Văn hóa hội khóa là như thế nào?

30/07/2017 15:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có lần, tôi đọc được một mẩu chuyện cực ngắn trên báo Thể thao & Văn hóa và nhớ rất lâu. Mẩu chuyện đó trở lại khi tôi dự hội khóa cấp ba, khóa 1992 – 1995, của trường THPT Sơn Tây...

Chuyện như thế này, có một thanh niên về thăm làng cũ và ngôi nhà tranh vách đất anh ta sinh ra và lớn lên giờ đã bán, bị phá đi, chỉ còn một tảng đá to bên cạnh ngôi nhà. Tảng đá hồi bé anh ta hay trèo lên chơi hơn hai mươi năm trước. Lần nào về quê anh ta cũng trèo lại lên tảng đá ngồi chơi, để nhớ lại kỷ niệm cũ hồi nhỏ, về căn nhà giờ đã không còn nữa.

Chú thích ảnh
Hội khoá trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) khoá 1992 -1995 mang tên "Những mùa hoa ở lại"

Lần đó, anh ta về quê ăn giỗ ở nhà họ hàng xong, ngà ngà say, lại đi bộ về chỗ tảng đá để ngồi lên theo thói quen ôn kỷ niệm. Chợt anh ta thấy một cụ già, tóc bạc phơ, cũng đang ngồi thơ thẩn trên hòn đá. Anh ta hỏi, cụ ngồi đây làm gì? Cụ già đáp, tôi là người xa quê đã lâu, giờ về thăm, thì tôi ngồi lên tảng đá tôi hay chơi hồi bé này, (rồi cụ già chỉ nền ngôi nhà của chính anh chàng kia) để nhớ lại ngôi nhà nơi tôi đã sinh ra 60 năm trước.

Hóa ra cụ già chính là chủ ngôi nhà trước khi gia đình anh kia mua. Khi gia đình anh ta mua lại mảnh đất đó, cũng từng phá đi ngôi nhà cũ của người khác, để dựng một ngôi nhà mới của họ…

Chú thích ảnh
Cựu học sinh cài bông hoa hội khóa lên áo thầy giáo cũ

Câu chuyện cũng chỉ có thế, và hình như tôi nhớ kết luận của người viết là, ở trên một mảnh đất mà ta tưởng chỉ có những kỷ niệm riêng của ta. Hóa ra còn có những kỷ niệm riêng của thế hệ trước và cả sau ta nữa. Qua các lớp thời gian, thì cũng có các lớp kỷ niệm chồng lên nhau. Đời sống cá nhân của bất cứ ai, dù rất riêng tư, nhưng cũng chỉ là những mắt xích nhỏ của đời sống con người nói chung, và đời sống là một dòng chảy thay đổi bất tận…

Tôi nhớ lại câu chuyện này khi mấy hôm trước, được về dự hội khóa cấp ba của chính tôi, khóa 1992 – 1995 tại trường PTTH thị xã Sơn Tây, hội khóa được đặt tên là: “Những mùa hoa ở lại”. Có lý do về hội khóa lần này, một là từ khi khoảng 300 học sinh khóa này ra trường (gồm 3 lớp chuyên và 8 lớp thường), chưa có lần nào cả khóa tụ hội lại, mà thời gian 22 năm qua thì cũng đã đủ thay đổi khá nhiều cho mỗi cá nhân.

Chú thích ảnh
... và cài bông hoa hội khóa cho nhau

Lý do thứ hai, ngỡ ngàng mà nhoi nhói hơn, là việc ngôi trường có lịch sử từ năm 1959 này sẽ chuyển địa điểm sang một nơi khác khang trang hơn. Việc này là không thể thay đổi được, và lịch sử ngôi trường cũ thế là sẽ mãi dừng lại ở đó. Xúc động và nhiều kỷ niệm là tất nhiên, những mối tình ngày xưa mới chớm, được dịp tự tin nói ra…

Để mấy trăm con người từ mái trường bên cạnh thành Sơn cổ tích ra đi ấy cộng hưởng cảm xúc, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời hoa niên, công đầu tiên phải nhắc đến những người tổ chức. Đó là các bạn học ngành sư phạm và có may mắn trở lại chính ngôi trường cũ làm giáo viên, để kế nghiệp truyền ngọn lửa kiến thức cho các thế hệ sau ở ngôi trường mình từng là học sinh.

Chú thích ảnh
Cựu học sinh chụp ảnh kỷ niệm trước cổng trường

Họ là các hạt nhân trung tâm của việc tổ chức, cùng một số bạn nữa nhiệt tình tham gia trong nhiều công việc không tên khác. Việc liên lạc được với vài trăm con người ở bốn phương trời trên cả nước, thậm chí cả người từ nước ngoài trở về… đâu phải chuyện dễ dàng, nếu như không còn nhờ những phương tiện của thời hiện đại, là mạng internet, là Facebook, là điện thoại…

Thực sự các bạn tôi đã rất vất vả, mới làm nên một buổi hội khóa thành công tốt đẹp như thế. Cẩn thận từ việc mời mọc, đưa đón, tri ân các thầy cô, đến kịch bản tọa đàm mời các thầy cô lên đối thoại với học trò, tiệc vui cùng văn nghệ chan hòa buổi tối.

Ngọn lửa của buổi hội khóa nhen lên rồi cháy trong tim không chỉ các bạn học sinh cũ, mà cả tới các thầy cô, giờ đã cao niên nhưng vẫn bừng bừng xúc động. Thầy hiệu trưởng lên đọc thơ, thầy hiệu phó lên hát và nhảy múa. Các thầy cô ở các tổ bộ môn có công trực tiếp dìu dắt các học trò nhất, thì kể chuyện cũ, và cho chúng tôi những lời dạy dỗ sâu sắc mới, để chúng tôi bước tiếp…

Chú thích ảnh
Bạn cũ gặp lại nhau

Tàn cuộc vui, chúng tôi, những người đi làm báo, được các bạn trong ban tổ chức giao cho một việc là có thể kể câu chuyện về buổi hội khóa của chúng tôi, kết thúc trong ý nghĩa, lên các phương tiện truyền thông chính thống được không?

Có bạn thì còn nhấn mạnh rằng phải viết sao cho người ta nhận ra được sự đặc sắc của “con người thành Sơn” chúng tôi trong lần hội khóa này. Tôi nhận lời (tất nhiên cũng trong men say xúc động), nhưng sau đó trở về, mới thấy mình vừa nhận được một đề bài thật khó tương đối sau gần hai chục năm làm báo.

Bởi chuyện hội họp khóa hay họp lớp, họp đồng môn, đồng niên, đồng nghiệp, đồng đội, đồng hương, cùng chiến trường… là chuyện thường ngày của những người “cùng chung một chuyến đò ngang” ở khắp nước, có khi còn khắp cả nhân loại.

Mỗi kỷ niệm nhóm này chỉ có ý nghĩa riêng với nhóm đó, dù ít dù nhiều của những người một thời đã cùng nhau đi một quãng đường. Hiếm khi những kỷ niệm nhóm đấy vượt thoát sự giới hạn, trở nên có ý nghĩa đối với đa số, để thực sự có thể trở thành mối quan tâm của cộng đồng. Thứ hai, như tôi nói vui mà thực với các bạn luôn lúc đó, dân báo cũng hay nói với nhau một cái quy luật, là “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ… cực xa”.

Với cái xu trào của truyền thông mạng thời buổi này, câu chuyện tốt lành, gương sáng thì người ta biết ít; còn thông tin xấu, dữ, giật gân, lá cải, chỉ để giải trí tò mò thì lại lan rõ nhanh. Các bạn cũng đừng mong báo chí “rờ” tới thì là may nhất đấy…

Chú thích ảnh
Cùng chụp ảnh lưu niệm trên sân khấu

Tuy nhiên, tôi cũng mạn phép ghi lại một số điều, là ấn tượng khi nghe, khi thấy được lúc trò chuyện qua lại giữa các bạn đồng học, mà đúng là nếu không phải với thói quen làm báo hay ghi nhớ những điều người khác coi là linh tinh, thì sẽ bỏ qua. Hy vọng sẽ có một nét gì đó có ý nghĩa đối với người đọc, chứ không phải chỉ để đáp ứng đề bài các bạn cùng khóa giao cho.

Giữa lúc hội khóa các bàn các lớp tiệc vui ngồi dưới sân trường sau buổi lễ, tôi thấy một bàn nọ có một cô giáo người bé nhỏ ngồi bên một bạn nam, tuy ngồi mà vẫn cao hơn cô giáo một đầu. Trong trí nhớ của tôi, thì hồi còn học, cô giáo ấy khá to béo, có khuôn mặt tròn và nụ cười ấm áp của một bà mẹ phúc hậu, còn bạn nam kia hồi xưa thì rất gầy gò khẳng khiu.

Tôi đi ngang qua, thấy bạn ấy nói với cô giáo thế này: Cô ạ, rất buồn cười là hồi học cấp ba, chúng em chỉ sốt ruột muốn học xong thật nhanh, tiến lên đại học thật nhanh. Nhưng giờ thì lại chỉ muốn quay lại, muốn dài thời gian học ra mà không được. Bây em muốn ngồi bên cô thật lâu, để em được bé lại bên cô như ngày trước. Nếu em là bộ trưởng giáo dục, em sẽ kéo dài thời gian học cấp ba gấp đôi cũng nên…

Đi qua một bàn khác, tôi nghe thấy một lời nhận xét sau: Tại sao chúng ta muốn gặp lại bạn cũ, vì gặp lại bạn cũ đôi khi là gặp lại chính mình trong mắt, trong trí nhớ của bạn cũ. Bởi vì điều này ta quên thì có bạn nhớ, điều này ta nhớ về bạn thì bạn lại quên…

Chú thích ảnh
Sau 22 năm, các cựu học sinh chuyên văn về ngồi lại đúng vị trí cũ trong lớp để nghe thầy giáo cũ giảng bài

Đi qua một bàn khác, thấy có một người bạn bây giờ là bác sĩ, từng học giỏi nhất nhì khóa, đang hùng biện: Khóa chúng ta có những người đã đi năm châu bốn bể, có những người bạn thành nhà nọ nhà kia, nhưng còn có khá nhiều bạn cũng thiệt thòi, không may mắn, nên lập quỹ cả khóa để tương trợ lẫn nhau.

Trường chúng ta được xếp thứ 90 trong 100 trường trung học trên cả nước, tuy thứ hạng không cao lắm nhưng chẳng sao, miễn là chúng ta trở thành những công dân tốt, thực sự đóng góp mỗi phần lao động nhỏ cho xã hội. Chứ còn thì như một nhà thơ lớn từng viết: “Để trên trời một vài ngôi sao sáng/ Thì chúng ta cùng dệt cả màn đêm” cơ mà…

Lúc màn hình trung tâm sân khấu chiếu lại những hình ảnh các lớp chụp chung với nhau ngày tốt nghiệp. Nhìn những khuôn mặt non tơ trong đủ kiểu quần áo con nhà nghèo xộc xệch hồi đó, có bạn xuýt xoa thì thầm: Nếu sinh sớm, có lẽ rồi sẽ xung phong chuyển sang mặc áo lính hết cả. Thế hệ chúng mình được sinh ra và lớn lên trong hòa bình thì phải cố gắng hơn nữa, chứ không biết đến đời con chúng mình thì thế nào…

Quan sát toàn buổi hội khóa, tôi thấy có một điều nhỏ khá văn minh, mà khi thuật lại điều này, tôi rất ngượng. Đó là toàn khóa về dự có khá đông bạn nam, nhưng những người phì phèo điếu thuốc trên môi là rất ít, mà trong số những người rất ít kia, buồn quá lại có tôi, do thói quen sinh ra cùng nghề viết mà chưa bỏ được.

Các bạn trong ban tổ chức cũng rất khéo léo khi chỉ dùng đồ uống có cồn nhẹ khi tổ chức tiệc, mọi người tan cuộc xong thì trời cũng đổ mưa, rõ ràng là ngày tốt. Tất nhiên có lẽ cũng có lớp, có nhóm sau khi họp khóa xong sẽ liên hoan riêng, thâu đêm cũng nên. Nhưng vài ngày sau, nghe trên tin tức của Facebook chung, cũng không có chuyện gì xấu xảy ra hậu sự kiện do quá chén, hết khôn dồn đến dại, mà tôi đã từng chứng kiến ở nhiều vụ họp các loại “đồng” khác.

Và chuyện cuối cùng tôi muốn kể, là trong khi cả khóa chú tâm vào trung tâm sân khấu, thì tôi thấy một bạn tha thẩn đi vòng quanh trường, đi cả vào những góc khuất nẻo, miệng lẩm nhẩm cái gì đó. Một lúc sau tôi hỏi bạn, là bạn làm gì đó, thì bạn trả lời: Tôi đi đếm cây trong trường, lo rằng không biết sau khi trường chuyển đi, đơn vị khác tiếp nhận, nhà thì họ phá là cái chắc, vì cũ quá rồi. Nhưng còn cây thì không biết có bị chặt không nhỉ?

Có lẽ là mai tôi sẽ đem máy ảnh chụp lại hết số cây này, để nếu người ta muốn chặt thì cũng phải dè chừng đấy… (kể thêm rằng trường Sơn Tây của chúng tôi là một ngôi trường có khá nhiều loại cây to, cây già, như nhãn, phượng, cọ, bằng lăng, sữa, sấu…, có lẽ là nhiều khóa đã trồng từ thời xây dựng trường, hoặc có khi còn trước nữa).

Chú thích ảnh
Hàng cây trên sân trường cũng chứa bao kỷ niệm

Tôi cười bạn lẩn thẩn, thì bạn chợt chỉ tay ngay lên phông sân khấu, nói: Có thấy chữ gì kia không, hội khóa lấy tên là “Những mùa hoa ở lại”, nếu không có cây thì làm sao có hoa? Các thế hệ từng học ở đây, đều lớn lên dưới bóng những cây này, tuổi cây còn hơn tuổi chúng mình rất nhiều.

Các bác cây đó là những chứng nhân im lặng qua bao nhiêu thế hệ chúng ta đấy. Nói rộng ra thì cây cối còn chính là tổ tiên của các loại động vật và con người nói chung, thiếu cây thì con người cũng chẳng sống được. Nếu không biết lo cho cây thì làm sao biết lo thấu đáo cho người, hả bạn? Hả tôi?

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm