Tuổi 16 kết hôn và tuổi 18 của Luyện

30/07/2012 13:34 GMT+7

(TT&VH) - 1. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên thì nay, như TT&VH đã phản ánh trong số báo vừa qua, có một số ý kiến đề xuất, 16 tuổi nữ có thể kết hôn, còn đối với nam là 18 tuổi.

Hẳn những người đưa ra ý kiến trên cũng có lí do của mình, chẳng thế mà ngày xưa các cụ đã có câu "Nữ thập tam nam thập lục". Và câu ca dao kinh điển mà bây giờ người ta vẫn cho là tảo hôn: "Lấy chồng từ thủa mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con". Ngày xưa các cụ đã thế rồi, nay xã hội còn phát triển hơn nhiều, các nam thanh nữ tú cũng “trưởng thành” sớm hơn, biết “quan hệ” sớm hơn, nên đòi cưới sớm cũng không có gì là khó hiểu.

Thực tế, dù pháp luật vẫn nghiêm cấm, nhưng khắp cả nước ta xưa nay, không chỉ ở những vùng sâu vùng xa mà ngay cả ở các thành phố lớn, người ta vẫn kết hôn khi chưa đến tuổi, tảo hôn như thường. Không biết, có phải do nhìn vào thực tế này mà người ta muốn hạ tuổi kết hôn trong luật để hợp thức hóa những đám cưới chui, những vụ tảo hôn xưa nay.

2. Cái yêu cầu hạ tuổi "làm người lớn" xuống 16 tuổi, vô hình chung, khiến người ta nhớ đến một trường hợp mà chính dư luận yêu cầu hạ độ tuổi để đối tượng liên quan phải chịu trách nhiệm như người lớn. Không ai khác đó chính là Lê Văn Luyện.

Sự so sánh này quả là hơi khập khiễng. Nhưng có một điểm chung, ấy là mong muốn luật phải "chạy theo" thực tiễn. Khi gây ra vụ thảm án ngày 24/8/2011 Luyện mới được 17 tuổi, 10 tháng, 6 ngày và chưa đến tuổi thành niên nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù. Sự việc đã khiến dư luận sôi sùng sục, rất nhiều ý kiến kiền đòi sửa luật để tử hình Luyện.

Nhưng luật là luật, không thể thay đổi vì một trường hợp đơn lẻ.

Thực tế, dù có sửa luật đi nữa, Luyện vẫn chỉ phải chịu 18 năm tù, bởi... cũng theo luật, nếu luật được sửa sau thời điểm xảy ra vụ án, thì luật mới chỉ được áp dụng nếu xét thấy có lợi cho bị cáo. Luật pháp trong nước cũng phải phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em. Vì thế, sau một thời gian sôi sục đòi sửa luật, người ta cũng tạm quên chuyện này, dù chỉ với mong muốn ngăn chặn những trường hợp “phiên bản Luyện”.

Vậy, hai trường hợp cần hạ tuổi, cái nào cần thiết hơn?

3. Sự thay đổi luật cũng phải phù hợp với các điều luật hiện hành để luật không chọi nhau, như Điều quy định về hành vi quan hệ với trẻ vị thành niên trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giáo dục. Luật cũng quy định 18 tuổi, công dân mới được quyền bầu cử, đánh dấu dự trưởng thành về ý thức chính trị xã hội của mình. Hay theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch về tín dụng, ngân hàng, bất động sản, đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Vậy sẽ thế nào khi người chủ gia đình “vô sản” và không thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân.

Và nhất là luật phải cân bằng hài hòa các yêu cầu của cuộc sống. 16 tuổi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, các em rất khó được tuyển dụng lao động để kiếm sống nuôi gia đình. Trong xã hội ta, những người trẻ có độ tuổi 16 đến 18 khó có khả năng kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân, chứ chưa nói đến có thể lo được cho một gia đình nhỏ. Tất nhiên trừ những trường hợp “vượt khó vươn lên” và những cá nhân xuất sắc, nhưng không thể bắt cả xã hội cùng “vượt khó” cùng “xuất sắc” được. Hãy tưởng tượng, khi họ sinh thêm một đứa trẻ, một gia đình có “ba đứa trẻ” như vậy sẽ ra sao?

Không có lý gì 16 tuổi người ta đã có thể lập gia đình. Dù thế nào thì tôi cũng kinh hãi cảnh: “Đến năm mười tám thiếp đà năm con”.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm