Văn hóa biểu hiện của một thời

05/12/2012 16:03 GMT+7


Một trong những hình ảnh được nhiều người trên các mạng xã hội theo dõi và bình luận tuần qua, là một chàng trai ôm hoa quỳ ở sân công cộng xin lỗi người yêu. Lời bàn tán cảm thương chia sẻ cũng có, bất đồng về cách làm này cũng có.

Hình ảnh do một sinh viên điện ảnh Hà Nội ghi lại.
Chuyện của các chàng trai cô gái mang đầy vẻ lãng mạn trong điện ảnh như vậy, có thể được nhìn thấy ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng tác động thì có vẻ ngày càng ít đi.

Chưa có thông tin thêm nào cho biết cô bạn gái giận hờn đó đã đáp lại lời xin lỗi cầu kỳ như thế nào, nhưng nếu là bạn, bạn sẽ đáp lại thỉnh cầu đó thế nào khi chợt nhận ra rằng mình trở thành nhân vật công cụ cho một kịch bản cảm động, mà ánh sáng sân khấu tập trung về người trình diễn hơn là diễn giải giá trị thật của nó?

Khoảng hơn một thập niên gần đây, “văn hoá biểu hiện chứng minh” – tôi tạm gọi tên – của cá nhân và đám đông đã phát triển vượt bậc cùng tốc độ của Facebook.

Không ít bạn trẻ đã nhận ra rằng mình có thể tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, internet… để tạo nên vóc dáng riêng. Mọi chuyện đều dễ dàng trở thành huyền thoại của chốc lát, từ chuyện té trên giường xuống đất, ăn không hết bữa tối, hay đại loại là quỳ xin lỗi bạn gái của mình. Tất cả mọi sáng tạo ranh mãnh của dòng văn hoá biểu hiện bề ngoài hơn là giá trị nội dung đang xuất hiện ở mọi nơi. Nó có thể trở thành sự kiện và trò vui để chứng minh “tôi đó”, nhưng cũng vấp phải vô số những phản ứng từ một lớp người trầm tĩnh và ít nông nổi hơn.

Trong các hình ảnh ghi lại các fan hâm mộ âm nhạc K-pop, người ta dễ dàng nhìn thấy không ít các gương mặt chàng trai và cô gái đang nhìn hay liếc vào ống kính nhưng vẫn mếu máo khóc. Văn hoá biểu hiện chứng minh đôi khi còn là niềm tự hào của một lớp bạn trẻ muốn xác nhận rằng mình chính là một giọt nước của dòng thác tâm lý sống đương đại. Bạn sẽ lầm khi nói rằng họ ngại ngùng khi nhìn thấy mình trên các báo ảnh trong tư thế đó. Ngược lại. Họ cảm thấy vui và tự hào vì mình hợp thời, đúng kiểu của hình thái văn hoá biểu hiện một thời.

Phải chăng đó là một ngã rẽ khác của chủ nghĩa hiện sinh, mà một người bạn của tôi ghi trong sổ tay là “một khuynh hướng chỉ sống cho hiện tại không cần phải nghĩ ngợi gì, thậm chí cực đoan hơn là sống và không cần nhớ đến những tích tắc vừa trải qua”.

Thật không ngoa nếu gọi đó là văn hoá biểu hiện, và thiếu hẳn phần sâu thẳm của trái tim. Nếu có mặt ở các sân khấu biểu diễn hay các buổi họp báo K-pop, bạn sẽ chỉ nghe thấy những tiếng gào rú, la hét… át hẳn âm nhạc. Dường như không có ai bỏ tiền mua vé đến để thưởng thức, họ đến chỉ để kêu lên, chứng minh cho một biểu hiện đồng bộ về hâm mộ cho nhiều bài hát có sức kích động dưới mức trung bình.

“Thế các băng video nước ngoài cho thấy nhiều cuộc biểu diễn cũng như vậy thì sao?” – sẽ có ai đó so sánh như vậy, nhưng ngay cả cách nghĩ trẻ con đó cũng lập tức giới thiệu một dòng văn hoá biểu hiện muốn chứng minh mình hiện đại và hợp thời giống như “thế giới”.

Nhưng khuynh hướng nào, xu thế tâm lý nào... rồi cũng đến và đi qua theo tuổi đời. Tuổi trẻ luôn nồng nhiệt và quả quyết làm điều mình muốn, bất chấp có thể là điều nông nổi. Họ luôn đứng ở cửa ngõ đáng trách và đáng yêu. Vì vậy, có lẽ chúng ta chỉ nên quan sát và tự nhủ một ngày nào đó, các chàng trai cô gái vẫn khóc và vật vã trước ống kính kia khi nhìn lại hình ảnh của mình, sẽ bật cười và nói “thôi đừng nhắc đến những chuyện ấy nữa”.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm