Vẫn trong "cõi Trịnh"

01/04/2013 07:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1.Một trùng hợp tình cờ. Còn nhớ năm 1992, lúc tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao, trong câu chuyện về âm nhạc, ông bảo tôi “Nếu bầu chọn ba nhạc sĩ lớn nhất TK 20, tôi sẽ chọn một trong số đó là Trịnh Công Sơn. Một người nữa là bạn của tôi, ông ấy có một quá khứ âm nhạc rất vẻ vang. Còn người thứ ba thì...”. Ông dừng lại thăm dò tôi và chợt cười gật gật khi tôi thưa: “Và người thứ ba là tác giả Tiến quân ca...”.

Đó là những điều tôi trực tiếp được nghe từ Văn Cao, có thể là trong phút ngẫu hứng, cũng có thể có phần nào thể hiện quan điểm của ông. Xin kể ra đây để mọi người tham khảo thôi. Nhưng tại sao tôi lại nhớ đến kỷ niệm này? Bởi vì hôm  nay đúng 12 năm sau ngày Trịnh rời cõi tạm, 18 năm Văn Cao về Thiên thai và Phạm Duy vừa ra đi... thì ở Hà Nội đang quy tụ nhiều danh ca hai miền để thể hiện những nhạc phẩm bất hủ của ba nhân vật mà trước đây Văn Cao nói là ba gương mặt âm nhạc lớn…

2. Sinh thời Trịnh Công Sơn ghét phù phiếm. Ông không có của cải vật chất gì, cả vợ con cũng không... Nhưng ông tồn tại. Vâng có một thứ không hòa tan trong thời gian và trong không gian đó là tên ông.

25 tuổi tên tuổi ông đã sáng chói trên bầu trời âm nhạc miền Nam. Nhạc Trịnh hướng về đồng bào mình, về đất nước mình, dân tộc mình và ông đã chạm vào cõi con người.

Âm nhạc của ông không cầu kỳ kỹ thuật nhưng chiếm được trái tim công chúng mọi thời. Vì sao vậy? Vì âm nhạc của ông là riêng về một đề tài, riêng một cõi con người với tất cả những sẻ chia thân phận buồn vui của kiếp người. Tôi gọi đó là cõi Trịnh. Cõi Trịnh âm thầm chảy trong tâm cảm của nhiều thế hệ.

Yêu Trịnh và tưởng nhớ Trịnh, từ rất lâu ở Sài Gòn và sau này nhiều thành phố, làng quê, người ta lấy tên những ca khúc của ông đặt cho quán cà phê nhiều quán rượu hoặc cà phê bên đường có tên là Nhạc Trịnh, Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng, Mưa hồng... Mới đây tôi còn phát hiện hình ảnh ông cùng bút tích hiển hiện một quán cà phê ở TP Bắc Ninh…

Nhạc của ông hơn 50 năm đã thành thương hiệu mang tên “Nhạc Trịnh”. 10 quán cà phê vườn Huế có tới  8 - 9 quán mở nhạc Trịnh. Ngày mưa, ngồi cà phê Huế nghe Trịnh lòng bớt buồn. Lòng có nỗi đau, mở nhạc Trịnh thấy sẻ chia dịu cô đơn hoang lạnh. Và lúc tuyệt vọng, nghĩ đến Trịnh, nghe nhạc Trịnh bỗng dưng ham sống, để yêu thương…

3. Mười hai năm nay, cứ dịp cuối tháng 3 - đầu tháng 4 khắp trong Nam ngoài Bắc đều có những cuộc tưởng nhớ ông. Những đêm nhạc Trịnh, những cuộc gặp gỡ nhớ Trịnh trong quán cà phê để cùng hát nhạc Trịnh... Mới hay khát vong lưu danh đâu phải muốn là được. Trịnh Công Sơn đã đạt đến cõi con người và ông đã được định mệnh áp đặt cái mà người sáng tạo nào cũng thèm khát, đó là sự bất tử. Ông có một thứ để truyền đời là tác phẩm, một thứ để ngưỡng vọng là cái tên. Nhưng ông đâu cần những thứ ấy, như bài hát của ông: “Sống trong đời sống/ cần có một tấm lòng”... Và cuối cùng “để gió cuốn đi”...

Có một cõi Trịnh trong tâm cảm người Việt và không chỉ người Việt. Ông đã gieo vào cõi đời niềm an ủi sẻ chia vô bờ bến từ âm nhạc và từ cái cách an nhiên sống trong đời...

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm