Xin đừng “cưỡng” Xuân

30/01/2013 07:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Nhiều ngày qua, dư luận tiếp tục xôn xao về việc ăn Tết Âm, Tết Dương. Đây không phải lần đầu, khi chúng ta nôn nao chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền, lại có những đề xuất “mất hứng” như thế. Cũng dễ hiểu, đề xuất như vậy mới thời sự, không lẽ lại bảo “đừng” ăn Tết Nguyên đán vào giữa mùa Hè.

Phải hiểu cho đúng, ý kiến của GS.TS Võ Tòng Xuân, cùng một số người khác không phải là bỏ hoàn toàn Tết Âm, mà chúng ta “đổi vai” cho Tết Âm cho Tết Dương. Chúng ta không nên nghỉ Tết cổ truyền theo Âm lịch như hiện nay mà sẽ nghỉ theo lịch Dương, Tết Âm lịch thì rút ngắn lại còn 1-2 ngày. Tóm lại là chúng ta ăn Tết trước.

Những lý do đồng ý lẫn phản bác đưa ra thì đủ cả không cần phải bàn thêm. Nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng thấy, trong lịch sử không thiếu những lần dân tộc ăn Tết sớm.

Sử sách còn ghi nhận ngày Tết sớm năm Kỷ Dậu (1789). Từ tháng Chạp vua Quang Trung đã lệnh cho quân lính ăn Tết sớm, rồi thực hiện một cuộc hành quân thần tốc bậc nhất trong lịch sử tiến ra Bắc.

Đúng ngày 30 tháng Chạp nghĩa quân Tây Sơn xuất quân, định trước rằng ngày 7 tháng Giêng thì sẽ tổ chức tiệc mừng ở thành Thăng Long. Chỉ ngày mùng 5 Tết, Quang Trung và nghĩa quân đã tiến vào Thăng Long với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội lịch sử.

Rồi Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta ăn Tết sớm, để sau đó, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31/1/1968 (Ngày mùng 1 Tết Mậu Thân). Từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau quân ta bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, quận lỵ, tạo một khí thế mới cho cách mạng miền Nam.

Đó là những cái Tết sớm do thế nước tạo nên.

2. Lí do chính để người ta “đề xuất” ăn Tết sớm là để hội nhập với xã hội phương Tây công nghiệp. Tôi e rằng đó là suy nghĩ giản đơn và có phần tự ti văn hóa.

So với phương Tây, người Việt Nam nghỉ Tết Âm trên một nền tảng văn minh nông nghiệp, trên cơ sở giao hòa của vạn vật, đất trời theo lịch trăng.

Ai đã đọc cuốn sách nổi tiếng Hành trình về phương Đông của giáo sư Blair T. Spalding sẽ thấy, chỉ chừng cách đây một thế kỷ, người châu Âu với cái nhìn Âu tâm luận luôn coi phương Đông mà phần lớn là thuộc địa của người châu Âu, là một xứ sở lạc hậu, thấp kém, cần được khai phá văn minh.

Nhưng Hành trình về phương Đông đã trở thành một thông lộ, để cho Tây và Đông, khoa học và minh triết, hiện đại và cổ xưa gặp nhau. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, nhân văn hơn và thấu hiểu hơn. Và người ta tôn trọng sự đa dạng đó.

Từ khi thế giới “phẳng” hơn, có người phương Tây nào kêu chúng ta bỏ Tết đâu, mà chỉ tự chúng ta đề xuất với nhau. Không biết có người châu Âu nào đề xuất bỏ Noel không nhỉ?

Gặp “đề xuất” này, bất giác, tôi cứ nhớ bài thơ về Xuân mà tôi cho là hay nhất, bài Nhạc Xuân của Nguyễn Bính: Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân/ Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân/ Phận gái ví theo lề ép uổng/ Đã về Chiêm Quốc như Huyền Trân?

Vì bị áp đặt, Huyền Trân đành bỏ đời Xuân theo xứ người. Bây giờ, xin đừng cưỡng Xuân theo kiểu ép uổng thế nữa. Không cần thiết!

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm