Văn hóa chê bai: Đừng 'chửi cho sướng mồm'

04/07/2015 12:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chê bai, khích bác, “ném đá hội đồng” bất luận lý do là những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa đang diễn ra trong thời gian qua. Một thiếu nữ đã phải tự tử vì những lời dè bỉu từ những người không quen biết; một bác sĩ mất việc vì những trận “mưa đá” chỉ vì hình ảnh để chân lên giường bệnh; cùng hàng trăm câu chuyện người nổi tiếng bị “tấn công” và chịu hậu quả nghiêm trọng về hình ảnh từ những lý do không đâu.

Ở một thái cực khác, những nạn nhân của những cuộc công kích (từ người nổi tiếng tới những bạn trẻ) lại phản ứng với dư luận một cách tiêu cực và bế tắc. Người nổi tiếng đăng đàn khích bác lại đám đông; các bạn trẻ tự ti, trầm cảm, hành hạ bản thân, thậm chí quyên sinh vì dư luận…

Câu hỏi đặt ra: Nguồn cơn của sự lệch chuẩn này từ đâu? Ranh giới nào giữa phản biện xã hội và chê bai vô lối? Và, nên ứng xử sao trước những lời chê bai, khích bác của dư luận, nhất là trong thời điểm mạng xã hội phát triển chóng mặt như hiện nay?

TS Trịnh Hòa Bình: Không bản lĩnh, đừng dùng mạng xã hội

TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Xã hội học) Thời gian gần đây, dư luận xã hội Việt Nam đang ở trạng thái khá cực đoan. Mọi vấn đề: từ quyết sách của các cơ quan công quyền tới những câu chuyện cá nhân đều có thể trở thành mục tiêu của các cuộc “ném đá hội đồng” trên mạng xã hội. Đám đông chê bai mọi thứ, công kích bất cứ tiểu tiết nào trong khi họ không có dữ liệu đầy đủ về sự việc.

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa “chửi đổng” với phản biện xã hội. Những người chê trách mà không đưa ra bất cứ lập luận, dẫn chứng hay giải pháp mang tính xây dựng nào không thể coi là phản tỉnh. Những lời thị phi đó chỉ để thỏa mãn nhu cầu thấp kém của cá nhân là dìm người khác xuống để cảm thấy mình cao hơn.

Cũng vì tâm lý “chửi cho sướng mồm”, cộng đồng mạng đã chê trách nhầm quá nhiều trường hợp. Sau mỗi lần “ném đá nhầm”, dư luận lạnh lùng tìm mục tiêu khác bỏ mặc nạn nhân trước những khó khăn từ mạng ảo tác động tới đời thật.

Tôi nghĩ rằng việc chê bai vô căn cứ này cần ngăn chặn càng sớm càng tốt. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp vào kênh giao tiếp đang trở thành phổ biến là mạng xã hội. Cụ thể, FB đã có chính sách bắt buộc người dùng khai tên thật để người dùng có những cam kết mạnh hơn về trách nhiệm xã hội. Từ chính sách này của FB, chúng ta có cơ sở để quản lý mạng xã hội và phát ngôn trên mạng xã hội để loại trừ những thông tin rác, những “comment bẩn”.

Nhưng, việc thay đổi văn hóa chê bai bằng những biện pháp “cứng” không thể một sớm một chiều. Bởi vậy, người dùng mạng xã hội (những người có thể là nạn nhân của những lời chê bai), tuy không thể biến nơi nguy hiểm thành nơi an toàn song cần có biện pháp phòng tránh. Cụ thể, theo quan điểm của cá nhân tôi, không bản lĩnh, đừng dùng mạng xã hội. Bởi những lời công kích, mạt sát của đám đông có thể xảy đến với bất cứ ai. Nếu người dùng không đủ sức đề kháng để thích nghi thì không nên tham gia.

Nhà văn Di Li: Người hay chê bai người khác thường là người thất bại

Việc “ném đá” xảy ra ở bất cứ nền văn minh nào, vào bất cứ thời điểm nào. Cụ thể, từ thời Trung cổ, ở châu Âu, những người bị coi là tội đồ sẽ bị ném đá đến chết. Điều này còn lưu lại trong Kinh Thánh với tích “Người đàn bà ngoại tình”.

Thời Trung cổ, tất cả những người bị hành hình đều chịu đau đớn thể xác đến chết. Còn thời hiện đại, “đá” không còn là vật sát thương về thân xác. Nó chuyển hóa thành những lời thóa mạ, những comment làm nhục, những lời kêu gọi tẩy chay. Và sự “hành quyết” về tinh thần này gây những tổn thương không kém gì hình phạt thời Trung cổ.

Ở Việt Nam, thói quen chê bai dường như đã là đặc thù văn hóa. Tôi có một người bạn nước ngoài, thời gian đầu đến Việt Nam, anh ấy đã bị shock văn hóa vì đi đâu cũng bị chê béo. Tất nhiên, người chê cũng không có ác ý song ở những nền văn minh phát triển, điều này là khó chấp nhận.

Theo kinh nghiệm của tôi, những người hay buông lời chê bai thường là những người thất bại trong cuộc sống cá nhân. Họ cố đẩy những nỗi bực dọc, sự thấp kém sang người khác để có cảm giác quên đi những thiếu sót của bản thân. Trong khi đó, những người thành công, tự tin với giá trị của mình, họ không chê bai tràn lan với mục đích hạ nhục người khác.

Về những lời công kích đám đông của những người nổi tiếng sau khi bị cộng đồng mạng “ném đá” gần đây, tôi thấy đó không phải là cách ứng xử khôn ngoan. Bởi người nổi tiếng có nhiều thứ để mất còn đám đông chẳng mất gì. Nên, theo quan điểm cá nhân tôi, người nổi tiếng nên tỉnh táo nhìn nhận những lời chê trách và giải quyết nhẹ nhàng nhất có thể.

Còn với những người thường tham gia mạng xã hội, tôi nghĩ chúng ta nên hiểu luật chơi của mạng xã hội với đặc thù văn hóa Việt Nam. Người Việt thích chê bai nay được cộng hưởng bằng mạng xã hội khiến câu chuyện trở nên rất nghiêm trọng. Nên, người dùng mạng xã hội cần hiểu rằng, khi tham gia cộng đồng ảo, việc bị tấn công là hoàn toàn có thể xảy ra dù họ có cẩn trọng đến đâu. Nên, khi rủi ro đến, người dùng không nên nổi khùng mà nên ứng xử linh hoạt với từng trường hợp. Việc hiểu rõ giá trị của bản thân sẽ giúp chúng ta không bị những lời khen - chê lừa mị.

Sinh viên Trịnh Lan Hương: Không nên tự hành hạ mình vì những điều lãng xẹt

Đã có những thời điểm, tôi tự rạch tay mình vì những lời chê trách không đúng. Sau chuyện buồn đó, tôi nhận ra, trong cả mạng xã hội hay ngoài đời thì chỉ một từ quan trọng nhất khi đối mặt với chuyện chê bai là “bản lĩnh”.

Bản lĩnh để kiềm chế bản thân lúc tức giận, không phát ngôn vội vã. Bản lĩnh để đón nhận những khen chê. Tôi phân định rạch ròi chuyện chê bai vô lối thành hai trường hợp với hai cách ứng xử khác nhau.

Trường hợp thứ nhất, những lời chỉ trích không đúng đến từ những mối quan hệ thân thiết. Tôi sẽ gặp trực tiếp người thân thiết ấy để trò chuyện rõ ràng. Bởi, đôi khi những lời nặng nề buông ra trong bối cảnh người nói không có đủ thông tin về vấn đề hoặc do họ hiểu nhầm mình vì những lý do khách quan. Khi ấy, lắng nghe và thấu hiểu một cách từ tâm sẽ khiến mối quan hệ không bị đổ vỡ một cách không đáng.

Trường hợp thứ hai, những lời công kích vô lối đến từ những người không quen biết hoặc không quá thân thiết trên mạng xã hội. Trường hợp này, tôi luôn xác định bỏ qua, không quan tâm. Tôi đã hành hạ bản thân vì những điều lãng xẹt đủ rồi.

Từ lúc vượt qua khoảng thời gian stress do những lời chê bai, tôi hướng các hành động của mình tới các hoạt động xã hội. Bởi, tôi tâm niệm như câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ. Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi”.

Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm