30/11/2012 10:38 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng biểu hiện nữ quyền và tính nữ là những đặc điểm quan trọng của văn xuôi nữ ở Việt Nam, thì chính những người cầm bút, như Y Ban, muốn văn chương của mình "phi giới tính".
Buổi tọa đàm Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại diễn ra vào sáng 29/11 tại Viện Văn học đã cung cấp cái nhìn tổng quan và chuyên môn về văn xuôi nữ mấy chục năm qua. Tọa đàm đã điểm qua những cái tên quen thuộc, hầu hết sau đổi mới năm 1986 như: Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Hoàng Diệu…Đàn ông "bất toàn"
"Xét lại thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà" là chủ đề tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, ĐH Hà Nội. Theo chị, tinh thần nữ quyền in dậu ấn đậm nét trong văn chương nữ từ sau 1986, đặc biệt là ở truyện ngắn, tiểu thuyết. Thay đổi lớn nhất do tác động từ nữ quyền thể hiện ở hai điểm: hình tượng phụ nữ và hình tượng đàn ông.
Nhà văn Y Ban phát biểu tại tọa đàm |
Trong đó, nhân vật phụ nữ không đơn thuần chỉ là đối tượng để ngợi ca hay phê phán về đạo đức mà đã trở thành một "khách thể thẩm mỹ" độc lập và đầy hấp dẫn, thoải mái phô bày đời sống và bản năng tình dục, thậm chí táo bạo như trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu.
Đáng chú ý hơn là nhân vật đàn ông, qua văn xuôi nữ, hầu như là đối tượng để công kích, lên án, được đề cập từ các mặt hạn chế. Ở đây, đàn bà "xét lại" đàn ông một cách có hệ thống, từ trong các mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp đến đàn ông trong tình yêu, đời sống gia đình... với những đặc điểm được Th.S Xuân tóm lại là "bất toàn".
Th.S Xuân nhân mạnh: "Đành rằng có thể có sự phiến diện khi phụ nữ viết về đàn ông với cái nhìn đàn bà của họ, nhưng rõ ràng, khi làm điều đó, họ đã bước qua mặc cảm về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống. Họ đã đứng lên đối diện với đàn ông, xét lại bản chất của những người đàn ông mà xưa nay họ chỉ có thể phục tùng và dâng hiến".
Muốn là nhà văn "phi giới tính"
Bản thân tên gọi của tọa đàm đã thể hiện vấn đề của nó: tồn tại sự tách biệt giới tính trong sáng tác. Nhưng câu hỏi nhiều người đặt ra là: "Có nên tách biệt hay không và nếu có thì văn xuôi nữ phân biệt với văn xuôi nam ở điểm nào?".
Vài diễn giả nhắc đến "tính nữ" trong phong cách sáng tác, nhưng có ý kiến phản biện cho rằng "tính nữ" đó chưa rõ ràng. Và chủ đề nữ quyền thì chính các nhà văn nam xưa nay vẫn theo đuổi, tác phẩm lớn nhất có lẽ là Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Đòi hỏi với các diễn giả là phải đưa ra nhận định nữ quyền trong văn xuôi nữ gần đây có gì mới và đóng góp như thế nào cho văn xuôi Việt Nam từ trước đến nay. Và rộng hơn, theo dịch giả Vũ Phong Tạo là phải nhận định về đóng góp của toàn bộ mảng văn xuôi nữ đối với văn học Việt Nam đương đại, nhưng yêu cầu trên chưa được đáp ứng.
Theo TS Trần Lê Hoa Tranh, người có nghiên cứu về đời sống văn học nước ngoài, ở nước ngoài không có sự phân biệt rạch ròi về giới tính của người cầm bút như ở Việt Nam. Nhà văn Y Ban nói: "Đi đâu tôi cũng nhận mình là nhà văn phi giới tính" nhưng chị vẫn thừa nhận "người ta viết về những gì mình hiểu rõ nên yếu tố nữ được các nhà văn nữ khai thác nhiều là điều dễ hiểu".
Ở Anh, có giải văn học dành riêng cho giới nữ trước đây tên là Orange từng gây tranh cãi vì phân biệt giới tính. Hiện giải chưa tìm được tên mới sau khi bị Tập đoàn Orange rút tài trợ.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất