Vốn 'tri thức' đối ứng

15/07/2013 08:22 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến vốn, ai cũng nghĩ đến tiền, vốn là tiền! Nhưng không phải thế, nội hàm chữ vốn lớn hơn nhiều, tiền chỉ là số phần trăm nhỏ nhoi trong vốn.

Đơn giản nhất, đi chơi cũng phải có vốn. Vốn là sự hiểu biết cần thiết để giao lưu trò chuyện. Vốn là tri thức về khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, chính trị xã hội. Kể cả chỉ biết làm trò cười thôi thì khả năng ấy cũng là vốn để có thể hội nhập với xung quanh. Nếu không chỉ còn là khúc gỗ, cái cột điện, hòn đá...Tóm lại là thứ vô tích sự.

1. Vào khoảng năm 90 thế kỉ trước, trên báo Nhân dân có đăng bài của một công dân Úc gốc Việt khi bà ấy về nước du lịch.

Bà ấy nguyên là một du học sinh đi từ Sài Gòn sang Úc học.Vì tham gia biểu tình chống chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nên bà bị chặn mất đường về, đành tị nạn và làm việc bên đó luôn.

Lúc ấy cả nước đang chộn rộn chuyện “mở cửa”, người người nôn nóng chờ đợi trong im lặng.

Bài báo bà ấy viết khá dài nhưng tóm lại là một lời cảnh tỉnh rằng: Thế kỉ tới sẽ không còn là thế kỉ bóc lột cơ bắp mà sẽ là khai thác trí tuệ. Việt Nam mở cửa mà không để mắt đến nền giáo dục, tăng cường tri thức làm vốn đối ứng thì rồi đây khi mở cửa người dân sẽ “lưu vong” ngay trên chính quê hương mình.

Tôi hiểu ngay dự báo sự lo lắng ấy của bà. Đó là lời nói nghìn vàng.

2. Trở lại câu chuyện vốn. Tri thức là cái vốn lớn nhất của con người, của xã hội. Tri thức sẽ là cánh cửa mở ra để một dân tộc, một quốc gia vươn tới văn minh. Thiếu tri thức thì tiền cả đống cũng chẳng biết làm gì ngoài ăn chơi phá phách và nạt nộ. Vì nội hàm ăn chơi phá phách, cậy có của không cần gì nhiều đến tri thức.

Không tri thức, hoặc tri thức không toàn diện sẽ dẫn đến sự áp đặt, duy ý chí và hậu quả dẫn đến lãng phí, dẫn đến phá hoại.

Thử đưa vài ví dụ: Thống kê cả nước xem có bao nhiêu cái chợ xây từ vốn ngân sách  mà cuối cùng bị bỏ hoang vì người dân không cần đến nó?

Thống kê trên cả nước xem có bao nhiêu cái “nhà văn hóa” từ phường, xã quận huyện làm xong khóa cửa bỏ đấy? Công năng sử dụng rất hạn chế vì chẳng biết mở mang những hoạt động gì cho cơ sở, dẫn đến lãng phí bao nhiêu tiền vốn đầu tư.

Thống kê trên cả nước xem có bao nhiêu dự án “đánh trống bỏ dùi”, làm xong hết tiền coi như xong việc?

Vài ví dụ đó thôi nghĩ cũng choáng đầu vì cái lợi thu vén riêng cho một số người làm dự án, duyệt dư án dù có xoáy được nhiều cũng  chẳng thấm tháp gì so với cái lãng phí tiền của từ ngân sách nhà nước phơi ra cho mục nát hoặc sử dung sai mục đích.

3. Bỏ qua chuyện có cấu véo tham những đi, thì đó là sự hẫng hụt vốn đối ứng “tri thức” là nguyên nhân chính làm cho kinh tế đất nước tụt dốc.

Vốn đối ứng là khả năng tiếp nhận quản lý và sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Vốn đó chúng ta đang thiếu trầm trọng, nên tiền cấp cho bao nhiêu thì hoang phí bấy nhiêu. Nền kinh tế chỉ huy với những doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ cái năng lực yếu kém từ nhiều năm trước đây, bây giờ cũng chẳng cải thiện được là bao.

Đó là câu chuyện “vốn”. Vốn đối ứng là tri thức đủ khả năng tiếp nhận những kế hoạch kinh tế, còn tiền chỉ là một phương tiện sau cùng. Thiếu cái vốn cơ bản là tri thức thì phương tiện dù có tốt mấy cũng trở nên vô dụng.

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm