “chạy” vào Hội Nhà văn VN, in thêm một tập thơ mới, nhờ nhà thơ già viết lời giới thiệu. Không biết ông bạn già nói thế nào, mà sếp gọi cho tôi khen tôi viết điểm sách tuyệt lắm, rồi cho người mang sách đến tặng tôi. Vừa nhận được sách thì sếp lại gọi bảo tôi viết một bài: “Cứ viết cho oách vào, viết thoải mái, in ở đâu thì anh sẽ lo, còn nhuận bút thì anh sẽ trả trực tiếp cho chú…”.

Thế đấy, ông ấy không hề biết tôi là ai, còn tôi thì mặc dù đã thử tìm hiểu để biết về ông ấy, nhưng rốt cuộc cũng không biết ông ấy là ai.

Viết đến đây, bỗng dưng tôi lại thêm một lần chột dạ rằng: hai người đang tranh cãi trên có phải chính là hai nhà văn mà mình đã từng biết?!

Trần Nhã Thụy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm